CỔNG THÔNG TIN VÀ ĐẦU TƯ QUỐC TẾ
Nhằm góp phần thúc đẩy sức mua trong nước, Bộ Công Thương vừa qua đã triển khai Chương trình Khuyến mại tập trung quốc gia năm 2025 (Vietnam GrandSale 2025), kéo dài từ ngày 14/6 đến ngày 14/7 trên phạm vi toàn quốc.
Vietnam GrandSale 2025 có tính mở rộng và không giới hạn. Doanh nghiệp trên cả nước được tự do tham gia, không cần qua đăng ký hay xét chọn. Mỗi doanh nghiệp được chủ động thiết kế chương trình khuyến mại với mức ưu đãi có thể lên đến 100% giá trị hàng hóa, dịch vụ. Đây là một trong những biện pháp nhằm cụ thể hóa Nghị quyết số 25/2025 của Chính phủ về mục tiêu tăng trưởng GDP năm 2025 đạt từ 8% trở lên.
Sức mua phục hồi tích cực nhưng vẫn chưa toàn diện
Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tăng 9,3% so với cùng kỳ năm trước.
Theo Cục Thống kê (Bộ Tài chính), góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế trong 6 tháng đầu năm 2025 phải kể đến sự phục hồi của cầu nội địa. Tiêu dùng - một thành tố quan trọng của tổng cầu đã cho thấy những kết quả ấn tượng.
Cụ thể, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tăng 9,3% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó: doanh thu dịch vụ lưu trú, ăn uống tăng 14,7% và doanh thu du lịch lữ hành tăng 23,2%.
Cũng theo Cục Thống kê, tâm lý tiêu dùng cải thiện rõ rệt nhờ lạm phát được kiểm soát, thu nhập của người lao động tăng so với cùng kỳ năm trước: “Bình quân 6 tháng đầu năm 2025, CPI tăng 3,27% so với cùng kỳ năm trước; thu nhập bình quân tháng của người lao động đạt 8,3 triệu đồng/tháng, tăng 760 nghìn đồng/tháng”.
Thêm vào đó, du lịch tiếp tục tăng mạnh, tạo hiệu ứng lan tỏa đóng góp tích cực vào tăng trưởng kinh tế. Trong 6 tháng đầu năm, khách quốc tế đến Việt Nam tăng 20,7% so với cùng kỳ năm trước nhờ nhiều chương trình kích cầu du lịch được triển khai trên phạm vi cả nước.
Tuy vậy, vẫn có những chỉ báo, cho thấy cầu tiêu dùng chưa đạt được sự hồi phục và bứt phá rõ rệt như kỳ vọng. Theo ông Nguyễn Bích Lâm, chuyên gia kinh tế, tổng mức bán lẻ hàng hoá và doanh thu dịch vụ tiêu dùng, bình quân qua các tháng trong 6 tháng đầu năm 2025 tăng ổn định, cao hơn cùng kỳ năm trước, tuy nhiên vẫn thấp hơn khá nhiều so với mức tăng của thời kỳ trước đại dịch COVID-19.
Còn ông Lê Anh Tuấn, Giám đốc chiến lược đầu tư tại Dragon Capital chỉ ra, mức tăng trưởng tiêu dùng có phần chững lại trong quý I/2025, phản ánh rõ mối liên hệ giữa sức mua và các yếu tố nền tảng như thu nhập, việc làm và tâm lý tiêu dùng. “Thiếu những điều kiện này, tiêu dùng khó có thể đóng vai trò động lực trung tâm”, chuyên gia cảnh báo.
Kích cầu tiêu dùng, củng cố tổng cầu
Tại cuộc họp sáng 16/7 về kịch bản tăng trưởng kinh tế năm 2025 và các nhiệm vụ, giải pháp để thực hiện mục tiêu tăng trưởng, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết Chính phủ xác định mục tiêu tăng trưởng năm 2025 khoảng 8,3 - 8,5%, tạo đà, tạo lực, tạo khí thế, tạo nền tảng vững chắc để đạt tăng trưởng 2 con số trong giai đoạn 2026 - 2030.
“Đây là mục tiêu rất khó và có nhiều thách thức rất lớn nhưng chúng ta không thể không làm và mục tiêu này cũng không phải bất khả thi. Nếu chúng ta không thực hiện được mục tiêu này trong năm nay thì sẽ ảnh hưởng tới mục tiêu tăng trưởng những năm tới và 2 mục tiêu 100 năm đã đề ra”, Thủ tướng nhấn mạnh.
Trong bối cảnh kinh tế thế giới còn nhiều bất định, tăng cường động lực nội địa, trong đó có tiêu dùng, là một trong những giải pháp được Chính phủ và giới chuyên gia đề xuất đẩy mạnh.
TS. Nguyễn Bích Lâm phân tích, tiêu dùng và tăng trưởng kinh tế có tác động qua lại, tương hỗ, thúc đẩy lẫn nhau: “Cùng với việc phát huy tối đa các yếu tố thúc đẩy tiêu dùng của nền kinh tế, thời gian tới Chính phủ cần làm mới động lực tiêu dùng, có các biện pháp kích cầu mạnh mẽ để thúc đẩy nhu cầu mua sắm, chi tiêu của người dân, từ đó tạo động lực cho tăng trưởng kinh tế”.
Về giải pháp cụ thể, theo chuyên gia, trước tiên, cần kiểm soát lạm phát, giữ vững ổn định vĩ mô - điều kiện cần để tạo niềm tin người tiêu dùng. Tiếp theo, cần phát huy hiệu quả các giải pháp kích cầu tiêu dùng, đặc biệt là giải pháp giảm 2% thuế VAT. Theo tính toán, giảm 2% thuế VAT sẽ thúc đẩy GDP tăng thêm 0,8 điểm phần trăm với điều kiện kiểm soát lạm phát dưới mức mục tiêu.
Bên cạnh đó, Chính phủ cần điều hành tỷ giá, lãi suất phù hợp, tránh lạm phát kỳ vọng tác động tiêu cực đến sức mua, kiểm soát việc tăng giá trong mùa cao điểm của một số sản phẩm đặc thù nhằm khuyến khích và thu hút người dân chi tiêu dùng trong nước.
Chuyên gia cũng lưu ý về việc nâng cao chất lượng hàng hoá và dịch vụ trong nước với mức giá cạnh tranh, thúc đẩy người dân tiêu dùng hàng hóa và dịch vụ Việt, giảm thiểu tiêu dùng hàng hoá và dịch vụ nhập khẩu.
Đặc biệt, để khai thác hết tiềm năng của thị trường tiêu dùng trong nước với hơn 100 triệu dân, các giải pháp kích cầu cần được triển khai nhất quán, đúng thời điểm và trúng đối tượng.
Kích cầu tiêu dùng không thể thay thế các động lực khác, nhưng nếu được kích hoạt đúng cách, sẽ là “bệ đỡ mềm” giúp nền kinh tế trụ vững trước những bất ổn từ bên ngoài và tạo dư địa cho tăng trưởng bền vững hơn trong trung và dài hạn.
PGS.TS. Nguyễn Thường Lạng, Giảng viên Đại học Kinh tế quốc dân
Khó khăn thứ nhất theo tôi là tổng cầu trong nước cần kích cầu mạnh hơn nữa để làm chỗ dựa, trụ vững cho nền kinh tế, cho tăng trưởng lâu dài. Việc làm cần phải tạo ra nhiều hơn nữa, trên cơ sở đó tổng cầu sẽ được mở rộng. Thứ hai là cần tăng sức cạnh tranh thực chất của hàng hóa Việt Nam, bởi nhìn kỹ ta thấy xuất nhập khẩu chủ yếu do khu vực có vốn đầu tư nước ngoài.
TS. Cấn Văn Lực, Kinh tế trưởng BIDV
Nếu loại trừ yếu tố giá, tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ tăng 7,2% so với cùng kỳ, bằng khoảng 84% mức tăng trung bình trước dịch. Doanh thu du lịch lữ hành dù tăng cao hơn so với mức trước dịch song vẫn thấp hơn cùng kỳ năm 2024 (37,1%). Mức tăng doanh thu lưu trú ăn uống là 10,5%, khá thấp so với mức tăng về lượng khách du lịch quốc tế là 20,7%, cho thấy xu hướng tiêu dùng tiết kiệm hơn của du khách. Để đạt được mục tiêu tăng trưởng 8% trở lên, cần triển khai có hiệu quả các chính sách kích cầu tiêu dùng.
TS. Nguyễn Quốc Việt, trường Đại học Kinh tế, Đại học Quốc gia Hà Nội
Kích cầu tiêu dùng đã tăng trưởng tương đối tốt trong quý II nhưng mà vẫn còn nhiều dư địa để kích hoạt thêm. Ngoài chương trình giảm thuế VAT, tôi cho rằng cần kích hoạt tiêu dùng cho du khách quốc tế như có chính sách giảm thuế VAT ngay tại nơi bán hàng. Bên cạnh đó là tăng cường, liên kết, đa dạng hoá các sản phẩm địa phương như OCOP. Đấy những điểm tôi cho rằng chúng ta có thể cải thiện trong tiêu dùng.
Đỗ Kiều