CỔNG THÔNG TIN VÀ ĐẦU TƯ QUỐC TẾ
Phát biểu tại Diễn đàn Kinh tế hợp tác, hợp tác xã năm 2019 ngày 14/10, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho hay, hợp tác xã đóng vai trò quan trọng đối với kinh tế hộ, cá thể thành viên thông qua các dịch vụ hoặc việc làm cho thành viên, nhất là thành viên nông nghiệp.
Tuy nhiên, tốc độ tăng trưởng hợp tác xã chậm, thiếu ổn định; một số hợp tác xã chưa tuân thủ nghiêm các quy định của pháp luật, năng lực nội tại còn yếu, chủ yếu dựa vào vốn tự có, chưa tiếp cận được vốn vay từ các tổ chức tín dụng.
Theo quy định của Luật Hợp tác xã năm 2012, Nhà nước có 6 chính sách hỗ trợ đối với hợp tác xã, Liên hiệp hợp tác xã gồm Đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực; Xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường; Ứng dụng khoa học, kỹ thuật và công nghệ mới; Tiếp cận vốn và quỹ hỗ trợ phát triển hợp tác xã; Tạo điều kiện tham gia các chương trình mục tiêu, chương trình phát triển kinh tế - xã hội; Thành lập mới hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã).
Hai chính sách ưu đãi: Ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp và các loại thuế khác theo quy định của pháp luật về thuế; Ưu đãi lệ phí đăng ký hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã theo quy định của pháp luật về phí và lệ phí.
Riêng đối với hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp, lâm nghiệp, ngư nghiệp, diêm nghiệp, ngoài việc được hưởng chính sách hỗ trợ, ưu đãi quy định nêu trên, còn được hưởng 5 chính sách hỗ trợ, ưu đãi khác như: Đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng; Giao đất, cho thuê đất để phục vụ hoạt động của hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã theo quy định của pháp luật về đất đai; Ưu đãi về tín dụng; Vốn, giống khi gặp khó khăn do thiên tai, dịch bệnh; Chế biến sản phẩm.
Tuy nhiên, công tác triển khai còn rất nhiều hạn chế. Có chính sách hầu như chưa thực hiện được như chính sách hỗ trợ về kết cấu hạ tầng. Một số chính sách có thực hiện nhưng hiệu quả chưa cao như chính sách ưu đãi tín dụng, chính sách hỗ trợ chế biến sản phẩm…
"Mặc dù có rất nhiều chính sách, nhưng trên thực tế, số lượng hợp tác xã được hưởng chính sách hỗ trợ, ưu đãi của Nhà nước chưa nhiều", Bộ trưởng Dũng nhấn mạnh.
Bà Lưu Thị Chỉ - Chủ tịch Liên minh Hợp tác xã Thái Bình cho biết, các hợp tác xã còn nhiều khó khăn về cơ sở vật chất, thiết bị lạc hậu, tài sản thế chấp vay ngân hàng không đủ điều kiện. Tư tưởng của một bộ phận thành viên hợp tác xã nông nghiệp chuyển đổi còn tư duy nhỏ lẻ, giữ đất… làm kìm hãm sự phát triển của hợp tác xã, ảnh hưởng đến sự cạnh tranh trên thị trường, chưa phát huy được tiềm năng.
Các hợp tác xã gần như không tiếp cận được đất đai dù nhu cầu thực tế rất lớn. Việc tiếp cận nguồn vốn tín dụng cũng nhiều khó khăn.
Đồng quan điểm, ông Nguyễn Phi Đức – Chủ tịch Hội đồng quản trị Hợp tác xã Dương Liễu (Hoài Đức, Hà Nội) cũng cho rằng, nhiều hợp tác xã nông nghiệp chuyển đổi đã có đất nhưng chưa được giao đất và cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Bên cạnh đó, Nghị định số 46/2014/NĐ-CP ngày 15/5/2014 quy định miễn, giảm tiền sử dụng đất đối với hợp tác xã nông nghiệp đến hết năm 2020.
Tại Điều 20, Khoản A quy định hợp tác xã thuê đất để sử dụng làm trụ sở, cơ sở sản xuất kinh doanh được giảm 50% tiền thuê đất nhưng chỉ đối với các dự án mới còn các dự án kiểu cũ đều không được giảm. Hiện nay Luật Phí và Lệ phí chưa quy định hợp tác xã là đối tượng được miễn giảm.
"Tôi đề nghị Chính phủ nên quy định giảm 50% tiền thuê đất hàng năm cho tất cả các hợp tác xã nông nghiệp bất kể là dự án thuê đất mới hay là những dự án đã được giao trước đây. Đồng thời cũng nên quy định tỷ lệ giảm tiền thuê đất cho các hợp tác xã phi nông nghiệp để đảm bảo môi trường được ưu đãi cho các hợp tác xã", ông Nguyễn Phi Đức nhấn mạnh.
Theo thống kê của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, số lượng hợp tác xã tăng dần theo từng năm, phát triển khá đồng đều trên khắp các vùng miền, chất lượng hoạt động được nâng lên.
Tính đến 31/12/2018, toàn quốc có 22.861 hợp tác xã trong đó có 13.856 hợp tác xã nông nghiệp, 9.005 hợp tác xã phi nông nghiệp, thu hút gần 6 triệu thành viên tham gia. Số lao động làm việc trong hợp tác xã khoảng 1,2 triệu người.