CỔNG THÔNG TIN VÀ ĐẦU TƯ QUỐC TẾ

Thanh tra Chính phủ chỉ ra nhiều sai phạm về thủy lợi, đê điều và phòng, chống thiên tai

Invest Global 09:08 19/12/2024

Thanh tra Chính phủ đã chỉ ra loạt sai phạm trong việc quy hoạch thủy lợi, thành lập các công ty khai thác thủy lợi… tại Bộ NN&PTNT và các địa phương.

Ban hành nhiều quy hoạch thủy lợi không đúng quy định

Thanh tra Chính phủ đã công bố kết luận thanh tra trong công tác quản lý nhà nước về thủy lợi, đê điều và phòng, chống thiên tai tại Bộ NN&PTNT.

Theo kết luận thanh tra, đối với quy hoạch thủy lợi, Bộ NN&PTNT phê duyệt mới 7 quy hoạch thủy lợi đối với một số lưu vực sông, vùng, miền với giai đoạn quy hoạch là 12 năm, vượt 2 năm, không đúng quy định Luật Thủy lợi năm 2017; đồng thời, chưa lấy ý kiến của Bộ KH&ĐT, thực hiện không đúng quy định tại Thông tư số 05.

Có 3/7 quy hoạch thủy lợi (vùng Tây nguyên, vùng Đông Nam Bộ, lưu vực sông Cầu-Thương) có thời gian lập, phê duyệt quy hoạch kéo dài trong 4 năm, ảnh hưởng đến chất lượng quy hoạch. Có 2/7 quy hoạch có nội dung quy hoạch chưa thể hiện cho từng thời kỳ là 5 năm (vùng Tây nguyên và Đông Nam Bộ), thực hiện không đúng quy định tại Quyết định số 1349.

Ngoài ra, có 4/7 quy hoạch thủy lợi (lưu vực sông Đáy, lưu vực sông Hương - sông Ô Lâu, lưu vực sông Đà - sông Thao, lưu vực sông Ba và vùng phụ cận) với giai đoạn quy hoạch được phê duyệt đến 2030, tầm nhìn đến 2050 không phù hợp với giai đoạn theo đề cương nhiệm vụ và quyết định giao nhiệm vụ lập quy hoạch (giai đoạn đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2035).

Thanh tra Chính phủ đã công bố kết luận thanh tra trong công tác quản lý nhà nước về thủy lợi, đê điều và phòng, chống thiên tai tại Bộ NN&PTNT. Ảnh: TTCP.

Bộ NN&PTNT phê duyệt điều chỉnh, bổ sung 3 quy hoạch thủy lợi đối với một số lưu vực sông đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 không đúng thẩm quyền.

Ngoài ra, tính đến năm 2018, tỉnh Cà Mau chưa lập, phê duyệt quy hoạch thủy lợi tỉnh theo quy định, dẫn đến tỉnh này thiếu cơ sở để quản lý thủy lợi trong giai đoạn 2018 - 2023 và trước đó; trách nhiệm thuộc về Bộ NN&PTNT, UBND tỉnh Cà Mau.

UBND tỉnh Đồng Tháp sau khi phê duyệt điều chỉnh quy hoạch thủy lợi không tổ chức công bố công khai các nội dung quy hoạch đã điều chỉnh trong suốt thời kỳ quy hoạch, thực hiện không đúng quy định của Luật Thủy lợi năm 2017; trách nhiệm thuộc về UBND tỉnh Đồng Tháp.

Việc Bộ NN&PTNT, UBND một số tỉnh thực hiện không đúng các quy định pháp luật trong lập, thẩm định, phê duyệt, điều chỉnh, bổ quy hoạch thủy lợi như trên dẫn đến thiếu cơ sở để triển khai thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế do giai đoạn của quy hoạch và giai đoạn của kế hoạch phát triển kinh tế không phù hợp nhau, thiếu cơ sở để phê duyệt chủ trương đầu tư xây dựng, quản lý khai thác và bảo vệ công trình thủy lợi. Trách nhiệm thuộc về Bộ NN&PTNT.

Bất cập trong thành lập các công ty khai thác thủy lợi

Kết luận thanh tra còn chỉ rõ, một số công trình thủy lợi hoàn thành đưa vào sử dụng khi Nghị định số 129 đã có hiệu lực nhưng Bộ NN&PTNT chưa ban hành quyết định giao cho cơ quan được giao quản lý tài sản, thực hiện không đúng quy định tại Nghị định số 129.

Bên cạnh đó, có 2/6 tỉnh (Đồng Tháp, Cà Mau) chậm thành lập, tổ chức lại các tổ chức thủy lợi cơ sở, thực hiện không đúng quy định tại Thông tư số 05.

Đáng chú ý, Bộ NN&PTNT thành lập Công ty TNHH MTV khai thác thủy lợi Cửa Đạt và Công ty TNHH MTV khai thác thủy lợi Tả Trạch (với 100% vốn nhà nước); giao tài sản kết cấu hạ tầng thủy lợi (hồ Cửa Đạt, Tả Trạch) cho doanh nghiệp quản lý và tính thành vốn nhà nước tại doanh nghiệp.

Tuy nhiên, đây là doanh nghiệp công ích nên phát sinh những bất cập, khó khăn cho hoạt động của doanh nghiệp theo Luật Doanh nghiệp, Luật Quản lý, sử dụng tài sản công đối với việc tự chủ kinh doanh, việc bảo toàn vốn, khấu hao tài sản, bảo trì tài sản kết cấu hạ tầng quy định tại Nghị định số 129.

Đến thời điểm thanh tra, còn 10 tỉnh phải sắp xếp các doanh nghiệp khai thác thủy lợi để đảm bảo mỗi tỉnh chỉ thành lập tối đa 1 Công ty TNHH MTV khai thác công trình thủy lợi 100% vốn nhà nước (Bắc Giang, Bắc Ninh, Thái Bình, Hà Tĩnh, Quảng Ninh, Hà Nội, Hải Phòng, Nam Định, Thanh Hóa, Nghệ An), thực hiện không đúng Quyết định số 33, ảnh hưởng đến việc giao tài sản và khai thác công trình thủy lợi.

Tổng Thanh tra Chính phủ kiến nghị Bộ NN&PTNT căn cứ kết luận thanh tra và ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ để tổ chức kiểm điểm để xử lý trách nhiệm theo quy định của Đảng và pháp luật của nhà nước đối với các tổ chức, cá nhân có liên quan đến những khuyết điểm, vi phạm nêu tại phần kết quả và Kết luận thanh tra.

Trong đó, cần làm rõ trách nhiệm của tổ chức, cá nhân trong việc quản lý, kiểm tra, giám sát việc lập, phê duyệt quy hoạch thủy lợi; việc phê duyệt chủ trương đầu tư dự án khi quy hoạch thủy lợi, quy hoạch phòng, chống lũ của tuyến sông có đê, quy hoạch đê điều tại địa phương chưa được phê duyệt… báo cáo Thủ tướng Chính phủ.

Trong ngày 18/12, tại buổi công bố kết luận thanh tra về việc thanh tra công tác quản lý nhà nước về thủy lợi, đê điều và phòng, chống thiên tai, ông Nguyễn Hoàng Hiệp, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT đã tiếp thu toàn bộ nội dung Kết luận thanh tra.

Ông Hiệp cho rằng, công tác quản lý nhà nước về thủy lợi, đê điều và phòng, chống thiên tai là lĩnh vực lớn, được đầu tư lớn nhưng lại nằm rải rác ở các tỉnh, thành phố.

Đoàn thanh tra với phương pháp làm việc khoa học, đi đến tận cùng bản chất sự việc, đặc biệt đã chỉ rõ nguyên nhân của những tồn tại hạn chế, trách nhiệm của các tập thể, cá nhân có liên quan. Trong quá trình làm việc, đoàn thanh tra luôn tạo điều kiện tuyệt đối cho đơn vị, cơ quan, địa phương trong báo cáo giải trình và tiếp thu đầy đủ nội dung và thực hiện đúng các quy định của pháp luật.

Thứ trưởng Bộ NN&PTNT nhất trí toàn bộ nội dung kết luận thanh tra; đặc biệt là những vấn đề đoàn thanh tra kiến nghị các Bộ, ngành, trong đó có Bộ NN&PTNT cần phải làm ngay.

Căn cứ Kết luận thanh tra, lãnh đạo Bộ NN&PTNT đã chỉ đạo Thanh tra Bộ dự thảo kế hoạch thực hiện kết luận thanh tra. Theo đó, dự kiến trong quý 1/2025 sẽ tổ chức kiểm điểm các tập thể, cá nhân có liên quan quan.

Đối với các biện pháp khắc phục về thể chế, Bộ NN&PTNT muốn kéo dài hơn các nội dung khác vì sắp tới sáp nhập các đơn vị nên các văn bản, quy phạm pháp luật sẽ có những thay đổi.

Tại buổi công bố, đại diện UBND tỉnh Đồng Tháp, Bắc Ninh cùng các đơn vị có liên quan cho biết sẽ nghiêm túc thực hiện kết luận thanh tra của Thanh tra Chính phủ về công tác quản lý nhà nước về thủy lợi, đê điều và phòng, chống thiên tai…