CỔNG THÔNG TIN VÀ ĐẦU TƯ QUỐC TẾ

‘Kinh tế số năm 2023 đã đóng góp 16,5% GDP Việt Nam’

Invest Global 09:56 29/05/2024

Tính riêng năm 2023, doanh thu mảng dịch vụ công nghệ thông tin của 45.500 doanh nghiệp tại Việt Nam đạt 138,5 tỷ USD. Bên cạnh đó, doanh thu ngành công nghiệp ICT ở nước ngoài là 7,5 tỷ USD.

Tính riêng năm 2023, doanh thu mảng dịch vụ công nghệ thông tin của 45.500 doanh nghiệp tại Việt Nam đạt 138,5 tỷ USD. Bên cạnh đó, doanh thu ngành công nghiệp ICT ở nước ngoài là 7,5 tỷ USD. w-cds-cdx-tran-minh-tuan-2991Ông Trần Minh Tuấn – Vụ Trưởng, Vụ kinh tế số & Xã hội số, Bộ Thông tin và Truyền thông. Ảnh: Lê Dũng/Vietnamnet.

Kinh tế số được các chuyên gia đánh giá có những tác động mạnh mẽ đến tăng cường năng lực cạnh tranh của nền kinh tế cũng như là năng suất lao động của các doanh nghiệp. Trong cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, tăng trưởng kinh tế không còn quá phụ thuộcvào lợi thế tài nguyên, địa chính trị hay nguồn nhân lực, mà là năng suất lao động dựa vào kinh tế số, nền tảng số.

Phát biểu tại Hội Nghị Vietnam – Asia DX Summit 2024: Chuyển đổi số, Chuyển đổi xanh phát triển kinh tế số (tổ chức ngày 28/5), ông Trần Minh Tuấn – Vụ Trưởng, Vụ kinh tế số & Xã hội số, Bộ Thông tin và Truyền thông cho biết bất chấp nền kinh tế toàn cầu đang trải qua giai đoạn “sóng gió”, nền kinh tế số là động lực tăng trưởng cho các nền kinh tế.

Lấy ví dụ ở các nền kinh tế lớn như Hoa Kỳ, Trung Quốc và Singapore, giai đoạn 2018-2022 ghi nhận kinh tế số tăng trưởng gấp 2 đến 3,3 lần so với GDP kinh tế thực. Trong đó, với thị trường Trung Quốc, ICT (công nghệ thông tin và truyền thông) thẩm thấu nhiều nhất vào các ngành, gồm: Dịch vụ (đóng góp 44,7% quy mô kinh tế số), công nghiệp 924%) và nông nghiệp (10,5%).

Ngoài các quốc gia trên, đã có hơn 50% quốc gia trên thế giới ban hành chiến lược chuyển đổi số, số hóa; 10 quốc gia, vùng lãnh thổ đã có chiến lược phát triển kinh tế số, xã hội số, trong đó có Việt Nam.

Vào tháng 3/2022, Việt Nam đã có Quyết định số 411/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược quốc gia phát triển kinh tế số và xã hội số đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. Từ đó, bức tranh kinh tế số Việt Nam đã được hình thành.

Ông Tuấn cho biết:”Tính riêng năm 2023, doanh thu mảng dịch vụ công nghệ thông tin đạt 138,5 tỷ USD, với số lượng doanh nghiệp là 45.500 đơn vị. Bên cạnh đó, doanh thu ngành công nghiệp ICT ở nước ngoài là 7,5 tỷ USD. Giá trị đóng góp chủ yếu cho Kte số chủ yếu là ngành dịch vụ, thương mại điện tử”.

Đáng chú ý, Việt Nam có tốc độ phát triển kinh tế số nhanh nhất Đông Nam Á trong 2 năm liên tiếp (2022 đạt 28%, 2023 đạt 19%), cao gấp 3,5 lần tốc độ tăng trưởng GDP (Báo cáo của EconomySEA). Chỉ số Đổi mới sáng tạo của Việt Nam năm 2023 được Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới (WIPO) xếp hạng thứ 46/132, tăng 2 bậc so với năm 2022; liên tiếp duy trì trong nhóm 50 nước dẫn đầu từ năm 2018 đến nay. Thương mại điện tử tăng 11%, kinh tế số du lịch tăng 82%, thanh toán số tăng 19%. Kinh tế số năm 2023 đã đóng góp khoảng 16,5% GDP.

Những khó khăn của chuyển đổi số

Dù có những bước phát triển, song ông Tuấn nhìn nhận chuyển đổi số vẫn còn đó những bất cập. Trước hết, chuyển đổi số hiện cần những dự án, đề án có tính đột phá, dẫn dắt, khơi thông và tạo động lực cho phát triển kinh tế số.

Bên cạnh đó, việc kết nối, chia sẻ, mở dữ liệu còn hạn chế, chưa thuận tiện, chưa tạo ra nhiều giá trị gia tăng. Không có dữ liệu thì không có chuyển đổi số, không có quản trị số. Ngoài ra, việc triển khai các nền tảng số dùng chung còn chậm. Không có nền tảng số dùng chung thì không có dữ liệu tập trung “đúng, đủ, sạch, sống”; AI đã bước vào giai đoạn ứng dụng rộng rãi giúp tăng năng suất lao động, giảm giá thành, tạo ra giá trị mới.

Cuối cùng là, người đứng đầu ở một số bộ, ngành, địa phương chưa coi phát triển kinh tế số là nhiệm vụ trọng tâm, chưa đầu tư nguồn lực thích đáng.

Để giải quyết các vấn đề, những khó khăn, ông Tuấn cho rằng cần làm sớm, làm tốt việc xây dựng hạ tầng và phổ cập hạ tầng, đặc biệt là các nền tảng có tính tương thích mở và hoạt động trên quy mô xã hội.

Để nền kinh tế số đóng vai trò là động lực, Thủ tướng đã chỉ đạo trong năm 2024 tập trung phát triển kinh tế số với 4 trụ cột là công nghệ tông tin và truyền thông, phát triển kinh tế số các ngành, quản trị số và phát triển dữ liệu số.

2024 cũng là năm phổ cập hạ tầng số, phổ cập các thành tố nền tảng của chuyển đổi số, phát triển các ứng dụng số để phát triển kinh tế số, tạo ra động lực mới để tăng trưởng kinh tế và tăng năng suất lao động.

Ông Tuấn cho biết mỗi ngành trong năm 2024 cần đặt mục tiêu tạo ra 5 bộ dữ liệu chất lượng cao. Ví dụ, từ bộ dữ liệu của mình, Bộ Nông Nghiệp và PTNT có thể truy xuất nguồn gốc nông sản, phân tích và tìm gốc dịch bệnh.

Vụ Trưởng, Vụ kinh tế số & Xã hội số lấy ví dụ một trong những thành công điển hình của chuyển đổi số là Đề án 06 của Bộ Công An. Ông nói:“Đây là mũi đột phá đã kéo theo chuyển đổi số ngành công an và tác động chuyển đổi số quốc gia. Qua đó, cũng rút ra nhiều bài học kinh nghiệm cho các bộ ngành khác”.

Ông nhìn nhận Đề án 06 thành công nhờ việc quyết tâm chính trị cao với tầm nhìn chiến lược và lộ trình cụ thể, phát huy vai trò và trách nhiệm của người đứng đầu; phối hợp đồng bộ, chặt chẽ xuyên suốt từ Trung ương đến địa phương. Thường xuyên kiểm tra, đôn đốc, gỡ vướng mắc cho địa phương, cơ sở….

Doanh nghiệp - Doanh nhân