CỔNG THÔNG TIN VÀ ĐẦU TƯ QUỐC TẾ

Kinh tế Việt Nam sẽ trở lại mạnh mẽ

Invest Global 10:33 15/02/2022

Theo đánh giá của các chuyên gia, Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội sẽ giúp nền kinh tế chuyển biến tích cực trong năm nay. Tuy nhiên, mức độ bật dậy mạnh mẽ như thế nào phụ thuộc rất lớn vào việc triển khai thực hiện Chương trình này.

Những kịch bản về tác động mà Chương trình mang lại

Triển khai Kết luận số 24-KL/TW ngày 30/12/2021 của Bộ Chính trị và Nghị quyết số 43/2022/QH15 của Quốc hội, ngày 30/1/2022, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 11/NQ-CP về Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội với mục tiêu phục hồi, phát triển nhanh hoạt động sản xuất kinh doanh; thúc đẩy các động lực tăng trưởng; đưa nền kinh tế sớm vượt qua khó khăn, không lỡ nhịp với tiến trình phục hồi kinh tế toàn cầu, đồng thời tạo nền tảng và điều kiện thuận lợi cho phát triển kinh tế - xã hội cho cả giai đoạn 2021-2025 và các năm tiếp theo.

“Chương trình sẽ tác động đến cả phía cung và phía cầu, góp phần quan trọng trong khôi phục và thúc đẩy các hoạt động đầu tư, sản xuất và tiêu dùng”, TS. Cấn Văn Lực nhận định. Theo tính toán của TS. Cấn Văn Lực và nhóm tác giả Viện Đào tạo và Nghiên cứu BIDV, tác động của Chương trình đối với tăng trưởng sẽ theo hai kịch bản. Kịch bản 1 (kịch bản tích cực): Các gói hỗ trợ được giải ngân đạt khoảng 40% năm 2022 và 50% năm 2023. Còn kịch bản 2 (kịch bản tiêu cực): Việc giải ngân chậm so với dự kiến, tỷ lệ giải ngân thấp chỉ đạt 30% năm 2022 và 40% năm 2023.

kinh te viet nam se tro lai manh me Nghị quyết 11 sẽ tạo thêm nhiều động lực cho các ngành sản xuất phát triển

Tùy theo từng kịch bản trên, tác động đối với tăng trưởng kinh tế. Cụ thể với kịch bản 1, tăng trưởng GDP có thể đạt 6,5-7% năm 2022 và 7-7,5% năm 2023. Với kịch bản 2, tăng trưởng GDP sẽ thấp hơn khoảng 1-1,5 điểm % so với kịch bản 1, chỉ đạt khoảng 5-5,5% năm 2022 và 6% năm 2023.

Mặc dù việc triển khai các chính sách nêu trên sẽ khiến các chỉ tiêu thâm hụt ngân sách, nợ công, nghĩa vụ trả nợ trực tiếp của Chính phủ tăng cao hơn trong giai đoạn 2022-2023. Tuy nhiên theo các chuyên gia, đây là lựa chọn chính sách phù hợp khi chính sách tài khóa còn dư địa tương đối lớn và thuận lợi so với chính sách tiền tệ, đồng thời phù hợp với xu hướng chung toàn cầu nhằm ưu tiên hỗ trợ phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội.

“Nợ công vẫn trong ngưỡng an toàn (cách ngưỡng 60% GDP khoảng 12-13 điểm %); đồng thời, việc tăng nợ công không đáng lo ngại nhờ tăng tỷ trọng vay trong nước với lãi suất khá thấp, việc sử dụng vốn vay có mục đích rõ ràng và khả năng hấp thụ được chú trọng”, TS. Cấn Văn Lực cho biết.

Quyết liệt để đạt kết quả tốt nhất

Tác động vô cùng tiêu cực của đại dịch COVID-19 là nguyên nhân chính khiến chúng ta phải triển khai Chương trình này để phục hồi nền kinh tế và viết tiếp câu chuyện tăng trưởng, phát triển thành công trong những năm qua.

“Nếu dừng lại quá lâu trước rào cản, thách thức, chúng ta sẽ để lỡ cơ hội phát triển. Thời gian, vận hội không chờ đợi ai, chúng ta nhất thiết phải hành động ngay, mạnh mẽ và quyết liệt để không bỏ lỡ các cơ hội, dù là nhỏ nhất. Chúng ta cần phải phục hồi hiệu quả, phát triển bứt phá để không tụt hậu”, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch - Đầu tư Nguyễn Chí Dũng khẳng định. Ông cũng tin tưởng, tuy nền kinh tế năm 2022 còn gặp không ít thách thức, khó khăn, nhưng việc tổ chức thực hiện các giải pháp đồng bộ tại Nghị quyết 11 sẽ tạo thêm nhiều động lực và sức bật cho nền kinh tế.

Để Chương trình đạt mục tiêu đề ra, TS. Cấn Văn Lực và nhóm tác giả Viện Đào tạo và Nghiên cứu BIDV khuyến nghị, Chính phủ cần sớm ban hành và chỉ đạo thực hiện tốt Chương trình phòng chống dịch 2022-2023, với phương châm nhất quán là “sống chung an toàn với COVID”. Cùng với đó, các bộ, ngành cần sớm ban hành hướng dẫn thực hiện Nghị quyết 11; đảm bảo thực thi hiệu quả Chương trình này, cũng như gắn kết Chương trình này với Chương trình phòng chống dịch, đề án cơ cấu lại nền kinh tế và ba đột phá chiến lược.

Đồng thời, chú trọng nâng cao hiệu quả phối hợp chính sách, nhất là giữa chính sách tài khóa, chính sách tiền tệ và các chính sách khác để thực hiện thành công Chương trình; kiểm soát rủi ro phát sinh, nhất là rủi ro lạm phát và rủi ro tài khóa (khi phải chấp nhận nợ công, thâm hụt ngân sách, nghĩa vụ trả nợ… tăng).

Ngoài ra trong quá trình thực hiện Chương trình, vẫn đồng thời tập trung đẩy nhanh, quyết liệt cải cách thể chế, cải thiện môi trường đầu tư - kinh doanh; đẩy mạnh cơ cấu lại nền kinh tế để huy động và phân bổ nguồn lực hiệu quả hơn; khẩn trương xây dựng thể chế, hành lang pháp lý cho quản lý, phát triển kinh tế số, hỗ trợ doanh nghiệp chuyển đổi số.