CỔNG THÔNG TIN VÀ ĐẦU TƯ QUỐC TẾ

'Kỳ lân' phần mềm xuất hiện nhiều ở Mỹ và Trung Quốc giữa đại dịch

Invest Global 10:40 21/09/2020

(TBKTSG Online) - Dịch bệnh đã làm các quỹ đầu tư mạo hiểm chùng tay, nhưng số công ty khởi nghiệp được bơm vốn và đạt giá trị trên một tỉ đô la Mỹ, được gọi là kỳ lân (unicorn), vẫn xuất hiện giữa mùa dịch. Mảng công nghệ phần mềm phát triển mạnh do xu hướng thay đổi trong kinh doanh và chi tiêu của người tiêu dùng.

Số công ty phần mềm và dịch vụ thương mại điện tử chiếm đa số trong danh sách 22 kỳ lân mới trong quý 2 vừa rồi - Ảnh: Getty Images

Triển vọng là con người phải cùng tồn tại với dịch Covid-19 đang thúc đẩy sự phát triển của các startup cung cấp công nghệ và dịch vụ liên quan đến kềm chế và theo dõi dịch bệnh. Số kỳ lân toàn cầu giảm 40% trong quý vừa rồi, do các nhà đầu tư trở nên khó tính, đắn đo hơn trong việc chọn ngành nào có lợi và phát triển trong đại dịch để bơm vốn.

Những thời khắc biến động về kinh tế xã hội như thế này luôn tạo ra cơ hội cho những công ty non trẻ nhưng có hướng đi đúng đắn. Instagram, Uber Technologies và Airbnb đã bước ra từ khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008, sau đó tỏa sáng trong thời kỳ bùng nổ của nền kinh tế chia sẻ. Trước đó, Alibaba vươn lên vị trí “thống soái” khi dịch SARS năm 2003 tạo nên nhu cầu mới về bán lẻ trực tuyến.

Sôi động startup phần mềm

Trong quý 2 vừa rồi, có 22 startup gia nhập đội ngũ kỳ lân – theo số liệu của CB Insights. Riêng Mỹ đóng góp 13 kỳ lân, riêng Trung Quốc có 3.

Sôi động nhất trong quý vừa qua là lĩnh vực phần mềm internet và dịch vụ với 5 startup đạt giá trị cột mốc 1 tỉ đô la. Kế tiếp là thương mại điện tử, quản lý và phân tích dữ liệu - mỗi lĩnh vực có 3 công ty. Tất cả lĩnh vực này đều liên quan chuyện kiểm soát sự lây lan của dịch bệnh và tăng năng suất làm việc. Trong quý 2-2019, lĩnh vực công nghệ tài chính (fintech) đứng đầu, bám sát theo là mảng logistics và du lịch.

“Khi ranh giới giữa nhà và nơi làm việc bị xóa nhoà trong vài tháng qua, chúng tôi nhận thấy lượng tương tác trên Figma tăng cao hơn trước”, Dylan Field, CEO của startup chuyên về phần mềm thiết kế Figma, giải thích. Figma là dịch vụ đám mây cho phép nhiều người cùng tham gia từ xa để cùng làm việc chung, chẳng hạn như thiết kế ứng dụng trên smartphone.

Ứng dụng của Figma đã được nhiều nhà thiết kế biết đến trước đó, nhưng trở nên được ưa chuộng hơn với giới nhân viên văn phòng khi họ phải ở nhà và cần các hình thức thay thế để tương tác bằng âm thanh và hình ảnh. Tháng 4 vừa rồi, Figma gọi thêm được 50 triệu đô la, giúp giá trị công ty vượt 2 tỉ.

Thành công của Figma là một ví dụ rõ ràng về sự thay đổi quá trình hình thành các kỳ lân trong giới khởi nghiệp so với cách đây một năm.

Đặt trụ sở ở Mỹ, startup Postman có nền tảng API giúp các phần mềm khác nhau tương tác và họ đã đạt danh hiệu kỳ lân tháng rồi. “Doanh số của Postman tiếp tục tăng mạnh và chúng tôi ghi nhận mức độ sử dụng nền tảng này đạt kỷ lục kể từ khi dịch bùng phát. Các công ty bị buộc phải cho nhân viên làm việc tại nhà theo luật. Dù là tăng cường trực tuyến hay lần đầu chuyển sang trực tuyến, họ đều cần API để sáng tạo”, Nick Trần, Phó Chủ tịch của Postman, phát biểu.

Vốn đầu tư mạo hiểm đổ vào Postman nhiều hơn sau dịch. Tương tự, Podium - startup cung cấp các công cụ chat để phục vụ khách hàng cho doanh nghiệp quy mô nhỏ - đạt mức tăng trưởng ấn tượng.

Tại Trung Quốc, Beijing Calorie Technology, đạt mức 1 tỉ đô la vào tháng 5. Hãng này thu hút nguồn vốn nhờ sự quan tâm đến sức khỏe của người dùng ngày càng cao. Công ty này điều hành một ứng dụng về luyện tập thể thao có tên Keep cung cấp video luyện tập, ghi chép lịch tập và hướng dẫn dinh dưỡng. Hiện Keep có 200 triệu người dùng đăng ký.

Các lệnh phong tỏa ở các thành phố Trung Quốc đã thúc đẩy sự tăng trưởng của công ty Dingdong Maicai chuyên bán các sản phẩm tươi sống trên mạng ở các thành phố như Bắc Kinh và Thượng Hải. Công ty này thiết lập hệ thống nhà kho trên toàn quốc và có thể giao hàng trong vòng 30 phút.

Trong số 50 startup Trung Quốc gọi được vốn trong nửa đầu năm 2020, có 20 công ty trong lĩnh vực y học như phân tích gien và phát triển dược sinh học, theo trang tin công nghệ 36Kr.

Quá trình số hóa cũng mang lại động lực tăng trưởng trong các ngành công nghiệp truyền thống. Có công nghệ hình ảnh 3D cho phép khách hàng xem nhà hay bất động sản muốn mua, hãng môi giới bất động sản trên mạng Beike Zhaofan đã gọi được 1,5 tỉ đô la từ các nhà đầu tư, trong đó có gã khổng lồ Tencent Holdings.

Đến tháng 6-2020, Mỹ và Trung Quốc có số lượng kỳ lân áp đảo các nước khác – Đồ họa: Nikkei / CB Insights

Nhật Bản thiếu tinh thần mạo hiểm

Trong khi đó, Nhật Bản vẫn bị Mỹ và Trung Quốc bỏ rơi ở đằng sau: chỉ tạo ra được ba công ty mới trị giá tỉ đô trong một năm qua, kể từ tháng 8-2019. Mục tiêu của chính phủ nước này là trong vòng chưa đến 10 năm sẽ có 35 công ty chạm cột mốc định giá một tỉ vào năm tài chính 2024. Nhưng mục tiêu này sẽ là ngoài tầm với của họ. 

Sự khác biệt chính giữa Nhật Bản và hai gã khổng lồ trên là gì? Khoảng 400 tỉ yen, tương đương 3,7 tỉ đô la, được đầu tư vào các startup ở xứ sở hoa anh đào mỗi năm. Con số này ở Mỹ là hơn 130 tỉ đô la và ở Trung Quốc là hơn 90 tỉ. “Cái chính là tư duy sáng tạo và tinh thần mạo hiểm”, Yusuke Murata, một đối tác chính của quỹ mạo hiểm Incubate Fund, nhận định

Các gia đình, đặc biệt là người cao tuổi cùng các doanh nghiệp ở Nhật Bản dư thừa tiền mặt trong tay, nhưng họ thờ ơ và chẳng hứng thú gì mà thử cơ hội mới với việc thành lập công ty mới hoặc làm quen công nghệ mới. “Nhật Bản cần phải tìm ra nhiều cách thức khuyến khích nhà đầu tư dài hạn, chẳng hạn như các quỹ hưu trí và các định chế cho vay đổ tiền vào công ty khởi nghiệp có thể mang lại sáng tạo. Đây là cách thay máu đối với giới doanh gia Nhật Bản”, Nikkei Asian Review kết luận.

Theo Nikkei Asian Review, CB Insights

Tin tức khởi nghiệp