CỔNG THÔNG TIN VÀ ĐẦU TƯ QUỐC TẾ

Kỳ vọng ‘nền móng’ vững chắc cho trung tâm tài chính quốc tế của Việt Nam

Invest Global 09:09 16/07/2025

Việc xây dựng mô hình trung tâm tài chính quốc tế đầu tiên của Việt Nam ở Tp.HCM đang kỳ vọng vào một “nền móng” vững chắc và có lộ trình chiến lược cụ thể. Nhất là xây dựng các lợi thế độc đáo với hàng loạt chính sách ưu đãi đặc thù và các điều kiện kinh doanh hấp dẫn để khuyến khích dòng vốn quốc tế chuyển dịch về Việt Nam. 

Tại bàn tròn doanh nghiệp (DN) Việt Nam và Trung tâm Tài chính quốc tế Astana (AIFC), Kazakhstan tổ chức ở Tp.HCM hôm 15/7 nhằm bàn về hợp tác phát triển trung tâm tài chính quốc tế Việt Nam, ông Nguyễn Lộc Hà, Phó chủ tịch UBND Tp.HCM, cho biết Tp.HCM hiện đang bước vào giai đoạn tăng tốc xây dựng Trung tâm tài chính quốc tế theo Nghị quyết số 222/2025/QH15 của Quốc hội chính thức có hiệu lực vào ngày 1/9/2025.

Tăng tốc trước hàng loạt chính sách ưu đãi đặc thù

Theo ông Hà, Trung tâm tài chính quốc tế Việt Nam đặt tại Tp.HCM có định hướng phát triển sản phẩm riêng biệt, phát huy thế mạnh của Tp.HCM và hướng tới mục tiêu trở thành một trong những trung tâm tài chính quốc tế, nâng tầm vị thế của Việt Nam trong mạng lưới tài chính toàn cầu.

-7180-1752575296.png

Mô hình trung tâm tài chính quốc tế ở Tp.HCM đang kỳ vọng vào các điều kiện kinh doanh hấp dẫn để khuyến khích dòng vốn quốc tế chuyển dịch về Việt Nam.

Qua thảo luận chuyên sâu tại sự kiện này, ông Hà khẳng định trong thời gian tới, Tp.HCM sẽ hợp tác chặt chẽ với AIFC (một trung tâm tài chính hàng đầu ở Đông Âu và Trung Á, thu hút hơn 16,9 tỷ USD vốn đầu tư, tạo ra gần 10.000 việc làm và là nơi đặt trụ sở của hơn 4.000 công ty đến từ 80 quốc gia) và các đối tác Kazakhstan cũng như tất cả các bên liên quan để hiện thực hóa Trung tâm tài chính quốc tế Việt Nam đặt tại Tp.HCM.

Bên cạnh đó, nói về các cơ chế, chính sách đột phá khi Quốc hội hồi gần cuối tháng 6/2025 đã thông qua Nghị quyết 222/2025/QH15 về Trung tâm tài chính quốc tế Việt Nam, một trong những điểm quan trọng được ông Nguyễn Hồng Văn, Phó tổng giám đốc Công ty Đầu tư Tài chính Nhà nước Tp.HCM (HFIC), nhấn mạnh đó là là quy chế thành viên được thiết kế theo hướng thông thoáng và thuận lợi.

Theo đó, các thành viên của trung tâm tài chính quốc tế sẽ được hưởng những đặc quyền, như được phép thành lập công ty quản lý vốn để huy động vốn từ nước ngoài, được huy động vốn từ các tổ chức và cá nhân bên ngoài lãnh thổ Việt Nam mà không cần thông qua thủ tục cấp phép.

Ngoài ra, theo ông Văn, để kiến tạo một môi trường đầu tư cạnh tranh vượt trội, Nghị quyết 222/2025/QH15 đưa ra hàng loạt chính sách ưu đãi đặc thù. Về chính sách ngoại hối và ngân hàng, các thành viên được tự do sử dụng ngoại tệ trong thanh toán, niêm yết và các hoạt động vay - cho vay, kể cả với nước ngoài.

“Đối với lĩnh vực công nghệ tài chính, một cơ chế sandbox sẽ được thiết lập, cho phép các DN thử nghiệm có kiểm soát những công nghệ, sản phẩm và dịch vụ mới chưa có quy định pháp luật, đồng thời được miễn trừ một số thủ tục và trách nhiệm hành chính”, ông Văn cho biết.

Mặt khác, các chính sách ưu đãi khác cũng được đưa ra, như kéo dài thời hạn sử dụng đất lên đến 70 năm, cho phép chuyên gia nước ngoài được mua và sở hữu nhà ở, cùng cơ chế “một cửa” hỗ trợ thủ tục xuất nhập cảnh và cấp phép lao động linh hoạt.

Cũng theo ông Nguyễn Hồng Văn, Tp.HCM đã và đang tích cực phối hợp các cơ quan Trung ương nỗ lực triển khai đầy đủ, đồng bộ và hiệu quả Nghị quyết của Quốc hội.

“Tp.HCM đang chủ động triển khai các công tác chuẩn bị, rà soát cơ sở hạ tầng, xác định không gian quy hoạch phát triển trung tâm tài chính quốc tế tại Tp.HCM, rà soát các nguồn lực và cơ chế chính sách thu hút đầu tư vào trung tâm tài chính quốc tế, đẩy mạnh tiến độ các dự án hạ tầng – kỹ thuật trọng điểm trong trung tâm tài chính quốc tế…”, ông Văn chia sẻ.

Đứng ở góc độ là Phó giám đốc Sở Tài chính Tp.HCM, ông Đinh Khắc Huy cho biết Tp.HCM đang tiến hành triển khai xây dựng mô hình Trung tâm Tài chính quốc tế đặt tại phường Bến Thành, phường Sài Gòn và Khu đô thị mới Thủ Thiêm. 

Xây dựng các lợi thế độc đáo

Cũng tại bàn tròn DN với AIFC và các đối tác Kazakhstan, ông Huy cho rằng mô hình thành công của AIFC chính là bài học quý báu cho Tp.HCM, đặc biệt là về: cơ chế tài chính – pháp lý linh hoạt; mô hình quản trị độc lập, minh bạch; hạ tầng số, sàn giao dịch chứng khoán quốc tế, hệ sinh thái khởi nghiệp fintech; kết nối vùng và hợp tác xuyên biên giới.

Có thể nói việc tạo “nền móng” vững chắc cho việc xây dựng trung tâm tài chính quốc tế tại Tp.HCM đang thể hiện quyết tâm tạo bứt phá của Việt Nam trong bối cảnh chuyển đổi số và phát triển kinh tế toàn cầu.

Nhất là trong giai đoạn chuyển giao công nghệ - đặc biệt là công nghệ tài chính (fintech) và công nghệ chuỗi khối (blockchain), Việt Nam đang đứng trước cơ hội vàng để hiện thực hóa tham vọng xây dựng trung tâm tài chính, tiếp bước phát triển của các nền kinh tế đi trước tại châu Á như Singapore, Nhật Bản và Hàn Quốc.

Theo Ts. Nguyễn Tuấn Anh, chuyên gia tài chính, để là trung tâm tài chính quốc tế thì Tp.HCM cần đặc biệt lưu ý xây dựng quan hệ đối tác chiến lược với các trung tâm tài chính quốc tế và các tổ chức tài chính lớn trên thế giới để nâng cao uy tín và khả năng hội nhập. Việc hợp tác quốc tế cũng giúp thành phố này học hỏi và áp dụng các thông lệ tốt nhất trên thị trường toàn cầu.

Không chỉ vậy, để thu hút nhà đầu tư quốc tế và cạnh tranh với các trung tâm tài chính quốc tế lớn trong khu vực như Singapore và Hồng Kông thì Việt Nam cần phát triển năng lực cạnh tranh cốt lõi và tạo sự khác biệt cho trung tâm của mình. Điều này được thể hiện thông qua Nghị quyết 222/2025/QH15 của Quốc hội với việc xây dựng các lợi thế độc đáo và các điều kiện kinh doanh hấp dẫn để khuyến khích dòng vốn quốc tế chuyển dịch về Việt Nam. 

Theo Ts. Nguyễn Tuấn Anh, việc triển khai các chính sách, chiến lược cần được thực hiện một cách cẩn trọng và có lộ trình cụ thể, chia thành nhiều giai đoạn phát triển phù hợp với thực tiễn của Việt Nam. Đồng thời, cần phải xem xét kỹ lưỡng tiềm năng và lợi thế cạnh tranh của các thành phố được lựa chọn (đơn cử như Tp.HCM) để đảm bảo sự phát triển bền vững và hiệu quả của trung tâm tài chính quốc tế trong tương lai.

Hơn thế nữa, như với trung tâm tài chính quốc tế tại Tp.HCM, điều cần làm là nên tăng cường nguồn nhân lực. Nhất là cần đầu tư vào hệ thống giáo dục và đào tạo để phát triển lực lượng lao động chất lượng cao trong các lĩnh vực tài chính, kế toán, ngân hàng và fintech. Việc đào tạo đội ngũ chuyên gia lành nghề sẽ đảm bảo đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của thị trường.

Hoặc như việc thúc đẩy đổi mới fintech. Bởi vì đây là một trong những lĩnh vực có tốc độ tăng trưởng nhanh nhất và đóng vai trò quan trọng trong việc nâng cao năng lực cạnh tranh của trung tâm tài chính quốc tế tại Tp.HCM. Vì thế cần khuyến khích và hỗ trợ các DN đổi mới sáng tạo trong lĩnh vực fintech.

                                                                                          Thế Vinh