CỔNG THÔNG TIN VÀ ĐẦU TƯ QUỐC TẾ

Kỳ vọng ngành rau quả Việt có thể mang về hơn 8 tỷ USD trong năm 2025

Invest Global 09:39 30/12/2024

Xuất khẩu rau quả là điểm sáng nổi bật trong bức tranh xuất khẩu nông lâm thủy sản năm 2024 với kết quả xuất khẩu gần 7,1 tỷ USD và được kỳ vọng có thể mang về hơn 8 tỷ USD trong năm 2025.

(TBTCO) - Xuất khẩu rau quả là điểm sáng nổi bật trong bức tranh xuất khẩu nông lâm thủy sản năm 2024 với kết quả xuất khẩu gần 7,1 tỷ USD và được kỳ vọng có thể mang về hơn 8 tỷ USD trong năm 2025.

Việt Nam thu về gần 7,1 tỷ USD từ xuất khẩu rau quả trong năm 2024

Theo số liệu sơ bộ từ Tổng cục Hải quan (Bộ Tài chính), sơ bộ giá trị xuất khẩu rau quả tháng 12/2024 đạt gần 474 triệu USD, tăng 3,5% so với tháng trước đó, và tăng 15,6% so với cùng kỳ. Tính chung gần hết 12 tháng, xuất khẩu rau quả ước đạt gần 7,1 tỷ USD, tăng gần 27% so với cùng kỳ. Đây là kỷ lục mới của ngành rau quả Việt Nam và cũng là điểm sáng trong bức tranh xuất khẩu nông lâm thủy sản năm 2024.

Đứng đầu về danh sách rau quả xuất khẩu là sầu riêng với giá trị ước đạt 3,3 tỷ USD; tiếp theo là thanh long khoảng 435 triệu USD; tiếp đến là chuối, xoài và một số mặt hàng khác như: mít, dừa, dưa hấu…

Kỳ vọng ngành rau quả Việt có thể mang về hơn 8 tỷ USD trong năm 2025 Đứng đầu về danh sách rau quả xuất khẩu năm 2024 là sầu riêng với giá trị ước đạt 3,3 tỷ USD. Ảnh: TL

Theo ông Nguyễn Thanh Bình - Chủ tịch Hiệp hội Rau quả Việt Nam, rau quả là mặt hàng thế mạnh của Việt Nam, hiện có mặt trên hơn 60 thị trường. Nhiều sản phẩm chủ lực như xoài, chuối, sầu riêng… đang đứng thứ nhì về xuất khẩu sang Trung Quốc - thị trường rau quả lớn nhất thế giới. Ngoài sản phẩm tươi, rau quả Việt Nam còn có các mặt hàng xuất khẩu như chế biến, chế biến sâu.

Rau quả xuất siêu gần 4,7 tỷ USD

Ở chiều ngược lại, nhập khẩu rau quả trong năm 2024 đạt 2,4 tỷ USD tăng 23% so với cùng kỳ năm ngoái. Như vậy, trong năm nay, rau quả đã xuất siêu đến gần 4,7 tỷ USD.

Chủ tịch Hiệp hội Rau quả Việt Nam nhấn mạnh, kết quả xuất khẩu rau quả năm 2024 là do sự tích lũy thành quả của các năm trước. Các loại cây ăn quả đa số đều cần thời gian đầu tư dài, từ 3 - 5 năm. Đồng thời, số lượng rau quả xuất khẩu chính ngạch ngày càng tăng. Ví dụ, Trung Quốc hiện cấp phép 15 mặt hàng rau quả, góp phần những sản phẩm như sầu riêng, chuối, dừa… tăng trưởng tích cực.

Cuối cùng, thị phần của rau quả Việt Nam tiếp tục tăng, chẳng hạn từ vị trí thứ 3 lên thứ 2 ở Trung Quốc, hay Hoa Kỳ tăng trưởng hơn 30%, Thái Lan tăng hơn 80%. Các hoạt động xúc tiến thương mại về rau quả được các cấp, các ngành, hiệp hội ngành hàng ngày càng quan tâm, đầu tư. Kết hợp với 16 FTA thế hệ mới, ngành rau quả ngày nay có rất nhiều cơ hội tiếp cận những thị trường tiềm năng.

Đàm phán mở cửa thị trường, hỗ trợ xây dựng mã số vùng trồng

Ông Đặng Phúc Nguyên - Tổng thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam nhìn nhận, đây là năm thắng lớn của ngành hàng rau quả. Với những dư địa thị trường, ông Nguyên kỳ vọng ngành rau quả Việt có thể mang về hơn 8 tỷ USD trong năm 2025. Trong đó, có nhiều yếu tố mới xuất hiện như mặt hàng sầu riêng đông lạnh, dừa tươi xuất khẩu đi Trung Quốc, chanh dây hiện nay đang đàm phán với Mỹ để xuất, có mặt hàng mới tham gia.

Ở góc độ doanh nghiệp, ông Nguyễn Phong Phú - Giám đốc kỹ thuật Công ty Vina T&T Group cho rằng, các doanh nghiệp chế biến và xuất khẩu rau quả nói chung và trái cây nói riêng đang đứng trước thời cơ lớn để gia tăng kim ngạch xuất khẩu. Nguyên nhân là do nhu cầu thị trường thế giới về nguồn hàng này ngày càng cao, trong khi Việt Nam đang làm rất tốt công tác mở cửa thị trường.

Kỳ vọng ngành rau quả Việt có thể mang về hơn 8 tỷ USD trong năm 2025 Nhu cầu thị trường thế giới về nguồn dừa của Việt Nam ngày càng cao. Ảnh: TL

Cũng theo thông tin từ Cục Bảo vệ thực vật (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn - NN&PTNT), dự kiến vào năm 2025, trái chanh dây Việt Nam sẽ chính thức được cấp phép xuất khẩu sang thị trường Hoa Kỳ. Đây là kết quả từ quá trình đàm phán giữa Việt Nam và Hoa Kỳ về các biện pháp kiểm dịch thực vật đối với loại trái cây này. Hiện các bước đàm phán kỹ thuật đã được hoàn thiện, và hiện tại hai bên đang hoàn tất những thủ tục pháp lý cần thiết. Việc chanh dây được phép thâm nhập vào thị trường Hoa Kỳ hứa hẹn tạo động lực lớn để ngành rau quả Việt Nam tiếp tục mở rộng xuất khẩu, đặc biệt vào các thị trường khó tính khác.

Trong năm 2025, Hiệp hội Rau quả Việt Nam nhận định, chiến tranh thương mại giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc, xung đột địa chính trị toàn cầu… là những thách thức lớn. Để xuất khẩu bền vững hơn, hiệp hội cho rằng cần quan tâm đến công nghệ sau thu hoạch, nâng cao chất lượng sản phẩm, nâng cao năng lực tuân thủ của doanh nghiệp.

Ngoài ra, tiếp tục đàm phán mở cửa thị trường, hỗ trợ xây dựng mã số vùng trồng, mã số cơ sở đóng gói, xây dựng các tiêu chuẩn quốc gia về các mặt hàng chủ lực. Cùng với đó, có những thiết chế luật pháp chặt chẽ hơn, giúp bảo vệ những nhà sản xuất chân chính.

Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan cho biết thêm, việc rau quả “có thể đi xa” là minh chứng cho chất lượng, sự tín nhiệm của bạn bè thế giới. Đây là nguồn cổ vũ, động viên lớn để ngành hàng rau quả phát huy hơn nữa thành quả trong năm 2025./.

Theo các chuyên gia, cùng với việc bảo đảm tiêu chuẩn chất lượng thì thời gian tới các doanh nghiệp cần đẩy mạnh khâu chế biến, tập trung vào chế biến sâu, vừa nâng cao giá trị gia tăng, vừa hạn chế rủi ro mùa vụ như xuất khẩu tươi.