CỔNG THÔNG TIN VÀ ĐẦU TƯ QUỐC TẾ

Lãi suất đồng loạt đi xuống, còn dư địa giảm lãi suất điều hành?

Invest Global 09:10 30/05/2023

Lãi suất trên thị trường đã giảm khá nhanh trong một vài vài tuần trở lại đây. Theo nhận định của một số chuyên gia, vẫn còn dư địa để giảm lãi suất điều hành về mức trước đại dịch COVID-19 khi lạm phát giảm, giá USD biến động không quá lớn.

Giao dich Ngan hang Coc tien 10Lãi suất đi xuống, còn dư địa giảm lãi suất điều hành. Ảnh: Trọng Hiếu

Theo quy định của Ngân hàng Nhà nước, trần lãi suất huy động đối với tiền gửi kỳ hạn dưới 6 tháng từ ngày 25/5 chỉ được tối đa 5%/năm. Cùng với động thái giảm lãi suất điều hành, cơ quan quản lý cũng liên tục có các cuộc họp, các văn bản yêu cầu các NHTM tiết giảm chi phí hoạt động, giảm lãi suất huy động tạo cơ sở giảm lãi suất cho vay người dân, doanh nghiệp để hỗ trợ nền kinh tế.

Hưởng ứng lời kêu gọi của NHNN, hầu hết các NHTM đều giảm lãi suất ở các kỳ hạn. Trong đó kỳ hạn 6 - 12 tháng có lãi suất cao trên 8%/năm chỉ còn xuất hiện ở khoảng 10 ngân hàng thuộc nhóm ngân hàng có quy mô vốn nhỏ. Còn lãi suất huy động phổ biến ở các ngân hàng lớn hiện nay đều chỉ dao động từ 6,8 - 8%/năm với 2 kỳ hạn này.

Một số ngân hàng gần đây là có động thái giảm lãi suất mạnh như: SeABank đã giảm 0,3-0,4 điểm % đối với các kỳ hạn từ 6 tháng trở lên. Theo đó, lãi suất kỳ hạn 12 tháng hiện nay là 6,15-7,6%/năm, trong đó, khách hàng gửi từ 100 triệu đồng sẽ được hưởng lãi suất từ 7,4%/năm, trên 10 tỷ là 7,6%/năm. 

Ngân hàng từng có lãi suất huy động cao nhất thị trường là ABBank cũng đã điều chỉnh lãi suất tiền gửi các kỳ hạn từ 6 tháng giảm tới 0,3-0,7 điểm %.

Cụ thể, lãi suất kỳ hạn 12 tháng của ngân hàng đã giảm 0,5 điểm % xuống 8,3%/năm. Lãi suất kỳ hạn 6 tháng giảm 0,3 điểm % xuống 8,2%/năm.

VietBank cũng điều chỉnh lãi suất kỳ hạn từ 6 tháng trở lên. Trong đó, gửi tiết kiệm kỳ hạn 12 tháng hiện nay tại ngân hàng sẽ có lãi 7,8%/năm, thấp hơn trước 0,3 điểm % so với trước đó.

Nam A Bank cũng đã điều chỉnh lãi suất kỳ hạn 6 tháng giảm 0,5 điểm % xuống 8%/năm. Lãi suất kỳ hạn 36 tháng giảm mạnh 0,6 điểm % xuống 7,8%/năm.

Ở các ngân hàng lớn, hầu hết các nhà băng tư nhân giữ nguyên lãi suất kỳ hạn dài, chỉ điều chỉnh lãi suất kỳ hạn ngắn dưới 6 tháng. Tuy nhiên, đây vẫn là nhóm duy trì mức lãi suất huy động thấp nhất hệ thống.

Nhóm Big 4 (Vietcombank, VietinBank, BIDV, Agribank) hiện có mức lãi suất kỳ hạn 12 tháng còn 6,8 - 7,0%/năm.

Được biết, sau cuộc họp với NHNN, nhiều ngân hàng đã đồng thuận giảm lãi suất cho vay từ 0,3-0,5% đối với tất cả khách hàng hiện hữu. 

Liên quan vấn đề lãi suất, trong công điện mới đây, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh, để phấn đấu thực hiện các mục tiêu, chỉ tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2023 đã đề ra, Ngân hàng Nhà nước đã có nhiều nỗ lực để góp phần kiểm soát lạm phát và chỉ đạo hạ lãi suất điều hành nhưng mặt bằng lãi suất, nhất là lãi suất cho vay vẫn còn cao, các quy định tiếp cận vốn vẫn khó khăn, các gói hỗ trợ giải ngân chậm… Do đó, Thủ tướng yêu cầu NHNN tiếp tục chỉ đạo quyết liệt việc rà soát, chỉ đạo hệ thống ngân hàng thương mại tiết giảm chi phí, ứng dụng chuyển đổi số, tăng cường quản lý hiệu quả, giảm thủ tục hành chính, đẩy mạnh đổi mới sáng tạo… để tiếp tục giảm lãi suất cho vay thiết thực, đúng đối tượng nhằm giải quyết khó khăn cho sản xuất, kinh doanh, nhất là về đứt gãy chuỗi cung ứng và chi phí sản xuất gia tăng.

Nhiều chuyên gia, nhà phân tích dự báo, trong ba tháng tới có thể sẽ có thêm một đợt hạ lãi suất điều hành, với mức điều chỉnh giảm thêm 0,5 – 1 điểm % cho lãi suất tái cấp vốn, lãi suất chiết khấu và trần lãi suất tiền gửi từ 1 đến 6 tháng.

Theo đó, một số nhận định cho rằng, tăng trưởng của nền kinh tế có thể sẽ thấp hơn đáng kể so với mục tiêu 6,5% mà Chính phủ đặt ra trong năm nay. Với sự cấp thiết phải hỗ trợ tăng trưởng, thị trường kỳ vọng, NHNN có thể tiếp tục hạ lãi suất để hỗ trợ nền kinh tế.

TS. Cấn Văn Lực, chuyên gia kinh tế trưởng BIDV cho rằng, thị trường đang kỳ vọng lãi suất điều hành sẽ giảm về mức 4% đến năm 2025, tức về mức trước đại dịch COVID-19.