CỔNG THÔNG TIN VÀ ĐẦU TƯ QUỐC TẾ

Làm lớn hạ tầng hàng không, cảng biển đón ‘đại bàng làm tổ’

Invest Global 09:24 14/04/2021

Các công ty hàng đầu của Mỹ đang muốn hỗ trợ Việt Nam để phát triển hạ tầng hàng không. Còn ở Bà Rịa - Vũng Tàu sắp khai trương cảng biển nước sâu đón được các siêu tàu lớn nhất thế giới hiện nay. Việc làm lớn hạ tầng hàng không, cảng biển được kỳ vọng sẽ gia tăng thu hút các nhà đầu tư lớn của nước ngoài, được ví như đón “đại bàng làm tổ”.

Một hội thảo trực tuyến nhằm thúc đẩy hợp tác Việt - Mỹ trong việc phát triển hạ tầng hàng không Việt Nam đã diễn ra ở Tp.HCM, theo thông báo của Tổng lãnh sự quán Mỹ tại Tp.HCM vào ngày 13/4. 

Hợp tác hạ tầng hàng không Việt - Mỹ

Hơn 80 đại diện khu vực công và tư nhân của Việt Nam và Mỹ đã thảo luận về các cơ hội và lĩnh vực hợp tác khi cả hai nước chuẩn bị cho chuyến bay thẳng.  

Phát triển hạ tầng hàng không và cảng biển nước sâu để đón những tàu container lớn sẽ tăng lợi thế trong thu hút các nhà đầu tư lớn của nước ngoài.

Nhóm công nghiệp hàng không Việt - Mỹ đã tổ chức hội thảo này nhằm giúp Việt Nam hiện đại hóa và phát triển hạ tầng hàng không một cách an toàn và hiệu quả.  

Các công ty hàng đầu của Mỹ gồm Autodesk, Boeing, Collins Aerospace, Haskell, Honeywell, Mitre, Rapiscan, JBT Aerotech, Turner Construction, và Tyco Security đã chia sẻ kinh nghiệm thực tiễn và giải pháp sáng tạo trong việc phát triển sân bay.

Theo Tổng lãnh sự quán Mỹ tại Tp.HCM, các cơ quan chính phủ Mỹ đang làm việc để cung cấp nhiều hỗ trợ và chuyên môn, từ hỗ trợ kỹ thuật đến tài chính, từ giai đoạn lập kế hoạch đến các dự án thí điểm. Đại diện Cục Hàng không Việt Nam và Tổng công ty Cảng Hàng không Việt Nam đã chia sẻ thông tin liên quan đến kế hoạch phát triển hạ tầng hàng không Việt Nam. 

Việc hợp tác Việt - Mỹ có tạo ra cú hích cho phát triển hạ tầng hàng không ở Việt Nam vẫn đang được chờ đợi ở phía trước. Còn trong mắt những nhà đầu tư lớn ở nước ngoài được ví như “đại bàng” đang muốn rót vốn vào Việt Nam để “làm tổ”, thì việc làm lớn hạ tầng hàng không nói riêng và hạ tầng logistics nói chung ở Việt Nam là điều mà họ quan tâm trong lúc này.

Theo ông Tobias Gruemmer, Giám đốc Vận hành khu vực của Maersk Việt Nam, không thể phủ nhận sức hút của Việt Nam trong mắt các nhà đầu tư nước ngoài. Tuy nhiên, để giữ vững sức hút đó về lâu dài, Việt Nam cần tập trung nâng cấp cơ sở hạ tầng. 

“Phải nhấn mạnh rằng, hạ tầng hiện nay của Việt Nam tạm đủ để đáp ứng nhu cầu vận chuyển ngắn hạn, nhưng về lâu dài thì chắc chắn thiếu hụt rất lớn”, ông Tobias nói và lưu ý thêm về việc cần thiết phải mở rộng hạ tầng hàng không và hạ tầng cảng biển ở Việt Nam. 

Thực tế cho thấy sự quá tải, hạn chế của hạ tầng mặt đất hàng không tại Việt Nam vẫn còn là bài toán nan giải cũng như mối băn khoăn của các nhà đầu tư lớn. 

Chính vì vậy, ở Tp.HCM, dự án xây dựng nhà ga T3 sân bay Tân Sơn Nhất dự kiến khởi công vào tháng 10/2021 và hoàn thành sau 24 tháng được kỳ vọng rất nhiều. Sau khi hoàn thành, nhà ga T3 sẽ nâng tổng công suất khai thác của sân bay Tân Sơn Nhất lên 55 triệu lượt hành khách/năm, xóa cảnh quá tải cả trên trời và dưới đất.

Tăng lợi thế cảng biển nước sâu

Theo các nhà phân tích, cho tới khi các cảng hàng không lớn như Tân Sơn Nhất hay Nội Bài, Đà Nẵng hoàn tất quá trình nâng cấp mở rộng, cũng như Cảng hàng không quốc tế Long Thành đi vào hoạt động thì mới giải được phần nào những hạn chế về mặt hạ tầng hàng không như hiện nay.

Còn về hạ tầng cảng biển, theo danh mục bến cảng thuộc các cảng biển Việt Nam được Bộ Giao thông Vận tải công bố trong tháng 4/2021, tổng số bến cảng trong hệ thống cảng biển Việt Nam đã tăng thêm 8 bến. Trong đó, cảng biển Bà Rịa-Vũng Tàu có thêm 4 bến cảng mới; các tỉnh, thành phố Hải Phòng, Tp.HCM, Đồng Nai, Khánh Hòa, mỗi địa phương có thêm 1 bến cảng.

Ở Bà Rịa - Vũng Tàu theo dự kiến trong tháng 5/2021 sẽ khai trương Cảng nước sâu Gemalink - dự án cảng có quy mô lớn nhất trong cụm cảng nước sâu Cái Mép - Thị Vải với tổng diện tích lên tới 72ha. Đây là cảng nước sâu lớn nhất Việt Nam, là một trong số 19 cảng lớn của thế giới đón được các siêu tàu lớn nhất thế giới hiện nay.

Dự án này có tổng mức đầu tư 520 triệu USD cho 2 giai đoạn (trong đó giai đoạn 1 đã hoàn thành là 330 triệu USD) với mục tiêu hình thành cảng có công suất lớn nhất Việt Nam với 2,5 triệu TEU/năm. 

Hồi tháng 1 năm nay, CTCP Cảng Cái Mép Gemadept-Terminal Link đã đưa vào hoạt động giai đoạn 1 cảng nước sâu Germalink và đón chuyến tàu thương mại đầu tiên cập cảng có tải trọng 165.375 DWT, có chiều dài 365,5m (là một trong những tàu container lớn nhất thế giới thuộc Hãng tàu CMA-CGM của Pháp). Tàu chạy trên tuyến JAX nối liền bờ Đông và bờ Tây nước Mỹ với Việt Nam.

Cảng biển nước sâu này được cho là giúp cắt giảm được chi phí logistics khi không phải trung chuyển hàng hóa qua nước thứ 3, góp phần tăng tính cạnh tranh của dịch vụ logistics của Việt Nam, cũng như tăng tính hấp dẫn trong việc thu hút các tập đoàn đa quốc gia.

Hồi tháng 3 vừa qua, Thủ tướng Chính phủ đã có chỉ đạo cần nghiên cứu trung tâm phân phối hàng hóa kết nối sân bay quốc tế Long Thành và cảng biển Cái Mép - Thị Vải nhằm kết hợp vận tải đa phương thức.

Giới chuyên gia cho rằng, việc kết nối vận tải đa phương thức, phát triển mở rộng cảng biển nước sâu và hạ tầng cảng hàng không sẽ giúp bảo đảm khơi thông các nút thắt cho phát triển kinh tế là rất cần thiết. Và đó cũng sẽ là điểm mạnh để gia tăng thu hút, đón các “đại bàng” vốn ngoại về “làm tổ” ở Việt Nam trong thời gian tới.

                          Thế Vinh

Ý kiến chuyên gia