CỔNG THÔNG TIN VÀ ĐẦU TƯ QUỐC TẾ

Liên tục đầu tư vào các startup công nghệ, tham vọng của MoMo là gì?

Invest Global 08:23 13/01/2022

Nhờ sự hậu thuẫn từ nguồn vốn của các quỹ đầu tư lớn, ví điện tử MoMo đang đẩy nhanh chiến lược đầu tư vào các startup công nghệ. Rõ ràng, kỳ lân này đang toan tính mở rộng hệ sinh thái của mình, củng cố vị thế trên thị trường.

Tiềm lực tài chính của MoMo

Tháng 12/2021, MoMo công bố hoàn thành vòng gọi vốn thứ 5 (Series E). Công ty đã nhận số tiền đầu tư trị giá khoảng 200 triệu USD từ các nhà đầu tư toàn cầu bao gồm Mizuho, Ward Ferry, Goodwater Capital và Kora Management. 

Vòng gọi vốn lần này được dẫn dắt bởi Mizuho - Ngân hàng toàn cầu Nhật Bản. Trả lời phỏng vấn Bloomberg, Founder Nguyễn Mạnh Tường cho biết khoản đầu tư mới nhất mang lại cho công ty mức định giá hơn 2 tỷ USD. Như vậy, MoMo đã trở thành kỳ lân tiếp theo của Việt Nam.

anh-minh-hoa-vi-momo MoMo đang đẩy nhanh chiến lược đầu tư vào các startup công nghệ. Ảnh: Internet

MoMo cho biết, sẽ sử dụng nguồn vốn mới để củng cố vị trí siêu ứng dụng dẫn đầu thị trường thông qua việc tăng cường cung cấp các dịch vụ tài chính đến 31 triệu khách hàng hiện hữu.

Đồng thời mở rộng thị trường thông qua việc cung cấp giải pháp chuyển đổi số cho hàng triệu doanh nghiệp nhỏ (SME), siêu nhỏ (MSME) tại Việt Nam và tiếp tục đẩy mạnh việc đầu tư vào các công ty Việt Nam để mở rộng hệ sinh thái. Công ty cũng sẽ mở rộng và tăng cường các dịch vụ của mình tại các thành phố cấp 2, cấp 3 cũng như các vùng nông thôn.

MoMo cũng thành lập quỹ Innovation Ventures để hỗ trợ các công ty khởi nghiệp trong nước và tích hợp chúng vào hệ sinh thái của công ty.

Chỉ trong 1 năm, MoMo đã hoàn thành 2 vòng gọi vốn series D và Series E. Đầu năm 2021, Ví MoMo công bố hoàn thành vòng gọi vốn thứ tư (series D), với sự tham gia của các nhà đầu tư Warburg Pincus, Affirma Capital và Tybourne Capital Management. Vòng gọi vốn này cũng xuất hiện các quỹ đầu tư mới như Goodwater Capital, Kora Management và Macquarie Capital.

MoMo không tiết lộ số tiền tài trợ Series D, nhưng có nguồn tin gợi ý con số khoảng 100 triệu USD, gần bằng số tiền thu được từ quỹ Warburg Pincus tại vòng Series C được “chốt kèo” vào năm 2019.

Trước Warburg Pincus, công ty fintech này đã nhận được sự hỗ trợ bởi các nhà đầu tư tài chính hàng đầu thế giới như Goldman Sachs, Standard Chartered Private Equity (SCPE).

Đẩy mạnh đầu tư các công ty công nghệ Việt

Ví điện tử MoMo vừa chính thức hoàn thành đầu tư vào Nhanh.vn, một công ty công nghệ hoạt động trong lĩnh vực thương mại, tuy nhiên giá trị của thương vụ này không được tiết lộ.

Việc MoMo đầu tư vào Nhanh.vn được cho là sẽ giúp cả hai bên cùng các công ty trong hệ sinh thái đẩy mạnh việc ứng dụng công nghệ để chủ động định hình tương lai, cùng nhau tồn tại và phát triển bền vững trong một môi trường đầy bất ổn như hiện nay. 

Thành lập từ năm 2014, Nhanh.vn chuyên cung cấp các giải pháp quản lý bán hàng đa kênh dựa trên nền tảng điện toán đám mây như phần mềm quản lý bán hàng online, dịch vụ thiết kế website, cổng kết nối người bán với nhiều hãng vận chuyển, phần mềm hỗ trợ bán hàng trên Facebook và các sàn thương mại điện tử Lazada, Tiki…  

Thông qua các giải pháp mà Nhanh.vn cung cấp, chủ doanh nghiệp sẽ được hỗ trợ quy trình vận hành bán hàng và quản lý tối ưu, đồng thời phù hợp với mọi quy mô bán hàng, từ một cửa hàng cho đến khi phát triển thành chuỗi và mở rộng nhiều kênh bán hàng. Hiện có hơn 80.000 doanh nghiệp tại Việt Nam đang sử dụng giải pháp của Nhanh.vn.

Hồi tháng 6 năm ngoái, Momo đã thực hiện thương vụ mua lại đầu tiên của mình với start-up trong mảng trí tuệ nhân tạo (AI) Pique, một startup phát triển các dịch vụ đề xuất hỗ trợ AI nhằm cá nhân hóa trải nghiệm khách hàng cho các doanh nghiệp thuộc nhiều lĩnh vực từ thương mại điện tử. 

Qua thương vụ này, MoMo đã “thâu tóm” toàn bộ tài sản trí tuệ của Pique cũng như “sở hữu” nhóm kỹ thuật và khoa học dữ liệu của của startup này và chiêu mộ nhà sáng lập Pique - Trịnh Xuân Tuấn. 

Được thành lập vào năm 2016, Pique tiền thân là Next Smartly. Startup này phát triển các dịch vụ đề xuất hỗ trợ AI nhằm cá nhân hóa trải nghiệm khách hàng cho các doanh nghiệp thuộc nhiều lĩnh vực từ thương mại điện tử. 

Trong đại dịch COVID-19, giới startup là những thành phần dễ tổn thương nhất trên thương trường sóng gió. Lúc này, vai trò của các quỹ đầu tư vô cùng quan trọng, bởi ngoài ‘bơm’ tiền cho doanh nghiệp, họ còn trợ giúp về mặt công nghệ - mối quan hệ - kinh nghiệm, để bảo đảm startup tiếp tục sống được và sống tốt.

Tuy nhiên, gọi vốn không phải là phương pháp duy nhất, việc "bắt tay" hay "về chung nhà" với các đàn anh cũng là quyết định không tồi.

Tin tức khởi nghiệp