CỔNG THÔNG TIN VÀ ĐẦU TƯ QUỐC TẾ

Lo khó quản lý, Bộ Tài chính quyết không hồi tố khoản thuế 5.000 tỷ đồng đã thu

Invest Global 09:03 08/04/2020

Bộ Tài chính đã viện dẫn lý do việc thực hiện hồi tố có thể sẽ tạo cơ chế xin - cho, gây khó khăn cho công tác quản lý để không hồi tố khoản thuế lên đến gần 5.000 tỷ đồng đã thu trong hai năm 2017 - 2018 theo Nghị định 20 về áp trần tỷ lệ lãi vay các doanh nghiệp có hoạt động liên kết.

Bộ Tài chính cho rằng, việc thực hiện hồi tố có thể sẽ tạo cơ chế xin cho, gây khó khăn cho công tác quản lý (Ảnh minh hoạ: Internet)

Tại dự thảo Nghị định sửa đổi khoản 3 điều 8 Nghị định số 20/2017 (NĐ 20), Bộ Tài chính kiến nghị tăng khống chế trần chi phí lãi vay được trừ khi tính thuế lên 30% thay vì mức 20% như hiện nay. Bên cạnh đó, chi phí lãi vay của doanh nghiệp được tính theo lãi vay thuần (là chi phí lãi vay trừ doanh thu từ lãi vay).

Đáng chú ý, nội dung sửa đổi tại dự thảo dự kiến sẽ áp dụng cho kỳ tính thuế năm 2019 trở đi và sẽ không được áp dụng từ kỳ tính thuế 2017 đến nay.

Có thể tạo cơ chế xin - cho?

Theo đánh giá sơ bộ của Tổng cục Thuế, đối với các doanh nghiệp đã tuân thủ kê khai, năm 2017 số chi phí lãi vay được trừ tăng 10.336 tỷ đồng, tương đương số thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN) phải hoàn là 2.067 tỷ đồng; năm 2018 số chi phí lãi vay được trừ tăng lên 14.041 tỷ đồng, tương đương số thuế TNDN phải hoàn là 2.808 tỷ đồng.

Như vậy, theo dự thảo, tổng số thuế TNDN mà các DN phải nộp tăng do quy định khống chế trần chi phí lãi vay lên tới 4.875 tỷ đồng trong hai năm 2017 và 2018 sẽ không được trả lại DN.

Tuy nhiên, trong báo cáo mới nhất về dự thảo Nghị định sửa đổi khoản 3 điều 8, Nghị định 20 gửi Thủ tướng Chính phủ, Bộ Tài chính cho rằng: “Việc áp dụng hồi tố năm 2017 và 2018 có thể tạo cơ chế xin cho, gây khó khăn cho công tác quản lý thuế” để không hồi tố hai năm thuế đã thu của DN.

Trước thông tin này, nhiều chuyên gia và cộng đồng DN không đồng tình và cho rằng cách giải thích của Bộ Tài chính là không hợp lý, bởi Nghị định 20 đã chống nhầm đối tượng khiến hàng nghìn DN trong nước bị vạ lây. Đây chính là trường hợp thật cần thiết áp dụng quy định trở về trước vì quyền lợi của DN cần được đảm bảo.

Hơn nữa, trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 đang bùng phát, nhiều DN ngừng sản xuất kinh doanh, doanh thu sụt giảm, thậm chí thua lỗ, Chính phủ đang đưa ra nhiều giải pháp như giãn nộp thuế, cơ cấu lại nợ và thậm chí sắp tới sẽ còn nghiên cứu việc giảm các loại thuế, phí cho DN thì việc cho hồi tố, trả lại tiền đã thu thừa của DN là giải pháp tiếp sức để cộng đồng này vượt qua khó khăn.

Theo lý giải của Bộ Tài chính, quy định tại khoản 1 Điều 152 Luật ban hành văn bản pháp luật thì chỉ trong trường hợp thật cần thiết để đảm bảo lợi ích chung của xã hội, thực hiện các quyền, lợi ích của tổ chức, cá nhân được quy định trong luật, nghị quyết của Quốc hội, văn bản quy phạm pháp luật của cơ quan trung ương mới được quy định hiệu lực trở về trước.

Trong khi đó, việc sửa đổi khoản 3 Điều 8 chỉ điều chỉnh đối với một nhóm đối tượng có chi phí lãi vay vượt quá mức khống chế, không phải là lợi ích chung của xã hội.

Cũng theo Bộ Tài chính, về mặt bằng chính sách quy định tại khoản 3 Điều 8 Nghị định 20 hiện hành có khác so với mặt bằng dự thảo Nghị định, không chỉ có nội dung điều chỉnh mức khống chế từ 20% lên 30% mà còn cho phép tính lãi thuần (chi phí lãi trừ đi lãi liền gửi, lãi cho vay), đồng thời lại cho chuyển chi phí lãi vay sang kỳ tính thuế tiếp theo trong 5 năm liên tục. Vì thế, nếu tính lại theo mặt bằng dự thảo Nghị định thì phải bồi hoàn cho người nộp thuế, có trường hợp số thu ngân sách nhà nước thấp hơn số bồi hoàn.

Với tổng số kinh phí phải hoàn trả hơn 4.875 tỷ đồng, Bộ Tài chính cho biết, hiện chưa có nguồn để thanh toán.

Không vận dụng quy định hoàn thừa?

Có ý kiến cho rằng đây là số thuế nộp thừa nên có thể hoàn trả DN bằng cách khấu trừ vào tiền thuế nộp năm tiếp theo. Tuy nhiên, Bộ Tài chính cho rằng chiếu theo quy định tại Luật Quản lý thuế, số thuế nộp thừa là số thuế cơ quan thuế ấn định thừa hoặc số thuế DN bị tính thừa chứ không phải số thuế tăng do thay đổi chính sách. "Vì vậy, không vận dụng được quy định hoàn thừa trong trường hợp này", Bộ Tài chính cho hay.

Ngoài ra, công tác quản lý thuế đối với giao dịch liên kết được thực hiện trong tất cả các đơn vị trong ngành thuế (từ Tổng cục Thuế đến các cục, chi cục thuế). Trường hợp hồi tố đối tượng được hoàn thuế lên đến hàng nghìn DN có thể sẽ tạo cơ chế phức tạp trong quy trình quản lý và không loại trừ khả năng sẽ phát sinh tiêu cực trong quá trình thực hiện.

Qua rà soát Luật Thanh tra, Bộ Tài chính thấy rằng đối với các DN ngành thuế đã xử lý truy thu qua thanh tra, kiểm tra nếu cho điều chỉnh kê khai xác định kê khai chi phí lãi vay được trừ theo phương án hồi tố thì việc kiểm soát số liệu kê khai lại sẽ chủ yếu phụ thuộc vào tính tự giác tuân thủ của DN.

Cùng với đó, việc kiểm soát chính xác số liệu kê khai lại sẽ gặp nhiều khó khăn vì nếu muốn xác định chính xác số thuế thì cần phải tổ chức kiểm tra nội dung điều chỉnh kê khai tại trụ sở DN. Thế nhưng, cơ quan thuế lại chỉ được tiến hành thanh tra lại khi phát hiện có sai lầm, vi phạm pháp luật trong tiến hành hoạt động thanh tra…

Hơn nữa, Chỉ thị số 20/CT-TTg ngày 17/5/2020 về việc chấn chỉnh hoạt động thanh tra, kiểm tra đối với DN, Thủ tướng Chính phủ cũng yêu cầu không thanh tra, kiểm tra quá 1 lần/năm đối với DN.

Bộ Tài chính cho rằng việc hồi tố sẽ dẫn đến thủ tục phải hoàn thuế cho hàng nghìn DN, nếu không xác định được số thuế phải nộp, số thuế phải hoàn qua thanh tra, kiểm tra, kiểm toán sẽ dẫn đến tiêu cực.

Vì những lý do đã nêu trên, Bộ Tài chính trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định không cho hồi tố.

Hoàng Hà