CỔNG THÔNG TIN VÀ ĐẦU TƯ QUỐC TẾ
Mở rộng kết nối du lịch giữa các công viên địa chất Cao Bằng, Hà Giang, Lạng Sơn
Tỉnh Cao Bằng đã có lần đầu tiên lọt danh sách những điểm đến thân thiện nhất Việt Nam do nền tảng du lịch trực tuyến Booking.com đề xuất. Đồng thời, thác Bản Giốc lọt Top 21 thác nước đẹp nhất thế giới được tạp chí du lịch quốc tế Travel+Leisure lựa chọn để giới thiệu đến khách du lịch.
Trong nửa đầu năm 2024, tổng lượng khách du lịch đến với tỉnh Cao Bằng ước đạt trên 1 triệu lượt. Tổng doanh thu đạt gần 800 tỷ đồng, tăng 23% so với cùng kỳ năm 2023, đạt 53% kế hoạch năm. Đây là kết quả tăng trưởng ấn tượng và cho thấy sự phát triển mạnh mẽ của du lịch Cao Bằng sau thời gian dài ảnh hưởng của dịch bệnh.
Thác Bản Giốc lọt Top 21 thác nước đẹp nhất thế giới
Thời gian qua, địa phương này tiếp tục đầu tư phát triển hạ tầng du lịch, nâng cao chất lượng dịch vụ cũng như phát huy thế mạnh du lịch cộng đồng gắn với bảo tồn văn hóa. Đây cũng là một trong những ưu tiên hàng đầu khi Cao Bằng triển khai dự án “Bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc thiểu số gắn với phát triển du lịch” thuộc Chương trình MTQG phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.
Cao Bằng vượt mốc 1 triệu lượt khách du lịch trong 6 tháng đầu năm 2024
Bà Tô Thị Trang - Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Cao Bằng cho biết việc hỗ trợ đầu tư xây dựng điểm đến du lịch tiêu biểu như Điểm du lịch nhà sàn cổ 9 gian tại huyện Thạch An; Điểm du lịch xóm Nặm Mùa (xã Ngọc Động, huyện Hà Quảng); dự án Bảo tồn văn hóa truyền thống dân tộc Tày ở Bản Duồng (xã Tiên Thành, huyện Quảng Hòa) và xóm Đồng Tâm (xã Đồng Loan, huyện Hạ Lang)... cùng nhiều dự án khác cũng được lãnh đạo địa phương đặc biệt quan tâm.
Cao Bằng khai trương điểm du lịch nhà sàn cổ 9 gian tại huyện Thạch An
“Chúng tôi cũng tổ chức đào tạo kiến thức nghiệp vụ nâng cao nhận thức cho người dân về ứng xử với khách du lịch và tổ chức hội thi thể thao các dân tộc thiểu số,rồi hướng dẫn xây dựng các cái câu lạc bộ sinh hoạt văn hóa dân gian, hỗ trợ hoạt động cho đội văn nghệ truyền thống, xây dựng các tủ sách cộng đồng... Dự án đã góp phần tích cực trong việc bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc và đồng thời cũng góp phần quảng bá các loại hình di sản văn hóa tiêu biểu tạo động lực cho du lịch trên địa bàn tỉnh Cao Bằng phát triển bền vững”, bà Tô Thị Trang cho biết.
Phố đi bộ ven sông về đêm tại Thành phố Cao Bằng
Năm 2024, Cao Bằng đặt mục tiêu đón ít nhất 2,2 triệu lượt du khách. Cùng với tiếp tục khai thác 4 tuyến du lịch tại Công viên địa chất toàn cầu UNESCO Non nước Cao Bằng, địa phương này đang phối hợp tỉnh Hà Giang hoàn thiện tuyến du lịch thứ 5, kết nối với Công viên địa chất toàn cầu UNESCO Cao nguyên đá Đồng Văn (Hà Giang) và hướng tới Công viên địa chất Lạng Sơn.
Bà Nguyễn Thị Lan - Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Cao Bằng đánh giá: "Khi xây dựng hoàn thiện được tuyến này, với sự liên kết giữa các đơn vị lữ hành trong và ngoài tỉnh để du khách có chuyến trải nghiệm mới. Hiệp hội Du lịch Cao Bằng cũng có trao đổi liên kết với Công viên địa chất Cao Bằng cũng như kết nối với tỉnh Hà Giang. Các doanh nghiệp đã đi khảo sát tuyến từ thành phố Cao Bằng, sang bên Hà Giang qua Mèo Vạc, qua Đồng Văn, Cột cờ Lũng Cú… Tôi thấy đây là một trong những điểm đến hấp dẫn du khách khi họ đến với Cao Bằng và sang phía Hà Giang".
Công Luận - Tuấn Anh/VOV-Đông Bắc