CỔNG THÔNG TIN VÀ ĐẦU TƯ QUỐC TẾ

Mở rộng tín dụng xanh ngành dệt may

Invest Global 15:08 19/01/2022

Hiện các TCTD đang tích cực triển khai tín dụng xanh với dư nợ chiếm khoảng 4% tổng dư nợ toàn hệ thống. Bên cạnh năng lượng tái tạo và nông nghiệp sạch, dệt may là lĩnh vực có tiềm năng mở rộng tín dụng xanh.

Động lực từ xu hướng “xanh hóa”

Theo thông tin từ CTCP Sợi Thế Kỷ (STK), những năm qua, sợi tái chế là động lực chính thúc đẩy kết quả kinh doanh của doanh nghiệp. Trong năm 2021, STK đã tập trung đẩy mạnh sản xuất sợi tái chế với Dự án Unitex được xây dựng tại Tây Ninh. Dự án này có quy mô tổng công suất 60.000 tấn sợi/năm. Trong giai đoạn 1, dự án đã được Vietcombank tài trợ 70% giá trị đầu tư, tương đương khoảng 1.250 tỷ đồng. Đây chính là một trong những hợp đồng tài trợ tín dụng xanh ngành dệt may lớn mà các doanh nghiệp dệt may trong nước nhận được từ các ngân hàng.

Trường hợp cấp tín dụng hàng nghìn tỷ đồng cho dự án chuyển đổi xanh của STK là minh chứng cho thấy, khả năng tiếp cận vốn của các doanh nghiệp ngành dệt may cao nếu các doanh nghiệp chủ động bắt nhịp với xu hướng “xanh hóa” và đưa vào các dự án có đánh giá yếu tố tác động đến môi trường. Theo đánh giá của Hiệp hội Dệt may Việt Nam (Vitas), xanh hóa chuỗi sản xuất ngành dệt may đang là nhu cầu tất yếu mà các doanh nghiệp buộc phải tuân thủ. Các thương hiệu may mặc lớn trên thế giới hiện đang chuyển dần sang ưu tiên các “doanh nghiệp xanh”. Vì vậy, những năm gần đây nhiều tập đoàn lớn đã chú ý đến chiến lược chuyển đổi xanh với các đầu tư dài hạn.

mo rong tin dung xanh nganh det may Hoạt động mở rộng chuyển đổi xanh giúp các doanh nghiệp ngành dệt may tăng cơ hội tiếp cận tín dụng từ hệ thống ngân hàng

Đơn cử như Vinasamex hiện đã không còn sử dụng than đốt lò hơi mà chuyển sang dùng lá quế đã chưng cất tinh dầu để giảm thiểu khí thải. Các nhà máy của Saitex International Đồng Nai, Hanfimex hiện đều đã áp dụng công nghệ sấy bằng không khí, xây dựng mô hình tòa nhà xanh và áp dụng hệ thống nước khép kín để tiết kiệm nguyên liệu.

Theo nhận định của Vitas, cơ hội để các doanh nghiệp ngành dệt may chuyển đổi theo hướng sản xuất xanh khá thuận lợi, bởi trong hai năm gần đây cùng với sự chuyển chuỗi cung ứng dệt may từ Đài Loan, Trung Quốc sang Việt Nam, việc đầu tư công nghệ mới theo hướng sản xuất xanh gần như là yếu tố sống còn của doanh nghiệp, nhất là khi sức ép cạnh tranh giữa doanh nghiệp cùng ngành ngày càng lớn. Ở góc độ tài chính, theo Vitas chính sách tín dụng của hệ thống ngân hàng là ưu đãi cho các dự án xanh trong ngành dệt may. Trong khi đó, nhiều tổ chức hợp tác quốc tế cũng đang có những hỗ trợ mạnh mẽ cho ngành cả về kỹ thuật và tài chính. Đơn cử, dự án Fabric của GIZ, Chương trình “Vươn tới đỉnh cao ở Việt Nam” của IDH, dự án “Xanh hóa ngành dệt may” của WWF hiện đều được xem là những cửa sáng để doanh nghiệp chuyển đổi xanh hóa trong các năm tới.

Thuận lợi cho tăng trưởng tín dụng

Theo thống kê của NHNN, tính đến cuối năm 2021, tổng dư nợ cho vay các dự án xanh lĩnh vực dệt may đạt khoảng 145.000 tỷ đồng, chiếm khoảng 1,5% trong tổng dư nợ toàn hệ thống. Con số này không quá lớn đối với một ngành hàng xuất khẩu có kim ngạch thường xuyên khoảng 40 tỷ USD/năm. Tuy nhiên, trong bối cảnh hoạt động chuyển đổi xanh của các doanh nghiệp ngành dệt may diễn ra sôi động như hiện tại, khả năng tăng trưởng tín dụng đối với lĩnh vực này vẫn còn khá triển vọng.

Thực tế, đến thời điểm hiện nay với chính sách khuyến khích phát triển tín dụng xanh của NHNN, hiện đã có 67 TCTD trên cả nước tham gia cho vay các dự án xanh ở các lĩnh vực năng lượng tái tạo, nông nghiệp sạch, vệ sinh môi trường, dệt may và nhiều lĩnh vực khác. Quan sát trên thị trường cho thấy, riêng đối với lĩnh vực dệt may, nhiều NHTM cũng đã thiết kế riêng các gói tín dụng ưu đãi lãi suất kèm theo các điều kiện tiếp cận vốn khá thuận lợi. Chẳng hạn, tại PVcomBank, ngân hàng này đã triển khai gói 1.000 tỷ đồng để cho vay doanh nghiệp dệt may với lãi suất từ 3%/năm đối với USD và từ 6%/năm đối với VND; trong đó các doanh nghiệp ngành sợi áp dụng công nghệ xanh được ngân hàng áp dụng mức lãi suất cho vay bằng USD chỉ 1,8-2%/năm để nhập khẩu nguyên liệu.

Trong khi đó, Techcombank đang tài trợ trọn gói cho các doanh nghiệp may mặc xuất khẩu. Theo đó, các doanh nghiệp đáp ứng được các yêu cầu phát triển bền vững sẽ được ưu đãi tài trợ 70% giá trị hợp đồng xuất khẩu, nhận tài sản đảm bảo linh hoạt bằng nguyên liệu, máy móc thiết bị và quyền đòi nợ. Ngoài ra, các doanh nghiệp cũng sẽ được giảm tỷ lệ ký quỹ L/C nhập khẩu chỉ còn 5% và áp dụng chính sách mua bán ngoại tệ với giá ưu đãi.

Các ngân hàng khác như VietinBank, NamABank, OCB, SeABank… hiện nay cũng có gói cho vay dành riêng cho nhóm doanh nghiệp vì môi trường. Đơn cử OCB sau khi nhận khoản vay dài hạn trị giá 100 triệu USD từ IFC, ngân hàng hiện đang mở rộng cho vay đối với DNNVV và thúc đẩy tài trợ cho các dự án thân thiện với môi trường, trong đó có dệt may. Trong khi đó, VietinBank duy trì gói sản phẩm dành cho khách hàng doanh nghiệp dệt may với hàng loạt ưu đãi, bao gồm cho vay lãi suất thấp, quản lý dòng tiền, ưu đãi miễn các loại phí dịch vụ, hỗ trợ các loại bảo hiểm và mua bán ngoại tệ…

Từ những diễn biến của doanh nghiệp ngành dệt may trong hoạt động thúc đẩy chuyển đổi xanh và sự vào cuộc của các ngân hàng trong việc phát triển tín dụng đối với nhóm doanh nghiệp vì môi trường, cho thấy tiềm năng tăng trưởng tín dụng xanh lĩnh vực này đang có cơ hội lớn. Trong bối cảnh ngành Ngân hàng vẫn chủ trương tập trung cho vay vào lĩnh vực sản xuất kinh doanh và các lĩnh vực ưu tiên, có thể thấy cơ hội để tiếp cận vốn đối với lĩnh vực dệt may hiện nay đang rộng mở.

Tài chính - Tín dụng