CỔNG THÔNG TIN VÀ ĐẦU TƯ QUỐC TẾ

Như Nhadautu.vn đưa tin, 20h00 ngày 2/7/2025 (giờ Việt Nam), Tổng Bí thư Tô Lâm đã có cuộc điện đàm với Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump về quan hệ Việt Nam - Hoa Kỳ và đàm phán về thuế đối ứng giữa hai nước.
Tổng thống Donald Trump đánh giá cao việc Việt Nam cam kết dành quyền tiếp cận thị trường ưu đãi cho hàng hóa của Hoa Kỳ, trong đó xe ô tô phân khối lớn. Ông khẳng định Hoa Kỳ sẽ cắt giảm đáng kể thuế đối ứng cho nhiều hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam và sẽ tiếp tục hợp tác với Việt Nam trong giải quyết những vướng mắc ảnh hưởng đến quan hệ thương mại song phương, nhất là trong các lĩnh vực mà hai bên ưu tiên.
Tổng Bí thư Tô Lâm đề nghị phía Hoa Kỳ sớm công nhận Việt Nam là kinh tế thị trường và bỏ hạn chế xuất khẩu đối với một số mặt hàng công nghệ cao.
Đăng tải trên trang mạng xã hội Truth Social vào 21h25p ngày 2/7 (theo giờ Việt Nam), Tổng thống Donald Trump cho biết đã đạt một thỏa thuận thương mại với Việt Nam. Theo đó, mọi hàng hóa từ Việt Nam sẽ phải chịu thuế quan 20% khi vào Mỹ và thuế quan sẽ tăng lên đến 40% đối với mọi hàng hóa “trung chuyển” (transshipping). Tuy nhiên, chưa có thông tin cụ thể về các mặt hàng sẽ chịu thuế cụ thể.
Đã có những phản ứng tích cực đầu tiên được thể hiện qua việc cổ phiếu của Nike chốt phiên 2/7 (theo giờ Hoa Kỳ) tăng vọt 4,1%, còn các cổ phiếu Lululemon và các nhà sản xuất hàng may mặc khác cũng ghi nhận mức tăng nhẹ. Điều này phần nào cho thấy nhà đầu tư toàn cầu đang đánh giá tích cực với triển vọng giảm thiểu rủi ro chuỗi cung ứng tại Việt Nam, đặc biệt sau tuyên bố của ông Trump.
Nhà đầu tư hạn chế giải ngân ở nhóm xuất khẩu và bất động sản khu công nghiệpTheo ông Nguyễn Thế Minh, Giám đốc Khối Nghiên cứu và Phát triển khách hàng cá nhân của CTCP Chứng khoán Yuanta Việt Nam đánh giá khả năng khung thuế quan từ 10-20% cho hàng hóa sản xuất tại Việt Nam có thể coi là dấu hiệu tích cực. Đối với mức 40% được áp dụng cho hàng hóa trung chuyển sang Việt Nam, điều quan trọng là định nghĩa và quy định cụ thể cho hàng hóa trung chuyển là gì và Việt Nam sẽ có các giải pháp như thế nào để thỏa thuận với Mỹ.
Ngoài ra, ông Minh cũng lưu ý cần xem xét mức thuế quan Mỹ áp dụng cho các quốc gia khác để đánh giá sự ảnh hưởng với nhóm FDI. “Nhìn chung, vẫn chưa có mức áp dụng cụ thể và quy định chi tiết cho từng ngành hàng chịu thuế. Tuy nhiên, thông điệp giảm đáng kể thuế quan cho hàng hóa Việt Nam của Tổng thống Trump đã cho thấy tín hiệu tích cực trong đàm phán”, ông Minh đánh giá.
Đối với thị trường chứng khoán, diễn biến tích cực của các cổ phiếu tại Mỹ cho thấy tín hiệu lạc quan từ vòng đàm phán lần này. Đồng thời, tương tự như các sự kiện khác, tác động của thuế quan cũng sẽ giảm dần vì cần chờ thời gian để đánh giá và doanh nghiệp đã có sự thích nghi khi có mức áp thuế cụ thể.
Do đó, ông Minh khuyến nghị các nhà đầu tư không nên có hành động bán tháo và nhịp điều chỉnh có thể được xem là cơ hội mua vào. Ngoài ra, trên quan điểm thận trọng, các nhà đầu tư vẫn nên hạn chế giải ngân ở những cổ phiếu chịu tác động trực tiếp từ thuế quan như xuất khẩu gồm dệt may, thủy sản, đồ gỗ,…, hoặc nhóm bất động sản khu công nghiệp.
Theo một nhà đầu tư có thâm niên trên thị trường, thỏa thuận thuế quan không quá bất ngờ vì đã có những tin đồn và kỳ vọng trong nhiều tuần trở lại đây. Do đó, mức độ phản ứng của thị trường có thể không quá sốc.
“Tuy vậy, điểm cần lưu ý là tin ra vào lúc VN-Index đang ở vùng khá cao, dù xu hướng kỹ thuật hiện tại vẫn giữ trend tích cực, nhưng tâm lý thận trọng có thể quay lại nếu nhà đầu tư lo ngại các điều khoản chi tiết bất lợi”, nhà đầu tư này nói.
Do đó, thị trường trong ngắn hạn có thể tiếp tục phân hóa, nhóm cổ phiếu không ảnh hưởng nhiều từ thuế nhập khẩu của Mỹ có thể thu hút dòng tiền, trong khi các nhóm xuất khẩu có tỷ trọng lớn vào Mỹ có thể chịu áp lực chốt lời khi đã tăng tương đối nhiều trong thời gian gần đây.