CỔNG THÔNG TIN VÀ ĐẦU TƯ QUỐC TẾ

Mỹ khép lại vụ Điều tra 301, ngành gỗ Việt Nam 'thở phào'

Invest Global 08:28 07/10/2021

Thỏa thuận khép lại vụ Điều tra 301 có ý nghĩa quan trọng, đồng nghĩa Mỹ sẽ không gây bất lợi cho việc xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ của Việt Nam vào thị trường này.

Tại buổi họp báo tình hình sản xuất nông nghiệp 9 tháng đầu năm 2021 của Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn (Bộ NN&PTNT), ông Nguyễn Đỗ Anh Tuấn, Vụ trưởng Vụ Hợp tác Quốc tế, cho biết vụ Điều tra 301 của Mỹ về kiểm soát khai thác và thương mại gỗ bất hợp pháp đã chính thức khép lại từ ngày 1/10 khi Bộ trưởng Bộ NN& PTNT Lê Minh Hoan thay mặt Chính phủ Việt Nam đã ký thỏa thuận với Trưởng đại diện thương mại (USTR) của Chính phủ Hoa Kỳ, bà Kaitherine Tai.

Thỏa thuận này có ba ý nghĩa quan trọng. Thứ nhất, Mỹ sẽ không gây bất lợi cho việc xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ của Việt Nam vào thị trường này, tức là Mỹ sẽ không áp thuế với gỗ Việt Nam. 

Thứ hai, thỏa thuận này cho thấy sự chia sẻ thông tin minh bạch của Việt Nam cho đối tác lớn là Mỹ cũng như đối tác khác, thể hiện nền nông nghiệp uy tín, trách nhiệm. "Trong thông cáo báo chí của Mỹ đánh giá cao Việt Nam và sẽ lấy làm mẫu hình cho việc thỏa thuận thương mại, giúp bảo vệ môi trường bền vững toàn cầu, tức là lấy Việt Nam làm hình mẫu cho Mỹ hợp tác với các nước trong khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương và toàn cầu”, ông Tuấn cho biết.

Thứ ba, thỏa thuận thương mại quốc tế trên sẽ giúp chuyển đổi ngành lâm nghiệp Việt Nam theo cách làm căn cơ, bài bản, theo đúng hướng bền vững, tăng trưởng nhanh.

Nói thêm về vụ việc lần này, ông Phùng Đức Tiến - Thứ trưởng Bộ NN&PTNT cho biết, Việt Nam có khoảng hơn 14,6 triệu ha đất rừng, trong đó rừng tự nhiên là hơn 10 triệu ha. Vừa qua, Việt Nam đã cố gắng phát triển ngành lâm nghiệp, đẩy mạnh xuất khẩu gắn với nâng cao tỷ lệ che phủ rừng. Chuyển đổi kinh tế trong lâm nghiệp thấy rõ, phấn đấu cả năm nay sẽ xuất khẩu lâm sản đạt 14,5 tỷ USD. "Kết quả tích cực từ vụ Điều tra 301 sẽ là động lực để ngành gỗ đẩy mạnh xuất khẩu sang Hoa Kỳ, đa dạng thêm các sản phẩm để nâng cao giá trị", ông Phùng Đức Tiến nói.

Số liệu từ Tổng cục Lâm nghiệp (Bộ NN&PTNT) cho biết giá trị xuất khẩu gỗ và lâm sản tháng 9 đạt 821 triệu USD, giảm 8,2% so với tháng 8.

Lũy kế 9 tháng đầu năm, xuất khẩu gỗ và lâm sản đạt gần 12 tỷ USD, tăng gần 32% so với cùng kỳ. Trong đó, gỗ và sản phẩm gỗ đạt hơn 11 tỷ USD, tăng gần 31%; lâm sản đạt 832 triệu USD, tăng 46,4% so cùng kỳ.

"Đáng chú ý, Mỹ là thị trường xuất khẩu lớn nhất của gỗ và lâm sản Việt Nam, năm 2020 xuất khẩu sang Mỹ 7,4 tỷ USD, chiếm 57% tổng kim ngạch xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ của Việt Nam. 9 tháng đầu năm 2021, mặc dù khó khăn vì COVID-19, thiếu container, Việt Nam vẫn xuất khẩu sang Mỹ ước đạt 7,1 tỷ USD, tăng 43,4% so với cùng kỳ năm ngoái", đại diện Bộ NN&PTNT cho hay.

Khung pháp lý