CỔNG THÔNG TIN VÀ ĐẦU TƯ QUỐC TẾ

Nâng cao giá trị quả dừa Việt Nam trong xu hướng phát triển bền vững

Invest Global 09:45 16/12/2024

Việt Nam là một trong 10 quốc gia trồng dừa lớn nhất thế giới. Tuy nhiên, các doanh nghiệp đứng trước nhiều thách thức khi tiêu chuẩn “xanh” ngày càng nghiêm ngặt. Các chuyên gia cho rằng tương lai của nghề trồng dừa phụ thuộc vào việc nắm bắt sự đổi mới về công nghệ và tính bền vững...

Chia sẻ tại tọa đàm "Tiền Mekong Connect 2024" với chủ đề "Nâng cao chuỗi giá trị dừa trong xu hướng xanh hóa nền kinh tế” do Hội Doanh nghiệp Hàng Việt Nam chất lượng cao phối hợp cùng Câu lạc bộ Doanh nhân Bến Tre tại TP.HCM tổ chức, các chuyên gia, doanh nghiệp đã cùng đề xuất giải pháp cho ngành dừa - là một trong những ngành kinh tế chủ lực tại Bến Tre và các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long. Từ đó, hướng đến định hướng phát triển bền vững, tạo điều kiện thúc đẩy hợp tác giữa cộng đồng doanh nghiệp trong và ngoài nước.

CẦN NHỮNG BƯỚC TIẾN VỮNG CHẮC

Theo TS. Huỳnh Kỳ Trân, CEO Công ty Trách nhiệm hữu hạn Sản xuất Mỹ phẩm Lan Hảo (Thorakao), Chủ nhiệm HBBC, để đi vào kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn trước hết Bến Tre và các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long có những thế mạnh có thể nhìn thấy ngay đó là năng lượng gió và năng lượng mặt trời.

Tuy nhiên, để nâng giá thành của trái dừa, ông Trân cho rằng cần phát triển các sản phẩm chế biến sâu từ trái dừa. Đồng thời, nghiên cứu và tìm cách khai thác các giá trị dược liệu từ trái dừa từ những kinh nghiệm và kiến thức bản địa, tạo ra một nét đặc sắc không đâu có từ trái dừa, đặc biệt là Bến Tre.

Ở góc độ khác, TS. Lê Hoài Quốc, Chủ tịch Hội Tự động hóa TP.HCM, cho rằng chúng ta đã có những bước tiến vững chắc trong công nghệ chế biến sâu các sản phẩm từ cây dừa, mỹ phẩm, thực phẩm và dược phẩm.

Theo TS. Lê Hoài Quốc, trồng dừa không chỉ là ngành nông nghiệp mà khai thác các sản phẩm từ dừa còn là một ngành công nghiệp quan trọng của thế giới. Nhưng cũng như mọi ngành công nghiệp khác, ngành công nghiệp khai thác, chế biến dừa cũng phải thích ứng với những bối cảnh mới của công nghệ và môi trường.

“Ngành công nghiệp dừa toàn cầu tập trung ở một số quốc gia, với Philippines, Indonesia và Ấn Độ chiếm gần 75% tổng sản lượng. Song, đơn cử như các cơn bão ở Philippines đã khiến sản lượng dừa giảm mạnh tới 10% trong những năm gần đây”, TS. Lê Hoài Quốc cho biết.

Theo ông Quốc, để chống lại những vấn đề này, các nhà nghiên cứu đang phát triển các giống dừa thích ứng với khí hậu có thể chịu được hạn hán, sâu bệnh và thời tiết khắc nghiệt.

Từ đó, có thể thấy ở góc nhìn phát triển bền vững thì đây là vấn đề lớn nhất. Mục tiêu là tăng sự ổn định năng suất và giảm tổn thất, đảm bảo ngành công nghiệp có thể đáp ứng nhu cầu toàn cầu, dự kiến sẽ tăng 5% hàng năm do sự quan tâm của người tiêu dùng ngày càng tăng đối với các sản phẩm làm từ dừa.

 “Các khu vực như Ấn Độ, nơi sản xuất hơn 20 tỷ quả dừa mỗi năm, những hoạt động thúc đẩy trồng dừa bền vững đang giúp bảo vệ môi trường đồng thời đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng đối với các sản phẩm hữu cơ. Tương lai của nghề trồng dừa phụ thuộc vào việc nắm bắt sự đổi mới và bền vững. Trong tương lai này thì nông dân sản xuất nhỏ là "xương sống" của quá trình này. Họ là những người cần hỗ trợ, từ việc thay đổi nhận thức cho đến hỗ trợ chuyển giao công nghệ và giống”, TS. Lê Hoài Quốc nhận định.

Bà Vũ Kim Hạnh, Chủ tịch Hội Doanh nghiệp Hàng Việt Nam chất lượng cao, lưu ý rằng Trung Quốc và các nước nhập khẩu hiện có nhiều tiêu chuẩn khắt khe khi cấp giấy chứng nhận hữu cơ cho hàng hóa xuất khẩu từ Việt Nam. Đây là cơ hội để các công ty, doanh nghiệp tiến đến việc trồng trọt, canh tác theo hướng xanh và bền vững, đặc biệt là đối với trái dừa.

Tuy nhiên, bà Kim Hạnh nhận định việc xanh hóa nền kinh tế là yếu tố buộc doanh nghiệp phải tư duy, thay đổi chiến lược lại từ đầu.

Dưới góc độ doanh nghiệp, ThS. Nguyễn Phong Phú, Giám đốc kỹ thuật Vina T&T Group, cho biết tập đoàn đang tuân thủ nhiều tiêu chuẩn nghiêm ngặt nhằm thực hiện yêu cầu xanh.

Cụ thể, trong giai đoạn triển khai một vùng trồng dừa hoặc các loại trái cây khác, công ty đều kiểm tra khắt khe liệu chất lượng đất, nước… có đạt yêu cầu hay không thì mới tiến hành liên kết mã số vùng trồng với vùng trồng đó.

SỐ HÓA TRONG SẢN XUẤT VÀ KINH DOANH DỪA

Với nhu cầu quốc tế về các sản phẩm dừa dự kiến đạt 15 tỷ USD vào năm 2025, ngành công nghiệp dừa cần phải thích ứng với những thách thức về môi trường, biến đổi khí hậu, áp dụng các thực hành bền vững và tận dụng công nghệ để phát triển theo hướng bền vững.

Theo bà Kim Hạnh, nhiều tỉnh thành ở khu vực Tây Nam Bộ hiện cho ra sản phẩm dừa tươi đạt tiêu chuẩn cao. Từ khi thực hiện việc khai thác tài nguyên bản địa, nhiều loại dừa đã dần xuất hiện trên thị trường.

Sản phẩm từ quả dừa Việt Nam có nhiều cơ hội cơ hội mở rộng thị trường xuất khẩu - Ảnh minh họa.Sản phẩm từ quả dừa Việt Nam có nhiều cơ hội cơ hội mở rộng thị trường xuất khẩu - Ảnh minh họa.

Mặt khác, ông Nguyễn Huy, Giám đốc ngành hàng đảm bảo kinh doanh và thực phẩm, Công ty tiêu chuẩn toàn cầu Intertek, cho biết việc kiểm tra tiêu chuẩn đối với tất cả loại dừa không gặp khó khăn bởi sự thừa hưởng về mặt công nghệ.

Mỗi loại dừa sẽ có một tiêu chuẩn kiểm nghiệm nhất định cũng như các quốc gia trên thế giới đều sẽ đưa ra khung tiêu chuẩn khác nhau. Công nghệ kiểm tra tiêu chuẩn tại Việt Nam cũng đã được Hàn Quốc và Nhật Bản công nhận. Đồng thời, các máy móc, thiết bị được nhiều trung tâm kiểm nghiệm đầu tư từ trước. Do đó, quá trình kiểm tra dừa được thừa hưởng rất nhiều từ các công nghệ này.

“Các doanh nghiệp và hộ trồng dừa cần ứng dụng công nghệ thông tin trong sản xuất và quản lý như sử dụng công nghệ IoT (Internet of Things) để giám sát vườn dừa. Công nghệ này sẽ giúp doanh nghiệp theo dõi độ ẩm đất và lượng nước tưới. Đồng thời, doanh nghiệp nên áp dụng dây chuyền chế biến tự động để tăng hiệu quả và giảm chi phí lao động”, ông Huy nhận định.

Đối với việc tiếp cận thị trường, ông Huy khuyến nghị doanh nghiệp cần thực hiện đẩy mạnh quảng bá sản phẩm qua các nền tảng thương mại điện tử như Amazon, Alibaba… cùng việc kết hợp phát triển hệ thống bán hàng trực tuyến.