CỔNG THÔNG TIN VÀ ĐẦU TƯ QUỐC TẾ

Nâng cao hoạt động của các doanh nghiệp xếp hạng tín nhiệm

Invest Global 10:11 18/03/2024

Theo Bộ Tài chính, thời gian tới tiếp tục thực hiện các giải pháp nâng cao chất lượng tổ chức cung cấp dịch vụ trên thị trường, trong đó có các doanh nghiệp xếp hạng tín nhiệm.

(TBTCO) - Theo Bộ Tài chính, thời gian tới tiếp tục thực hiện các giải pháp nâng cao chất lượng tổ chức cung cấp dịch vụ trên thị trường, trong đó có các doanh nghiệp xếp hạng tín nhiệm.

Giám sát doanh nghiệp xếp hạng tín nhiệm

Theo quy định của pháp luật đầu tư, kinh doanh dịch vụ xếp hạng tín nhiệm là ngành nghề kinh doanh có điều kiện. Căn cứ quy định của Luật Doanh nghiệp, Luật Chứng khoán, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 88/2014/NĐ-CP ngày 26/9/2014 quy định về dịch vụ xếp hạng tín nhiệm (Nghị định số 88) và Nghị định số 151/2018/NĐ-CP ngày 7/11/2018 sửa đổi, bổ sung để tạo khung pháp lý cho hoạt động xếp hạng tín nhiệm tại Việt Nam.

Nâng cao hoạt động của các doanh nghiệp xếp hạng tín nhiệm Tổ chức xếp hạng tín nhiệm góp phần bảo vệ quyền lợi của nhà đầu tư trên thị trường.

Việc hình thành và hoạt động của tổ chức xếp hạng tín nhiệm giúp các nhà đầu tư có thêm thông tin đánh giá về tình hình tài chính, khả năng thanh toán các khoản nợ của tổ chức phát hành các công cụ tài chính trên thị trường chứng khoán, theo đó nâng cao tính công khai, minh bạch của thị trường chứng khoán, góp phần bảo vệ quyền lợi của các nhà đầu tư trên thị trường.

Nghị định số 88 quy định chi tiết về điều kiện cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh dịch vụ xếp hạng tín nhiệm, phạm vi hoạt động của các doanh nghiệp xếp hạng tín nhiệm và trách nhiệm của các cơ quan quản lý Nhà nước trong lĩnh vực này.

Bộ Tài chính cho biết, sau một quá trình hình thành, phát triển thị trường chứng khoán, tại Luật Chứng khoán năm 2019 (có hiệu lực từ 1/1/2021) đã bổ sung quy định về điều kiện để tổ chức phát hành chào bán trái phiếu ra công chúng là phải có kết quả xếp hạng tín nhiệm theo lộ trình.

Theo đó, Nghị định số 155/2020/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Chứng khoán đã quy định các trường hợp bắt buộc xếp hạng tín nhiệm đối với trái phiếu phát hành ra công chúng, thời điểm áp dụng từ năm 2023.

Đối với trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ, Nghị định số 65/2022/NĐ-CP ngày 16/9/2022 của Chính phủ quy định các trường hợp phải xếp hạng tín nhiệm tương tự như trái phiếu chào bán ra công chúng. Đây là bước đi để tạo tiền đề phát triển thị trường xếp hạng tín nhiệm ở Việt Nam.

Thời gian qua Bộ Tài chính đã phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Ngân hàng Nhà nước và các cơ quan liên quan thực hiện rà soát hồ sơ, cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh dịch vụ xếp hạng tín nhiệm cho 3 doanh nghiệp, trong đó 1 doanh nghiệp có cổ đông góp vốn thành lập là Moody’s, 1 doanh nghiệp đã thiết lập quan hệ đối tác với S&P. Hai tổ chức này đều là các tổ chức xếp hạng tín nhiệm lớn nhất thế giới. Đồng thời, công tác quản lý giám sát đối với các doanh nghiệp xếp hạng tín nhiệm cũng được Bộ Tài chính triển khai theo quy định của pháp luật.

Công cụ hữu hiệu giúp thị trường vốn phát triển bền vững

Hoạt động xếp hạng tín nhiệm là cấu phần quan trọng của thị trường tài chính nói chung và thị trường trái phiếu nói riêng.

Nâng cao hoạt động của các doanh nghiệp xếp hạng tín nhiệm Ảnh minh họa.

Thông qua kết quả xếp hạng tín nhiệm, nhà đầu tư có thêm thông tin về mức độ rủi ro trên thị trường tài chính và trái phiếu trên thị trường đầu tư. Kết quả xếp hạng tín nhiệm không phải khuyên nhà đầu tư mua bán sản phẩm tài chính nào đó, mà là thông tin tham khảo quan trọng, được các chủ thể trên thị trường quan tâm khi ra quyết định đầu tư.

Cùng với hoạt động kiểm toán độc lập, hoạt động xếp hạng tín nhiệm là công cụ hữu hiệu giúp thị trường vốn phát triển bền vững, khơi thông nguồn vốn quan trọng cho nền kinh tế.

Thời gian qua Chính phủ đặc biệt quan tâm đến việc nâng hạng thị trường chứng khoán, tuy nhiên, hoạt động xếp hạng tín nhiệm ở Việt Nam chưa phát triển. Do đó, cần có các giải pháp nâng cao chất lượng và tính minh bạch trong công tác công bố thông tin của công ty niêm yết, như phát triển thị trường xếp hạng tín nhiệm.

Tại Hội thảo Cập nhật các biến động trên thị trường trái phiếu doanh nghiệp Việt Nam, bà Wendy - Tổng giám đốc và Trưởng khu vực châu Á - Thái Bình Dương, Moody's Investor Service đánh giá, Việt Nam với sự tăng trưởng kinh tế mạnh mẽ và hội nhập ngày càng tăng vào nền kinh tế toàn cầu, mang đến những cơ hội và thác thức to lớn.

"Giá trị trái phiếu doanh nghiệp đang lưu hành của Việt Nam có tiềm năng tăng trưởng mạnh mẽ của thị trường nợ. Khi thị trường trái phiếu nội địa của Việt Nam phát triển, xếp hạng tín nhiệm và nghiên cứu sẽ đóng vai trò ngày càng quan trọng bằng cách giúp các công ty tiếp cận nguồn vốn mới, xây dựng chiến lược tài trợ, thể hiện sự minh bạch và duy trì niềm tin của các nhà đầu tư" - bà Wendy nói.

Theo Bộ Tài chính, thời gian tới, tại Nghị quyết số 86/NQ-CP ngày 11/7/2022 của Chính phủ về phát triển thị trường vốn an toàn, minh bạch, hiệu quả, bền vững nhằm ổn định kinh tế vĩ mô, đảm bảo các cân đối lớn của nền kinh tế; Chính phủ đã chỉ đạo việc thực hiện các giải pháp nâng cao chất lượng tổ chức cung cấp dịch vụ trên thị trường, trong đó có các doanh nghiệp xếp hạng tín nhiệm.

Để triển khai nhiệm vụ này, hiện nay Bộ Tài chính đang tiếp tục rà soát quy định của pháp luật về dịch vụ xếp hạng tín nhiệm để báo cáo Chính phủ xem xét sửa đổi cho phù hợp với tình hình thực tế và thông lệ quốc tế. Đồng thời, Bộ Tài chính sẽ tiếp tục thực hiện chức năng quản lý Nhà nước về kinh doanh dịch vụ xếp hạng tín nhiệm theo quy định của pháp luật.

Quan tâm phát triển thị trường xếp hạng tín nhiệm

Thời gian qua Chính phủ đặc biệt quan tâm đến việc nâng hạng thị trường chứng khoán, tuy nhiên, hoạt động xếp hạng tín nhiệm ở Việt Nam chưa phát triển. Do đó, cần có các giải pháp nâng cao chất lượng và tính minh bạch trong công tác công bố thông tin của công ty niêm yết, như phát triển thị trường xếp hạng tín nhiệm.

Tại Nghị quyết số 86/NQ-CP ngày 11/7/2022 của Chính phủ về phát triển thị trường vốn an toàn, minh bạch, hiệu quả, bền vững nhằm ổn định kinh tế vĩ mô, đảm bảo các cân đối lớn của nền kinh tế; Chính phủ đã chỉ đạo việc thực hiện các giải pháp nâng cao chất lượng tổ chức cung cấp dịch vụ trên thị trường, trong đó có các doanh nghiệp xếp hạng tín nhiệm.

Doanh nghiệp - Doanh nhân