CỔNG THÔNG TIN VÀ ĐẦU TƯ QUỐC TẾ

Nâng 'chất' nhà đầu tư, hướng thị trường đến sự bền vững

Invest Global 08:46 08/07/2025

Một thị trường chứng khoán phát triển bền vững cần phải có cơ cấu tỷ trọng hợp lý của nhà đầu tư cá nhân, nhà đầu tư tổ chức trong nước và nhà đầu tư nước ngoài.

Chứng khoán đang trở thành kênh đầu tư phổ biến, trở thành một phần trong câu chuyện đời thường của người dân.

Thị trường chứng khoán Việt Nam đã bước qua gần 25 năm phát triển với nhiều thành tựu. Đến cuối tháng 6/2025, sàn HoSE có khoảng 392 mã cổ phiếu, 21 mã chứng chỉ quỹ (trong đó có 17 mã chứng chỉ quỹ ETF) và 201 mã chứng quyền có bảo đảm, với 178,4 tỷ chứng khoán, tương ứng giá trị vốn hóa cổ phiếu đạt 5,12 triệu tỷ đồng, chiếm gần 94% tổng giá trị vốn hóa cổ phiếu niêm yết trên toàn thị trường, tương đương 44,5% GDP Việt Nam năm 2024.

Trong đó, điểm nhấn đáng chú ý là chứng khoán đang trở thành kênh đầu tư phổ biến, trở thành một phần trong câu chuyện đời thường của người dân. Người ta không còn xa lạ khi bắt gặp hình ảnh những nhóm người trong các quán café vừa tán chuyện, vừa theo dõi “bảng điện tử” thị trường chứng khoán qua ứng dụng điện thoại, Ipad…

Theo thống kê của Trung tâm Lưu ký Chứng khoán Việt Nam, số lượng tài khoản nhà đầu tư (NĐT) cá nhân tại cuối tháng 5/2025 là 10.004.372 tài khoản, chiếm 99,9% về mặt tỷ trọng số tài khoản. Xét về giá trị giao dịch, nhóm này cũng chiếm áp đảo 80% giá trị giao dịch toàn thị trường (số liệu của FiinTrade trong năm 2024).

NĐT cá nhân chiếm tỷ trọng lớn là câu chuyện chung ở thị trường Châu Á (tính cả thị trường cận biên và mới nổi). Trong nghiên cứu của Invesco – một công ty tư vấn đầu tư có lịch sử hoạt động lâu đời tại hơn 25 quốc gia trên toàn cầu, cho thấy các NĐT cá nhân chiếm tới 82% giá trị giao dịch cổ phiếu tại Ấn Độ, 70% tại Trung Quốc, 54% tại Đài Loan…

Với riêng TTCK Việt Nam, NĐT cá nhân mạnh mẽ gia nhập thị trường kể từ sau năm 2020 (hay nói cách khác là kể từ đại dịch COVID-19). Điều này xuất phát từ chính sách EKYC mở tài khoản chứng khoán dễ dàng hơn, miễn phí giao dịch, phí giao dịch ký quỹ linh hoạt, nhiều ưu đãi… Bên cạnh đó là sự phổ biến của ứng dụng đầu tư và giao dịch bằng điện thoại giúp người dân dễ dàng tham gia thị trường.

Ngoài ra, môi trường lãi suất thấp cũng kích hoạt dòng tiền vào thị trường chứng khoán, và thúc đẩy lượng tài khoản cá nhân ở Việt Nam tăng bùng nổ kể từ đại dịch COVID-19.

Dù vậy, đây cũng là lớp NĐT thua lỗ nhiều nhất trên thị trường. Thống kê từ FiinTrade cho thấy phần lớn NĐT cá nhân không thể chiến thắng thị trường trong năm 2024. Bởi, họ có xu hướng đẩy mạnh giao dịch và ở trạng thái mua ròng khi VN-Index tăng mạnh hoặc ở vùng đỉnh. Ngược lại, họ thường giảm giao dịch và chuyển sang vị thế bán ròng trong các đợt điều chỉnh.

Chuyên gia tài chính Nguyễn Văn Thành cho biết: ”95% nhà đầu tư thua lỗ trên thị trường và sẽ rời bỏ thị trường trong khoảng 2 năm. Những nguyên nhân chính khiến nhà đầu tư rời bỏ thị trường khi thua lỗ, bao gồm chu kỳ vĩ mô, thiên nga đen, và "cá mập lái". Nhưng nguyên nhân lớn nhất đến từ bản thân nhà đầu tư”.

Do vậy, tỷ trọng NĐT cá nhân chiếm tỷ lệ lớn luôn tiềm ẩn những rủi ro với thị trường chứng khoán do NĐT cá nhân thường giao dịch theo cảm tính, tâm lý chạy theo đám đông, không có đủ kiến thức chuyên sâu về cổ phiếu, thị trường.

Mặt khác, để huy động vốn qua TTCK thành công, chính các công ty niêm yết mong muốn có các cổ đông trung thành, gắn bó lâu dài và nhà đầu tư tổ chứ…. Tuy nhiên, tâm lý ngắn hạn của đa số NĐT cá nhân khiến họ e dè hơn trong các kế hoạch tăng vốn. Điều này khiến TTCK khó phát huy vai trò huy động vốn. Thậm chí, nhiều doanh nghiệp lớn, tiềm năng cũng không mặn mà với việc lên sàn chứng khoán.

Nâng cao tỷ trọng nhà đầu tư tổ chức

Nói với Nhadautu.vn, nhiều lãnh đạo công ty chứng khoán khẳng định các đơn vị thành viên thị trường, môi giới chứng khoán đã và đang thay đổi cách tiếp cận, cũng như tư vấn khách hàng của mình.

Thay vì tư duy mua mã nào để “T+2,5” sinh lời, “ăn bằng lần”, họ có xu hướng khuyến nghị NĐT đầu tư ở các cổ phiếu có nền tảng tốt với luận điểm đầu tư rõ ràng. Một số môi giới ở các hội nhóm còn kết hợp phổ cập kiến thức tài chính và phân tích kỹ thuật. Họ nhìn nhận với các khoản lợi nhuận bền vững hơn, NĐT sẽ sẵn sàng ở lại và gắn bó với thị trường hơn. Điều này có lợi cho tất cả.

Trường hợp điển hình là CTCP Chứng khoán VPS – đơn vị nắm top 1 thị phần môi giới giao dịch trên sàn HoSE và số 1 thị phần chứng khoán phái sinh. Ông Lê Đức Khánh – Giám đốc Phát triển năng lực Đầu tư Chứng khoán VPS cho biết Công ty có nhiều chương trình phối hợp với Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước, các bộ ban ngành, các trường đại học…đưa các chương trình đào tạo giáo dục tài chính đến không chỉ người dân, nhà đầu tư, cán bộ nhân viên các doanh nghiệp mà còn là học sinh, sinh viên đang ngồi trên ghế nhà trường.

Ông Khánh thông tin: “Các chủ đề đào tạo đa dạng liên quan đến thị trường tài chính, TTCK, kinh tế vĩ mô, cổ phiếu, trái phiếu, các công cụ chứng khoán phái sinh, tích sản, phân bổ tài sản – các chương trình đào tạo có thể được nhân rộng, các chương trình hội thảo, tư vấn, các cuộc thi sinh viên, các Project based learning (phương pháp dạy học qua dự án) tại các trường hoặc tại công ty đều có hiệu ứng lan tỏa tốt”.

Ở quan điểm của mình, bà Nguyễn Thị Thu Hiền – Tổng Giám đốc Techcom Securities nhấn mạnh việc đẩy mạnh giáo dục tài chính cho nhà đầu tư cá nhân là hết sức cần thiết. Ngoài ra, việc nâng cao tính minh bạch trong công bố thông tin sẽ giúp nhà đầu tư cá nhân tiếp cận dữ liệu chuẩn xác hơn, từ đó ra quyết định đầu tư hiệu quả và bài bản hơn. Bà cũng nhìn nhận thị trường cần phát triển thêm các nhà đầu tư tổ chức để tạo sự cân bằng trong dòng vốn và hành vi đầu tư.

Nhiều nghiên cứu đã chỉ ra vai trò quan trọng của NĐT tổ chức đối với TTCK. Guller Aras, Alovsat Muslumov (2005) dựa trên nghiên cứu TTCK 23 quốc gia thuộc OECD (tổ chức gồm các quốc gia phát triển) trong giai đoạn 1982 – 2000 cho thấy TTCK phát triển sẽ thúc đẩy sự phát triển NĐT tổ chức, và ngược lại NĐT tổ chức có phát triển thì TTCK mới phát triển. Tương tự, Nghiên cứu của Bohl & Brzeszczynski (2006) cũng chứng minh sự hiện diện của nhà đầu tư tổ chức làm giảm mức độ biến động trên thị trường mới nổi.

Các thống kê đã chỉ ra, trái ngược với NĐT cá nhân, các quỹ đầu tư có hiệu suất sinh lời tốt, thậm chí lên đến hàng chục phần trăm. Theo thống kê của VietinBank Securities, mặc dù VN-Index chỉ ghi nhận tăng 12,1% trong năm 2024, nhưng thị trường ghi nhận có tới gần 20 quỹ đạt hiệu suất vượt trội, có những quỹ ghi nhận hiệu suất lên tới trên 30% như của VinaCapital, SSI-SCA.

Dù vậy, vẫn còn nhiều rào cản trong việc phát triển thị trường quản lý quỹ. Theo ông Nguyễn Tùng Anh, Giám đốc nghiên cứu rủi ro tín dụng FiinRatings, một vướng mắc là quỹ hưu trí tự nguyện theo quy định hiện hành yêu cầu 50% tài sản của quỹ phải đầu tư vào trái phiếu Chính phủ. Điều này làm giới hạn khả năng tiếp cận các công cụ tài chính có thể đem lại lợi suất đầu tư tốt hơn cho người tham gia.

Về phần mình, ông Vũ Đức Mạnh - Tổng giám đốc Vietinbank Securitites cho rằng nên có nhiều ưu đãi đối với người dân tham gia quỹ hưu trí tự nguyện, hiện tại người dân chỉ được khấu trừ khoảng 1 triệu đồng/tháng cho phần thu nhập chịu thuế. Một mức không hấp dẫn khi so với nhiều nước miễn thuế cho người dân tham gia quỹ hưu trí tự nguyện.

“Do vậy, cần xem xét, và hoàn thiện hơn nữa đối với nghị 88/2016/NĐ-CP để tạo ra một hành lang pháp lý hỗ trợ các công ty quỹ, chứng khoán có thể đưa các sản phẩm hưu trí tiếp cận đối với nhiều người dân hơn”, ông Mạnh nói.

Bên cạnh tăng “cầu” (nâng chất NĐT cá nhân, nâng tỷ trọng NĐT tổ chức), nhiều ý kiến nhìn nhận cần phải tăng cả về chất và lượng phần “cung” trên thị trường thông qua phát triển các sản phẩm mới, và có thêm nhiều doanh nghiệp tốt niêm yết.

Ý thức điều này, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) đã có những nỗ lực trong việc tiết giảm thời gian IPO, niêm yết lên sàn chứng khoán.

Bà Phạm Thị Thuỳ Linh, Trưởng ban Phát triển thị trường chứng khoán (UBCKNN) khẳng định một trong các giải pháp phát triển TTCK trong năm 2025 là tiếp tục cải cách, giảm thiểu thủ tục hành chính, hướng tới rút ngắn thời gian huy động vốn của doanh nghiệp qua thị trường chứng khoán để thúc đẩy hoạt động IPO, phát hành chứng khoán, tạo hàng hóa trên thị trường chứng khoán Việt Nam; rút ngắn thời gian giữa IPO và niêm yết để khuyến khích IPO gắn với niêm yết.

Cùng với đó, kết hợp việc tăng cường tính minh bạch, các tiêu chuẩn khắt khe công bố thông tin, quản trị, hoạt động quan hệ cổ đông…, giới chuyên gia kỳ vọng đây sẽ là các hấp lực với dòng tiền mới gia nhập thị trường (đặc biệt là dòng vốn ngoại), từ đó định hướng TTCK đến sự phát triển bền vững.