CỔNG THÔNG TIN VÀ ĐẦU TƯ QUỐC TẾ
(TBTCO) - Việc xây dựng trung tâm tài chính không chỉ là một dự án phát triển, mà còn là một tuyên ngôn táo bạo về khát vọng của Việt Nam trong việc dẫn đầu trên thị trường tài chính toàn cầu. Đây là đánh giá của chuyên gia quốc tế tại Hội thảo Phát triển Trung tâm Tài chính quốc tế tại Việt Nam diễn ra cuối tuần qua tại Đà Nẵng.
Việt Nam đã hội đủ các yếu tố cần thiết
Theo Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Đỗ Thành Trung, Việt Nam đang có 5 yếu tố, điều kiện cần thiết để phát triển thị trường tài chính hiện đại, hướng đến hình thành trung tâm tài chính khu vực và quốc tế.
Đó là, tổng quy mô GDP năm 2024 khoảng 470 tỷ USD, quy mô nền kinh tế xếp hạng 33 - 34 thế giới. Các đột phá chiến lược đang đạt được những thành quả rất tích cực. Mức vốn hóa thị trường cổ phiếu đạt gần 7,2 triệu tỷ đồng, tăng 21,2% so với cuối năm 2023, tương đương 70,4% GDP ước tính năm 2023, tốc độ tăng trưởng của thị trường chứng khoán đạt 2 con số, cao nhất khu vực.
Việt Nam có nền kinh tế hội nhập, độ mở lớn, đã ký kết 17 FTA với trên 65 nền kinh tế hàng đầu thế giới; quy mô xuất nhập khẩu khoảng 800 tỷ USD, gấp khoảng 1,7 lần GDP. Chính trị ổn định, trật tự an toàn xã hội được bảo đảm, cuộc sống thanh bình, có môi trường hòa bình, hợp tác và phát triển.
Do đó, việc xây dựng trung tâm tài chính đã được Đảng, Nhà nước, Quốc hội và Chính phủ xác định là một trong những đột phá về thể chế, là quyết sách nhằm giải phóng các nguồn lực, thúc đẩy chuyển đổi mô hình tăng trưởng gắn với cơ cấu lại nền kinh tế nhằm nâng cao năng suất, hiệu quả và năng lực cạnh tranh để chuẩn bị cho kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc, đồng thời, tạo ra cơ chế, nguồn lực mới, là "cú hích" mạnh đối với nền kinh tế đất nước. Tuy nhiên, để hiện thực hóa các mục tiêu tham vọng này, theo các chuyên gia, phải có quyết tâm cao, nỗ lực lớn trong quá trình chuẩn bị các điều kiện nền tảng cho việc xây dựng và phát triển trung tâm tài chính với lộ trình phù hợp.
Theo ông Andy Khoo - Tổng Giám đốc Terne Holdings (Singapore), ở phía Bắc, Hà Nội là trung tâm chính cho việc hoạch định chính sách và quản lý Nhà nước. Ở phía Nam, TP. Hồ Chí Minh là trung tâm tài chính trọng điểm, đóng vai trò cửa ngõ toàn cầu cho thị trường vốn và tài chính doanh nghiệp. Giờ đây, Đà Nẵng xuất hiện như một cầu nối chiến lược giữa hai đầu tàu kinh tế này.
Với vị trí ở miền Trung Việt Nam, Trung tâm Tài chính quốc tế Đà Nẵng đảm bảo khả năng tiếp cận tài chính trên toàn quốc và giảm sự phụ thuộc quá mức vào một trung tâm tài chính duy nhất. Bên cạnh đó, việc học hỏi từ các mô hình thành công như Singapore, Trung tâm Tài chính quốc tế Dubai (DIFC) và các trung tâm mới nổi là điều vô cùng quan trọng.
Ông Andy Khoo cho rằng, tập trung vào tài chính xanh, tài chính thương mại và đổi mới kỹ thuật số sẽ giúp Đà Nẵng tạo ra sự khác biệt rõ nét. Trong đó, Đà Nẵng cần tập trung vào ba trụ cột chiến lược, phù hợp với những thế mạnh và cơ hội độc đáo của thành phố: Tài chính xanh, Đổi mới Fintech và Tài chính thương mại.
Nhận định về lĩnh vực tiềm năng, ông Ali Ijaz Ahmad - Chủ tịch Tập đoàn Makara Capital cho rằng, Đà Nẵng và Việt Nam có tiềm năng rất lớn về đổi mới sáng tạo và tập đoàn cam kết đầu tư rất nhiều nguồn lực vào đây. Đồng thời nhấn mạnh, để tạo điều kiện cho doanh nghiệp đến đến làm việc xung quanh trung tâm tài chính quốc tế thì cần chú ý đến các yếu tố về khuôn khổ, có tiềm năng đầu tư, có cơ sở hạ tầng, với băng thông internet tốc độ nhanh…
Sẽ có chính sách vượt trội để thu hút nhân tài trên thế giới
Từ phía chính quyền địa phương, Phó Chủ tịch UBND TP. Đà Nẵng Hồ Kỳ Minh cho biết thành phố đề xuất phát triển hệ sinh thái đa thành phần, tập trung theo 3 nhóm dịch vụ:
"Cú hích" để kinh tế Việt Nam cất cánh
Theo Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Hòa Bình, trung tâm tài chính là vấn đề mới, đóng vai trò quan trọng như một “cú hích” của nền kinh tế, thúc đẩy để Việt Nam vươn mình, cất cánh. Để triển khai đề án này, Phó Thủ tướng Thường trực Nguyễn Hòa Bình lưu ý, Đà Nẵng, TP. Hồ Chí Minh và các bộ, ngành tập trung học hỏi kinh nghiệm của các trung tâm tài chính đã được xây dựng và phát triển bền vững hiện tại.
Về cơ chế chính sách ưu đãi, Chính phủ đang nghiên cứu, tìm hiểu thêm các cơ chế chính sách tại các trung tâm tài chính trên thế giới để tiếp tục xây dựng chính sách phù hợp, cởi mở, đáng tin cậy.
Đó là, cung cấp các dịch vụ tài chính quốc tế như dịch vụ thanh toán, thương mại quốc tế, dịch vụ quản lý rủi ro và giao dịch ngoại hối, dịch vụ tài chính xanh. Nhóm thứ hai là các dịch vụ Fintech và TechFin, không gian ươm tạo cho các startup, các công ty Fintech. Và nhóm thứ 3 là các dịch vụ hỗ trợ đầu tư, phát triển doanh nghiệp và dịch vụ tiện ích như kiểm toán, kế toán, dịch vụ pháp lý, tư vấn thuế, hải quan, các dịch vụ nghỉ dưỡng, hội nghị, casino… phát triển Đà Nẵng theo định hướng trung tâm tài chính và giải trí thế giới.
Để phục vụ cho việc thiết lập khu phức hợp trung tâm tài chính, TP. Đà Nẵng đã quy hoạch quỹ đất 6,17ha các dịch vụ nghỉ dưỡng, hội nghị, giải trí, tiện ích. Đồng thời bố trí khu đất 9,7ha với điều kiện vị trí kết nối, hạ tầng thuộc loại tốt nhất của Việt Nam để thiết kế chức năng văn phòng, cung cấp để phát triển các dịch vụ công nghệ tài chính.
Trong dài hạn, Đà Nẵng sẽ nghiên cứu tạo quỹ đất mới mở rộng thêm 62 ha để hình thành một tổ hợp đầy đủ về quy mô và không gian phát triển, thu hút các nhà đầu tư khác vào hoạt động tại Trung tâm Tài chính quốc tế Đà Nẵng.
Đối với nguồn nhân lực, thành phố sẽ tập trung phát triển nhân lực chất lượng cao ở các lĩnh vực liên quan; hợp tác với các trung tâm đào tạo quốc tế để cử cán bộ của thành phố đến học tập kinh nghiệm tại các trung tâm tài chính quốc tế lớn.
"Ngoài ra, sẽ đề xuất Trung ương các chính sách vượt trội liên quan đến thu hút nhân lực chất lượng cao trên thế giới đến sinh sống và làm việc tại Trung tâm tài chính quốc tế Đà Nẵng" - Phó Chủ tịch UBND TP. Đà Nẵng cho biết.
Thành lập và vận hành 2 trung tâm tài chính ngay trong năm 2025
Ngày 15/11/2024, Bộ Chính trị đã ra Thông báo kết luận 47-TB/TW về việc xây dựng trung tâm tài chính khu vực và quốc tế tại Việt Nam. Theo đó, thành lập trung tâm tài chính quốc tế toàn diện tại TP. Hồ Chí Minh và trung tâm tài chính khu vực tại Đà Nẵng.
Ngày 31/12/2024, Chính phủ cũng đã ban hành Nghị quyết số 259/NQ-CP phê duyệt Kế hoạch hành động triển khai xây dựng trung tâm tài chính khu vực và quốc tế tại Việt Nam.
Nghị quyết yêu cầu thành lập và vận hành Trung tâm Tài chính tại TP. Hồ Chí Minh, Đà Nẵng trong năm 2025, cùng với các nhiệm vụ, giải pháp, hoạt động trọng tâm để các bộ ngành, địa phương thực hiện triển khai.
Trong đó, về xây dựng, hoàn thiện thể chế, chính sách về trung tâm tài chính, Chính phủ yêu cầu xây dựng Nghị quyết của Quốc hội về trung tâm tài chính và các văn bản hướng dẫn, xử lý vướng mắc phát sinh. Đồng thời, bố trí, huy động nguồn lực xây dựng cơ sở hạ tầng và phát triển trung tâm tài chính; chuẩn bị địa điểm để sẵn sàng cho việc phát triển trung tâm tài chính; xây dựng bộ máy quản lý và vận hành trung tâm tài chính.
Nghị quyết cũng yêu cầu thành lập Tổ công tác về xây dựng tổ chức bộ máy quản lý, điều hành Trung tâm tài chính, do Bộ trưởng Bộ Nội vụ là Tổ trưởng, Chủ tịch UBND TP. Hồ Chí Minh và thành phố Đà Nẵng là phó tổ trưởng, để triển khai việc thành lập các cơ quan trong trung tâm tài chính; thiết lập và vận hành bộ máy quản lý trung tâm tài chính...