CỔNG THÔNG TIN VÀ ĐẦU TƯ QUỐC TẾ
(TBTCO) - Năm 2025, với kỳ vọng hệ thống phân loại xanh chính thức được ban hành, giúp định hướng cho thị trường trái phiếu xanh tiếp tục tăng trưởng mạnh mẽ hơn. Tuy nhiên, bên cạnh đó cũng vẫn còn tồn tại nhiều thách thức đối với thị trường trái phiếu xanh.
Xoay quanh câu chuyện về xu hướng thị trường trái phiếu doanh nghiệp (TPDN) và trái phiếu xanh trong năm 2025, phóng viên TBTCVN đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Đình Duy - Giám đốc, Chuyên gia Phân tích Cấp cao – Khối Xếp hạng tín nhiệm và Nghiên cứu, Công ty CP Xếp hạng Tín nhiệm Đầu tư Việt Nam (VIS Rating).
PV: Theo ông, năm 2025 nhà đầu tư nên kỳ vọng gì về lợi suất TPDN, đặc biệt trong bối cảnh lãi suất toàn cầu có thể tiếp tục biến động?
Ông Nguyễn Đình Duy: Trước đây, không có sự phân biệt rõ ràng giữa các loại trái phiếu có chất lượng khác nhau. Các nhà đầu tư (NĐT) thường chỉ quan tâm đến lợi suất đầu tư và tên tuổi của tổ chức phát hành (TCPH) mà ít chú trọng đến chất lượng tín nhiệm của trái phiếu và khả năng trả nợ của doanh nghiệp. Sau cuộc khủng hoảng về trái phiếu chậm trả vừa qua, thị trường đã quan tâm nhiều hơn đến việc đánh giá tín nhiệm trái phiếu và ngày càng có sự phân hóa về giá trái phiếu dựa trên rủi ro.
Nhiều ngân hàng thương mại đang cam kết mở rộng hoạt động cho vay xanh và bền vững trong chiến lược kinh doanh của họ. Các công ty đi đầu về dịch chuyển sang năng lượng tái tạo và bền vững đang sử dụng các nguồn vốn tài trợ này để hỗ trợ tăng trưởng. Tâm lý NĐT và thanh khoản thị trường TPDN được cải thiện cũng thúc đẩy việc phát hành trái phiếu, đặc biệt là trong nửa cuối năm 2024.
Các công ty xếp hạng tín nhiệm (XHTN) sẽ đóng vai trò quan trọng trong việc cung cấp đánh giá độc lập và khách quan về chất lượng tín nhiệm của đơn vị phát hành và các công cụ nợ của họ. Đối với NĐT, kết quả XHTN và việc cập nhật thông tin thường xuyên từ phía đơn vị XHTN là một kênh thông tin tham khảo hỗ trợ cho việc ra quyết định của NĐT.
Ngoài ra, căn cứ vào sự chênh lệch giữa các kết quả XHTN, thị trường có thể dần hình thành các mức tham chiếu để xác định giá trái phiếu phù hợp hơn. Đây cũng là một yếu tố quan trọng giúp thu hút các NĐT tổ chức và nước ngoài quan tâm hơn đến thị trường TPDN Việt Nam.
Trong giai đoạn cuối năm 2024 chúng tôi đã quan sát thấy chênh lệch lợi suất giữa trái phiếu có rủi ro thấp và rủi ro cao có cùng kỳ hạn đã thu hẹp đáng kể. Điều này phản ánh tâm lý thị trường ổn định và là yếu tố tích cực hỗ trợ hoạt động phát hành. Chúng tôi kỳ vọng trong năm 2025 xu hướng này sẽ tiếp tục được duy trì.
PV: Theo đánh giá của ông, liệu xu hướng phát hành trái phiếu xanh hoặc trái phiếu bền vững tại Việt Nam có tiềm năng phát triển mạnh hơn không và những rào cản nào cần được giải quyết?
Ông Nguyễn Đình Duy: Trong năm 2024, trái phiếu xanh (TPX) và trái phiếu bền vững đang lưu hành của Việt Nam đạt 1,1 tỷ đô la Mỹ, tăng 25% so với cùng kỳ năm trước, khi thị trường TPDN trong nước lấy lại đà tăng trưởng. Nhiều TCPH, bao gồm cả các ngân hàng thương mại (BIDV, HDBank, VCB) và các doanh nghiệp thuộc lĩnh vực năng lượng tái tạo và các dự án phát triển (IDI, Hòa Bình – Xuân Mai) đã lần đầu phát hành TPX và trái phiếu bền vững.
Ảnh minh hoạ.Một số khung TPX do các tổ chức phát hành công bố như của Techcombank, VPBank và Điện Gia Lai. Bên cạnh đó, bản dự thảo lần 3 về Hệ thống phân loại xanh đã được Bộ Tài nguyên và Môi trường công bố trong năm 2024 và kỳ vọng có thể chính thức ban hành trong năm 2025.
Trong năm 2025, với kỳ vọng hệ thống phân loại xanh chính thức của cơ quan quản lý nhà nước được ban hành sẽ giúp tạo định hướng cho thị trường TPX tiếp tục tăng trưởng mạnh mẽ hơn.
Đối với các TCPH mới, quá trình lập kế hoạch và triển khai thực hiện thường kéo dài nhiều năm và các đợt phát hành thành công gần đây phản ánh sự hỗ trợ mạnh mẽ của ban lãnh đạo doanh nghiệp cũng như các bên liên quan.
Về phía thách thức, chúng tôi cho rằng có 3 thách thức lớn đối với thị trường TPX của Việt Nam, đó là rủi ro rửa xanh “greenwashing”, việc cân bằng giữa tuân thủ các quy định pháp lý với các ưu đãi về tài chính và cuối cùng là nâng cao nhận thức của thị trường về TPX.
"Tăng cường nhận thức và hiểu biết về TPX giữa các TCPH và NĐT tiềm năng. Hiện tại, thị trường Việt Nam vẫn chưa quen thuộc với các lợi ích và yêu cầu của TPX, do đó cần có sự truyền thông rộng rãi hơn về TPX nói chung để giúp đẩy nhanh sự phát triển của công cụ tài chính này tại Việt Nam"- đại diện VIS Rating chia sẻ.
Rủi ro của việc "greenwashing", nơi các dự án được tiếp thị sai lệch là thân thiện với môi trường, vẫn là một thách thức đáng kể. Điều này làm suy yếu uy tín của TPX và có thể ngăn cản các NĐT chân chính. Chúng tôi cho rằng, hoạt động của các tổ chức XHTN có thể hỗ trợ thị trường với các sản phẩm đánh giá độc lập (SPO) về TPX.
Về cân bằng giữa khung pháp lý và các ưu đãi tài chính, bên cạnh các quy định chung về phát hành TPDN, TPX đòi hỏi các yêu cầu bổ sung để đáp ứng kỳ vọng của thị trường, dẫn đến quá trình phát hành kéo dài hơn và chi phí cao hơn cho TCPH. Làm thế nào để cân bằng giữa lợi ích tài chính của TCPH và chi phí cao hơn là một trong những thách thức của thị trường Việt Nam. Nếu không có các ưu đãi đủ hấp dẫn thì cũng sẽ không thể khuyến khích doanh nghiệp theo đuổi việc tìm kiếm các nguồn vốn bằng TPX.
PV: Ông có lời khuyên nào cho các TCPH đang dự định phát hành trái phiếu và nhà đầu tư trong năm tới? Những chiến lược nào họ nên cân nhắc?
Ông Nguyễn Đình Duy: Các TCPH cần vượt qua các yêu cầu về tài chính, bảo lãnh để có thể phát hành trái phiếu cũng như cần phải công bố thông tin đầy đủ và kịp thời hơn so với giai đoạn trước. Vì vậy, các TCPH cần rà soát thông tin, đảm bảo tính minh bạch và khả năng cung cấp đủ số liệu cho thị trường, đảm bảo khả năng trả nợ trong tương lai khi huy động TPDN.
Ngoài ra, XHTN cũng là 1 công cụ hữu ích cho cả TCPH và nhà đầu tư trái phiếu. Về phía TCPH, việc sử dụng dịch vụ XHTN giúp tổ chức phát hành tự đánh giá được điểm mạnh điểm yếu về khả năng trả nợ của mình, từ đó lựa chọn các hình thức phát hành trái phiếu phù hợp. Đơn cử như có thể thêm tài sản đảm bảo, sử dụng dịch vụ bảo lãnh thanh toán để làm tăng chất lượng tín nhiệm của trái phiếu phát hành, qua đó gián tiếp cải thiện chất lượng của các đợt phát hành.
Chúng tôi cho rằng trước hết, NĐT cần nhận thức được trái phiếu doanh nghiệp là một sản phẩm có rủi ro, trong một số trường hợp tiềm ẩn khả năng mất vốn và không phù hợp cho đại đa số NĐT cá nhân. NĐT cần lưu ý tới hai rủi ro chính của thị trường này là rủi ro tín dụng (hay rủi ro chậm trả trái phiếu của các doanh nghiệp) và rủi ro thị trường (thường là các rủi ro về lãi suất và thanh khoản).
Ngoài ra, NĐT cần tự đánh giá khẩu vị rủi ro của bản thân để xác định mình có phù hợp đầu tư vào TPDN hay không. Sau đó khi lựa chọn trái phiếu để đầu tư, cần thực hiện nghiên cứu kỹ lưỡng về TCPH trái phiếu, đặc biệt là khả năng tín dụng và lịch sử thanh toán của doanh nghiệp, thông qua các báo cáo tài chính và xếp hạng từ các tổ chức XHTN để xác định được khả năng thanh toán và tình hình tài chính của TCPH.
PV: Xin cảm ơn ông!