CỔNG THÔNG TIN VÀ ĐẦU TƯ QUỐC TẾ

Nên bỏ chu kỳ điều hành giá xăng dầu 10 ngày một lần, thay bằng hàng ngày

Invest Global 10:34 12/03/2022

Bất cập về chu kỳ điều hành giá xăng dầu cần được sửa đổi cho phù hợp với biến động của thị trường, theo hướng bãi bỏ chu kỳ điều hành 10 ngày một lần, thay bằng hàng ngày. Nếu chưa làm được theo biến động hàng ngày như thế giới đang làm thì trước mắt có thể là 5 ngày phù hợp với phương thức mua bán hiện nay của các thương nhân xăng dầu.

Anh-chup-Man-hinh-2022-03-11-l-6494-5342

Chuyên gia Nguyễn Tiến Thỏa. 

Đây là chia sẻ của ông Nguyễn Tiến Thỏa, Chủ tịch Hội Thẩm định giá Việt Nam, nguyên Cục trưởng Cục Quản lý giá với VnBusiness về những bất cập, khó khăn, thậm chí là những hỗn loạn khi xuất hiện tình trạng một số cửa hàng xăng dầu treo biển "hết xăng" trước giờ điều chỉnh giá xăng dầu trong thời gian gần đây.

Sau kỳ điều chỉnh chiều nay (ngày 11/3), giá xăng dầu trong nước đã lên sát mốc 30.000 đồng/lít. Trong bối cảnh giá dầu thô thế giới tiếp tục tăng mạnh như hiện nay, giá xăng dầu trong nước dự báo có thể tiếp tục tăng thêm. Theo ông, đâu là giải pháp nhanh nhất để “hạ nhiệt” mặt hàng này?

-Thực hiện nhất quán cơ chế giá thị trường thì về nguyên tắc, chúng ta phải chấp nhận những tín hiệu khách quan của thị trường để ứng xử phù hợp với thị trường. Tuy nhiên, như vậy thì không có nghĩa là chúng ta phó mặc cho những cú sốc của thị trường mặc sức tự do va đập gây bất lợi cho các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, mà cần phải có những giải pháp ứng phó phù hợp thích ứng với những biến động của thị trường.

Vì thế, trong bối cảnh giá xăng dầu thế giới tăng cao kéo giá trong nước tăng cần thiết phải có những giải pháp mang tính tình thế để kiềm chế giá tăng.

Giải pháp lúc này, theo tôi, không có gì khác là các thành tố tham gia thị trường xăng dầu phải cùng nhau chia sẻ khó khăn.

Đó là về phía người tiêu dùng xăng dầu phải chấp nhận giá tăng ở mức độ "đã được kiềm chế ở mức cao".

Về phía Nhà nước, cần rà soát, tính toán theo các kịch bản giá biến động khác nhau để có thể thực hiện các chính sách giảm, giãn, hoãn... các khoản thu của ngân sách nhà nước bao gồm cả các loại thu trực tiếp và thu gián tiếp (thuế, phí, lệ phí...) trong một thời gian nhất định, góp phần hạ nhanh giá vốn kinh doanh.

Về doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu cần chủ động nắm bắt thực tiễn, dự báo sát diễn biến thị trường để thực hiện các phương án kinh doanh có lợi nhất, hạn chế rủi ro, tự lựa chọn nơi mua hàng, thị trường mua, khách hàng bán, thời điểm mua với giá cả hợp lý nhất. Bên cạnh đó, cần rà soát tiết giảm chi phí kinh doanh trong nước, kể cả việc chấp nhận tiết giảm lợi nhuận hơn bình thường góp phần giảm giá bán để chia sẻ với người tiêu dùng.

Mới đây, Bộ Tài chính đã đồng ý thay đổi phương án giảm thuế môi trường với xăng dầu nhiều   hơn so với đề xuất ban đầu. Ông có bình luận gì về phương án này? 

- Chủ trương giảm thuế bảo vệ môi trường xuống so với mức tối đa hiện hành là một giải pháp đúng và cần thiết trong bối cảnh giá xăng dầu tăng cao. Giải pháp này tuy có làm giảm thu ngân sách nhưng lại có tác động trực tiếp, tích cực đến việc kiềm chế giá xăng dầu tăng và gián tiếp giảm chi phí cho nền kinh tế.

Tuy nhiên, nếu chỉ giảm thuế bảo vệ môi trường ở mức 1.000 đồng/lít đối với xăng, 500 đồng/lít đối với dầu so với mức tối đa hiện hành như phương án ban đầu thì là quá ít - mức khiêm tốn. Vì vậy, tôi khá đồng tình với phương án cần giảm ở mức bằng 50% của mức thu tối đa hiện hành như đã giảm đối với nhiên liệu bay.

Không chỉ vấn đề về giá cao, thị trường xăng dầu thời gian qua cũng tồn tại những bất cập như sát giờ điều chỉnh thì một số cửa hàng treo biển hết xăng, thương nhân kinh doanh xăng dầu than rằng càng bán càng lỗ.... Nhìn từ cách điều hành thị trường xăng dầu trong thời gian qua, ông thấy có bất cập gì? Ông đánh giá thế nào về đề xuất nên rút ngắn kỳ điều chỉnh xăng dầu ngắn hơn so với quy định 10 ngày/lần? 

-Điều hành thị trường xăng dầu vừa qua đã tuân thủ Nghị định 83 và Nghị định 95 của Chính phủ về kinh doanh xăng dầu. Nhưng tại sao thị trường lại có những bất ổn xảy ra? Theo tôi, đó chính là những bất cập cả về cung cách điều hành và bất cập của chính cơ chế điều hành.

Sở dĩ như vậy là vì, về cung cách điều hành: Do công tác theo dõi đánh giá kết quả sản xuất kinh doanh, xuất nhập khẩu không sát thực tiễn, dự báo diễn biến thị trường (cung - cầu - giá cả) thiếu sát thực tế dẫn đến việc điều hành thiếu chủ động (thậm chí bị động), chưa linh hoạt, thiếu các kịch bản ứng phó thích hợp với những đột biến xảy ra.

Về cơ chế điều hành: Vấn đề nổi cộm nhất là điều hành giá theo chu kỳ 10 ngày, nếu kỳ điều hành giá rơi vào ngày nghỉ lễ, tết thì lùi sang kỳ điều hành giá tiếp theo (20 ngày). Quy định đó làm cho giá trong nước luôn lệch pha với giá thị trường thế giới bởi giá thế giới thì tăng hàng ngày trong khi giá trong nước kìm lại 10 ngày (thậm chí 20 ngày) không tăng theo.

Mặt khác, quy trình lấy giá thế giới bình quân của kỳ trước để áp dụng cho chu kỳ sau, trong khi thực tế giá chu kỳ sau đã tăng hơn... luôn làm cho giá vốn cao hơn giá bán lẻ hiện hành, gây lỗ cho doanh nghiệp và tất yếu xảy ra hiện tượng găm hàng, chờ giá tăng, thiếu hụt nguồn cung là khó tránh khỏi.

Bất cập về chu kỳ điều chỉnh giá này cần được sửa đổi cho phù hợp với biến động của thị trường, theo hướng bãi bỏ chu kỳ điều hành 10 ngày một lần, thay bằng hàng ngày. Nếu chưa làm được theo biến động hàng ngày như thế giới đang làm thì trước mắt có thể là 5 ngày phù hợp với phương thức mua bán hiện nay cả các thương nhân xăng dầu.

Liệu chương trình phục hồi và phát triển kinh tế mà Chính phủ đang triển khai có bị giảm hiệu quả, lạm phát có nguy cơ vượt mức kiểm soát 4% mà Chính phủ đặt ra nếu giá xăng dầu tiếp tục tăng mạnh như những tháng đầu năm? 

-Những biến động bất thường, tạo ra những cú sốc của thị trường, giá cả các đầu vào của nền kinh tế tăng cao đương nhiên sẽ gây ra những tác động bất lợi đến chương trình phục hồi kinh tế.

Tuy nhiên, nếu nhìn vào kết quả phát triển kinh tế - xã hội 2 tháng đầu năm thể hiện bằng những chỉ tiêu đạt được cụ thể mà Tổng cục Thống kê công bố thì đã thấy rõ nền kinh tế đã có xu hướng phục hồi, tăng trưởng nhanh trở lại. Điển hình như chỉ số sản xuất công nghiệp tăng 5,4% so với cùng kỳ năm trước; sản xuất nông, lâm, thủy sản phát triển ổn định; tổng mức bán lẻ và doanh thu dịch vụ tăng 3,1%; tổng kim ngạch xuất nhập khẩu tăng 13%; kinh tế vĩ mô ổn định, lạm phát kiểm soát ở mức 1,68%...

Điều đó chứng tỏ các giải pháp của Chính phủ đề ra, tổ chức thực hiện, khắc phục khó khăn, ứng xử thích ứng với những bất ổn do thị trường gây ra, đặc biệt là các gói hỗ trợ phục hồi kinh tế là những giải pháp đúng, có hiệu quả.

Thời gian tới, nếu chúng ta kiểm soát tốt dịch bệnh; các gói hỗ trợ tiếp tục phát huy hiệu quả cộng với tháng 4, tháng 5, các gói đầu tư công được thực hiện; các biện pháp bình ổn giá thực hiện có hiệu quả, trong đó có giá xăng dầu như tôi đã chia sẻ ở trên, đồng thời có những điều chỉnh bổ sung các giải pháp cho phù hợp với diễn biến thị trường thì tôi tin rằng các mục tiêu kinh tế - xã hội năm 2022 đạt được khả quan.

Lê Thúy thực hiện 

Ý kiến chuyên gia