CỔNG THÔNG TIN VÀ ĐẦU TƯ QUỐC TẾ
Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cho biết, tổng vốn huy động của toàn ngành ngân hàng đến ngày 30/9 đạt 14,5 triệu tỷ đồng, dư nợ cho vay đạt 14,7 triệu tỷ đồng. Theo tính toán của các chuyên gia, nếu không có gì bất thường, tính đến hết tháng 10/2024, huy động vốn vào hệ thống ngân hàng vượt 15 triệu tỷ đồng.
Tăng trưởng huy động thấp hơn cho vay
Trao đổi với báo chí mới đây, Phó Thống đốc Đào Minh Tú lý giải việc cho vay vượt huy động bởi phần vượt hơn chính là từ vốn điều lệ của các ngân hàng thương mại, đồng thời khẳng định “không có chuyện 14-15 triệu tỷ đồng còn nằm tại ngân hàng” vì huy động được bao nhiêu, các ngân hàng đã cho vay ra nền kinh tế bấy nhiêu.
Như vậy, có thể thấy, mặc dù tiền gửi vào ngân hàng tăng kỷ lục, nhưng trong bối cảnh kinh tế phục hồi, nhu cầu vốn để đẩy mạnh sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp vào cuối năm tăng cao khiến thanh khoản ngân hàng không còn dồi dào. Do đó, để đảm bảo dòng vốn cho các hoạt động cho vay và duy trì tính ổn định cho hệ thống tài chính, các ngân hàng đang tích cực đẩy mạnh huy động vốn bằng cách “mạnh tay” nâng lãi suất huy động.
Tính từ đầu tháng 11 tới nay, có hơn 10 ngân hàng tăng lãi suất tiền gửi, trong đó có GPBank, LPBank, Nam A Bank, IVB, Viet A Bank, VIB, MB, Agribank, Techcombank, ABBank, VietBank…
Các chuyên gia dự báo lãi suất huy động kỳ hạn 12 tháng có thể tăng thêm 50-70 điểm cơ bản.
Ngoài tăng lãi suất, các ngân hàng đang tăng cường cạnh tranh thu hút tiền gửi bằng nhiều chương trình khuyến mãi hấp dẫn. Điển hình như SHB đã tổ chức quay số may mắn tặng sổ tiết kiệm cho khách hàng. Nhiều ngân hàng khác cũng tặng các phần quà như ô, áo mưa, bình giữ nhiệt để thu hút người gửi tiền.
Trong khi các ngân hàng tung ra nhiều chiêu khuyến mãi thì người gửi tiền vẫn thích "tiền tươi thóc thật" hơn, tức được cộng trực tiếp vào lãi suất hiện hành.
Chị Bùi Thu Châu ở quận Thanh Xuân (Hà Nội) vừa tất toán sổ tiết kiệm 500 triệu đồng tại một ngân hàng quốc doanh để chuyển sang gửi kỳ hạn 12 tháng tại một ngân hàng tư nhân với mức lãi suất 6,1%/năm nhờ được cộng thêm 0,5% cho khoản tiền gửi từ trên 300 triệu.
“Những ưu đãi cụ thể bằng tiền mặt hoặc lãi suất sẽ hút khách hàng hơn là khuyến mại sản phẩm hay bốc thăm trúng thưởng”, chị Châu cho hay.
Trong khi đó, ông Nguyễn Văn Trí ở quận Hai Bà Trưng (Hà Nội) lại lựa chọn gửi ngắn hạn 1 tháng cho khoản tiền 1,2 tỷ đồng để đợi gửi dài hạn vào dịp gần Tết khi lãi suất thường cao hơn. Ông cho biết: “Tôi khảo sát tại một số ngân hàng lớn có mức lãi suất như nhau. Vì vậy, tôi sẽ xét đến các chương trình ưu đãi, chăm sóc khách hàng, và bên nào có những sản phẩm, chương trình cụ thể hơn sẽ chọn. Ví dụ như cộng thêm lãi thưởng vào lãi suất, quà tặng...”.
Chuyên gia tài chính - ngân hàng Nguyễn Trí Hiếu nhận định nhu cầu vốn lớn của doanh nghiệp vào dịp cuối năm khiến các ngân hàng phải tăng lãi suất huy động. Xu hướng này có thể tiếp tục từ nay đến đầu năm sau.
Theo dự đoán của ông Hiếu, lãi suất kỳ hạn 12 tháng có thể tăng thêm 50-70 điểm cơ bản, đưa lãi suất tại các ngân hàng lớn lên mức 5,1%-5,5%.
Trong khi đó, một số ý kiến khác cho rằng lãi suất huy động có thể đạt mức từ 6-8%/năm, tùy thuộc vào kỳ hạn và chính sách của từng ngân hàng, nhằm đáp ứng nhu cầu vốn từ thị trường bất động sản và doanh nghiệp.
Có cấm ngân hàng khuyến mại?
Các chuyên gia cũng cho biết, để thu hút và giữ chân khách hàng, không phải cứ ngân hàng nào có lãi suất cao thì tất sẽ huy động nhiều vốn, mà chất lượng phục vụ, mức độ tín nhiệm, an toàn của ngân hàng cũng là tiêu chí hết sức quan trọng.
Bên cạnh đó, nếu được nhận thêm lãi suất thưởng (đương nhiên sẽ bị ràng buộc về số lượng tiền gửi, thời gian gửi) thì người gửi tiền có lợi thực sự, nhưng nếu khuyến mãi là bốc thăm trúng thưởng thì ngân hàng sẽ bị đội chi phí đầu vào, lợi thực sự chỉ thuộc về một vài khách hàng may mắn.
Tuy nhiên, Thông tư 48 về việc áp dụng lãi suất đối với tiền gửi bằng đồng Việt Nam của tổ chức, cá nhân tại tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài quy định các ngân hàng khi nhận tiền gửi không được thực hiện khuyến mại dưới mọi hình thức (bằng tiền, lãi suất và các hình thức khác) không đúng với quy định của pháp luật.
Nhiều người thắc mắc điều này có đồng nghĩa với việc ngân hàng không được khuyến mãi cho người gửi tiền?
Đại diện một ngân hàng cổ phần lớn tại Hà Nội cho biết NHNN không cấm các ngân hàng khuyến mại cho người gửi tiền, chỉ cấm khuyến mại "không đúng với quy định của pháp luật", tức là khuyến mãi vượt trần.
Hiện nay, trần lãi suất áp dụng cho các kỳ hạn dưới 6 tháng. Mức trần này do Thống đốc NHNN quyết định trong từng thời kỳ và đối với từng loại hình tổ chức tín dụng.
Theo quy định hiện nay, lãi suất tối đa áp dụng đối với tiền gửi không kỳ hạn và có kỳ hạn dưới 1 tháng ở mức 0,5%/năm; với tiền gửi kỳ hạn từ 1 tháng đến dưới 6 tháng ở mức 4,75%/năm. Riêng lãi suất tối đa đối với tiền gửi bằng VND tại quỹ tín dụng nhân dân, tổ chức tài chính vi mô ở mức 5,25%/năm.
Còn lãi suất huy động có kỳ hạn từ 6 tháng trở lên do tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài ấn định trên cơ sở cung - cầu vốn thị trường.
Như vậy, nếu khuyến mãi, ngân hàng phải đảm bảo khi cộng lãi suất và quà khuyến mãi sẽ không vượt qua mức trần quy định.
Theo các chuyên gia, hiện tại là thời gian tốt để gửi tiết kiệm. Bên cạnh đó, để tối đa quyền lợi, người gửi tiền nên tận dụng việc sử dụng các gói sản phẩm dịch vụ của ngân hàng để được hưởng mức lãi suất tốt hơn rất nhiều so với việc chỉ gửi tiết kiệm thông thường.
Huyền Anh