CỔNG THÔNG TIN VÀ ĐẦU TƯ QUỐC TẾ

Ngân hàng không chia cổ tức bằng tiền mặt

Invest Global 10:36 06/04/2020

Cùng với các giải pháp tiết giảm chi phí khác, việc không chia cổ tức bằng tiền mặt sẽ giúp các TCTD có thêm nguồn lực để tiếp tục giảm sâu lãi suất cho vay, hỗ trợ hàng triệu khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh.

Tại Chỉ thị số 02/CT-NHNN về các giải pháp cấp bách của ngành Ngân hàng nhằm tăng cường phòng, chống và khắc phục khó khăn do tác động của dịch bệnh Covid-19, Thống đốc NHNN yêu cầu các TCTD chủ động rà soát, cắt giảm các chi phí hoạt động, đặc biệt là chi lương, thưởng, kịp thời điều chỉnh kế hoạch kinh doanh, kế hoạch tài chính phù hợp với thực tế trước khi tổ chức đại hội cổ đông. Đặc biệt, trước mắt không chia cổ tức bằng tiền mặt để tập trung nguồn lực giảm mạnh lãi suất cho vay đối với dư nợ hiện nay và các khoản cho vay mới.

Ảnh minh họa

Quả vậy, cùng với các giải pháp tiết giảm chi phí khác, việc không chia cổ tức bằng tiền mặt sẽ giúp các TCTD có thêm nguồn lực để tiếp tục giảm sâu lãi suất cho vay, hỗ trợ hàng triệu khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh. Thời điểm này hàng năm vốn đang là mùa đại hội cổ đông, nhưng năm nay Covid đến, các NHTM đều phải rời lịch đại hội. Dù chưa hẹn ngày tổ chức nhưng sớm hay muộn thì các ngân hàng đều sẽ phải tổ chức đại hội này, và cổ tức vẫn sẽ là vấn đề các cổ đông quan tâm nhất. Biết thế, song lúc này các ngân hàng vẫn quyết định  hy sinh lợi nhuận để hỗ trợ khách hàng.  

Chủ tịch HĐQT Vietcombank Nghiêm Xuân Thành cho biết: Vietcombank thực hiện giảm lãi suất cho vay đợt một áp dụng đến 30/4 với mức giảm từ 1-1,5%, giai đoạn hai kéo dài đến 30/9/2020 với mức giảm sâu hơn. Với mức giảm lãi suất này cho các khoản vay cũ của khách hàng chịu tác động của dịch bệnh (dư nợ trên 100 ngàn tỷ đồng) sẽ khiến ngân hàng này giảm khoảng 300 tỷ đồng lợi nhuận. Không những thế, Vietcombank cam kết triển khai gói tín dụng 30 ngàn tỷ đồng cho vay mới với lãi suất chỉ 4,5-5%/năm dành cho khách hàng sản xuất kinh doanh các mặt hành thiết yếu. Việc triển khai đồng loạt nhiều chính sách hỗ trợ khách hàng như hiện nay ngân hàng này sẽ khó thực hiện được mục tiêu tăng trưởng về lợi nhuận 15% như đã đặt ra cho năm nay.

Cũng là NHTMCP Nhà nước, BIDV đã tích cực cơ cấu lại nợ và giảm lãi suất cho vay khách hàng chịu ảnh hưởng bởi dịch bệnh với dư nợ trên 155 ngàn tỷ đồng và tiếp tục triển khai gói tín dụng ưu đãi lãi suất 120 ngàn tỷ đồng. Với quy mô dư nợ lớn, ở đợt giảm lãi suất cho vay này, BIDV dự kiến giảm khoảng từ 2.400 đến 3.000 tỷ đồng thu nhập để hỗ trợ khách hàng khắc phục khó khăn do ảnh hưởng của Covid-19.

Ngay cả với các ngân hàng nhỏ, dư nợ của khách hàng chịu ảnh hưởng dịch bệnh cũng lên đến 20 - 30 ngàn tỷ đồng và họ cũng giảm lãi suất cho vay đến 2% so với trước khi có dịch.

Không chỉ đồng loạt giảm lãi suất cho vay cả dư nợ cũ và khoản cho vay mới, các NHTM tiếp tục giảm phí dịch vụ. Ngày 31/3/2020 NHNN ban hành Thông tư số 4/2020/TT-NHNN điều chỉnh giảm 50% phí giao dịch thanh toán qua Hệ thống thanh toán điện tử liên ngân hàng (có hiệu lực kể từ ngày 1/4/2020). Vì vậy, NHNN yêu cầu các TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài khẩn trương điều chỉnh giảm phí dịch vụ chuyển tiền qua hệ thống thanh toán điện tử liên ngân hàng của NHNN cho khách hàng với mức giảm tối thiểu bằng số tiền giảm phí mà NHNN đã điều chỉnh giảm. Thời gian thực hiện từ ngày 1/4/2020 đến hết ngày 31/12/2020.

Trước đó, các TCTD đã hai lần  thực hiện miễn, giảm phí  dịch vụ thanh toán với các giao dịch thanh toán trực tuyến (online). Đợt một các  TCTD giảm phí dịch vụ chuyển tiền nhanh liên ngân hàng có giá trị nhỏ (từ 500.000 đồng trở xuống) cho người sử dụng dịch vụ, áp dụng từ ngày 25/2/2020; Đợt hai, giảm phí dịch vụ thanh toán cho các món thanh toán có giá trị từ 500.001 đồng đến 2.000.000 đồng cho khách hàng và giảm giá sử dụng sản phẩm thông tin tín dụng, thời gian thực hiện từ ngày 25/3/2020 đến hết ngày 31/12/2020. Ước tính, tổng số tiền phí mà các TCTD miễn, giảm cho các khách hàng trong hai lần khoảng 560 tỷ đồng.

Chưa kể, theo báo cáo của một số NHTM  do ảnh hưởng dịch bệnh mọi guồng quay trong nền kinh tế, xã hội đều giảm khiến giao dịch ngân hàng cũng giảm theo, với mức giảm từ 20 đến 40%. Việc này cũng sẽ khiến doanh thu, lợi nhuận của ngân hàng giảm.

Lãnh đạo một NHTMCP cho biết, lợi nhuận năm nay của ngân hàng sẽ giảm mạnh bởi bên cạnh nguồn thu từ tín dụng giảm do cầu tín dụng yếu, hiện ngân hàng còn đang phải giảm mạnh lãi suất, giảm phí để hỗ trợ doanh nghiệp. Có NHTMCP nhỏ còn thừa nhận: Thực hiện chỉ đạo của NHNN, đã triển khai nhiều giải pháp hỗ trợ khách hàng nhưng cũng không dám truyền thông rộng rãi bởi đang trong giai đoạn tái cơ cấu, hy sinh nhiều lợi ích để hỗ trợ khách hàng sẽ khiến các cổ đông của ngân hàng “không vui”.

Lợi nhuận giảm, ngân hàng không chia cổ tức bằng tiền mặt sẽ khiến các cổ đông buồn. Nhưng trước mắt, nếu không dốc lực hỗ trợ khách hàng vượt qua khó khăn, duy trì sản xuất kinh doanh (thậm chí chỉ cần tồn tại được), góp phần khôi phục kinh tế sau dịch bệnh thì e rằng năm sau, dù được phép, NHTM cũng chẳng có bao cổ tức mà chia cho cổ đông.