CỔNG THÔNG TIN VÀ ĐẦU TƯ QUỐC TẾ

Nâng cao năng lực nhà đầu tư cá nhân trong nước đã trở thành một trong các nhiệm vụ quan trọng trong định hướng phát triển thị trường chứng khoán (TTCK). Quyết định số 1726 của Thủ tướng Chính Phủ phê duyệt Chiến lược phát triển thị trường chứng khoán đến năm 2030 đặt mục tiêu đến năm 2030 sẽ phát triển nhà đầu tư cá nhân cả về mặt chất và lượng. Trong đó, "chất" ở đây là nâng cao năng lực nhà đầu tư qua truyền thông, giáo dục, phổ cập kiến thức tài chính; còn "lượng" là số người dùng đạt 11 triệu tài khoản trong năm 2030.
Tính đến cuối tháng 5/2025, chứng khoán Việt Nam đã ngày một gần hơn với việc mục tiêu về “lượng” với tổng số tài khoản đạt hơn 10 triệu đơn vị, tương đương hoàn thành 92% mục tiêu trong khi thời hạn còn gần 5 năm nữa.
Dù vậy, câu chuyện về "chất" của nhà đầu tư cá nhân vẫn là nỗi trăn trở của các cơ quan quản lý và thành viên thị trường. Dù chiếm đến hơn 99% số lượng tài khoản, NĐT cá nhân lại là những đối tượng thua lỗ nhiều nhất do những hạn chế về kiến thức, sự bất cân xứng tiếp cận thông tin, tâm lý yếu...
Đáng nói hơn, họ cũng là những đối tượng dễ bị tổn thương với ảnh hưởng từ các vụ thao túng chứng khoán, cổ phiếu... Đây là hệ quả của tâm lý đầu cơ lướt sóng, kiếm lời nhanh trong khi chưa được trang bị đầy đủ nền tảng và kiến thức.
Theo các chuyên gia, trình độ, kiến thức và độ hiểu biết của các NĐT trên TTCK Việt Nam không đồng đều, các chương trình đào tạo ở các trường đại học vẫn chưa sát thực tế, chất lượng, độ am hiểu lĩnh vực tài chính còn thấp.
Điều này cũng dễ hiểu bởi TTCK mới được NĐT quan tâm nhiều hơn trong 5 năm trở lại đây, trong khi các nước khác trên thế giới đã đi trước chúng ta hàng chục, thậm chí hàng trăm năm.
Nỗ lực của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, thành viên thị trườngTrong một vài năm trở lại đây, các chuyên gia trong lĩnh vực chứng khoán đánh giá năng lực NĐT cá nhân đã có sự cải thiện nhất định.
Ông Nguyễn Thế Minh - Giám đốc Khối Nghiên cứu và Phát triển khách hàng cá nhân CTCP Chứng khoán Yuanta Việt Nam nhìn nhận tư duy của nhiều NĐT đã thay đổi từ chỉ giao dịch “lướt sóng”, mua bán theo tâm lý đám đông… sang đầu tư dựa trên tìm hiểu chuyên sâu và nâng cao kiến thức.
Đồng quan điểm, TS. Hồ Sỹ Hòa - Giám đốc Nghiên cứu và Tư vấn đầu tư, Công ty Chứng khoán DNSE, đánh giá chất lượng NĐT cá nhân Việt Nam những năm gần đây đã có sự cải thiện đáng kể. “Họ dễ dàng tiếp cận được với các công cụ và phương pháp đầu tư so với trước kia khi việc đầu tư đã được “phổ cập” hơn. Cộng đồng nhà đầu tư cũng đã đa dạng hơn về độ tuổi và trình độ học vấn, đặc biệt là nhóm NĐT trẻ (dưới 35 tuổi) chiếm phần lớn trong số các NĐT mới, khoảng 70%”, ông Hòa nói.

Những cải thiện bước đầu là sự nỗ lực chung tay của các cơ quan quản lý và các thành viên thị trường. Theo ông Nguyễn Công Minh, Trưởng ban Quản lý các công ty quản lý quỹ và quỹ đầu tư chứng khoán, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN), Ủy ban đã triển khai công tác giáo dục đào tạo NĐT từ những giai đoạn đầu phát triển TTCK với phương thức đào tạo chủ yếu là thông qua các khóa đào tạo, hội nghị, hội thảo trực tiếp.
Cùng với sự phát triển của thị trường và trong bối cảnh chuyển đổi số, UBCKNN đã cập nhật nội dung đào tạo, khai thác các phương tiện truyền thông, nền tảng trực tuyến, ứng dụng công nghệ, xây dựng website riêng dành cho NĐT … để thực hiện đào tạo, phổ biến kiến thức nhằm truyền tải kiến thức, thông tin kịp thời và tăng khả năng tiếp cận của NĐT, đặc biệt là nhóm NĐT trẻ, am hiểu về công nghệ.
Đồng thời, UBCKNN hiện đang xây dựng Đề án đào tạo NĐT, nhằm định hình chiến lược đào tạo NĐT một cách tổng thể, huy động tối đa nguồn lực và sự tham gia của các cơ quan quản lý, cơ quan vận hành thị trường và các thành viên thị trường vào công tác đào tạo NĐT.
Cùng với cơ quan quản lý, các thành viên thị trường như công ty chứng khoán, quản lý quỹ (những đơn vị rất gần gũi với NĐT) đang ngày càng có trách nhiệm trong việc đào tạo, phổ cập kiến thức đầu tư.
TS. Hồ Sỹ Hòa chia sẻ với mục tiêu “Đơn giản hóa đầu tư cho người Việt”, đưa kiến thức chứng khoán đến với NĐT dễ hiểu, DNSE đã xây dựng hệ sinh thái với các kênh sáng tạo, có tính thu hút cao như Radar Đầu tư, chương trình cập nhật thị trường và cổ phiếu từ chuyên gia, hay Một phút đút ví, kênh TikTok chia sẻ mẹo tài chính cá nhân…

Tương tự, CTCP InvestingPro (InvestingPro), đơn vị hoạt động trong lĩnh vực phân phối chứng chỉ quỹ cũng xây dựng các kênh truyền thông đa dạng để giúp NĐT cá nhân trang bị các kiến thức trong một thị trường đầy biến động cũng như có những kiến thức về chứng chỉ quỹ đầu tư như một lựa chọn đầu tư trung dài hạn và chuyên nghiệp.
Trong đó, InvestingPro xây dựng chương trình “Top Funds” gồm các bản tin chứng chỉ quỹ, phỏng vấn chuyên gia đầu tư đến từ các công ty quản lý quỹ cũng như các chuyên gia kinh tế, tài chính cá nhân. Những câu chuyện và chia sẻ trên Top Funds được lan tỏa trong cộng đồng đầu tư từ những khái niệm đơn giản nhưng quan trọng như quản trị rủi ro, DCA, SIP, cho tới những nhận định ở các cột mốc thị trường quan trọng, tầm nhìn dài hạn, tài chính thông minh...
Đại diện InvestingPro kỳ vọng việc triển khai tuyến nội dung về giáo dục tài chính dưới nhiều hình thức như bài viết, video trực tuyến về kiến thức đầu tư từ cơ bản tới nâng cao, sẽ giúp NĐT hiểu rõ hơn về lợi ích của đầu tư dài hạn, rủi ro của đầu tư lướt sóng và nguy cơ từ các kênh đầu tư không chính thống.
Về phần mình, chuyên gia Nguyễn Thế Minh cho rằng song song với đào tạo năng lực NĐT cá nhân, cần tăng cường truyền thông về sản phẩm tài chính khác, đặc biệt là sản phẩm chứng chỉ quỹ.
“NĐT cá nhân ở Việt Nam chưa mặn mà với sản phẩm chứng chỉ quỹ. Do đó, chúng ta cần tăng cường đào tạo, truyền thông để họ hiểu đây là kênh đầu tư dài hạn tiềm năng. Tôi nghĩ điều này cần sự chung tay của cơ quan quản lý, công ty chứng khoán, đến các công ty quản lý quỹ và đơn vị phân phối chứng chỉ quỹ”, ông Minh nói.
Vị chuyên gia đến từ Chứng khoán Yuanta Việt Nam cũng đánh giá cao vai trò của UBCKNN ở các cuộc “thanh lọc”, mạnh tay xử phạt các chiêu trò thao túng, đẩy giá chứng khoán, qua đó kéo niềm tin NĐT trở lại với TTCK.

Ngoài ra, cần phải nhắc đến vai trò của các ứng dụng công ty Fintech với lợi thế gần gũi với người dùng.
ThS. Đoàn Ngọc Khanh, Chánh Văn phòng Viện Chiến lược Phát triển Kinh tế số (IDS) bình luận: ”Tính đến cuối quý I/2025, có khoảng 30,27 triệu ví điện tử đang hoạt động tại Việt Nam. Nền tảng lượng người dùng lớn là lợi thế không nhỏ của Fintech trong việc tiếp cận những người chưa từng đầu tư trên TTCK”.
Ông Đoàn Ngọc Khanh phân tích các Fintech có vai trò giáo dục tài chính bằng việc cung cấp tất cả dịch vụ liên quan đến cá nhân gồm tiêu dùng, bảo hiểm, tiết kiệm, đầu tư... nghĩa là người dùng phải biết cách phân bổ chi tiêu, sau khi chi các khoản cố định, chi một phần bảo hiểm để phòng ngừa rủi ro, rồi tiết kiệm, có dư thì đầu tư... tất cả đều được cung cấp trên các ứng dụng, nên vừa sử dụng dịch vụ, người tiêu dùng vừa học cách quản lý tài chính.

Điều quan trọng, người dùng có thể bắt đầu việc chia nhỏ khoản đầu tư, nghĩa là không đặt vấn đề đầu tư phải thu lãi lớn ngay mà quan trọng là hình thành tư duy quản lý tiền, vừa chi tiêu vừa sinh lời...
Với tỷ lệ NĐT cá nhân mở tài khoản chứng khoán mới chiếm 10% tổng dân số Việt Nam, các Fintech được nhìn nhận có vai trò quan trọng trong việc phổ cập các kiến thức đầu tư, kênh đầu tư chứng khoán với những NĐT mới.
Có thể thấy, tận dụng thế mạnh của các Fintech, trên thị trường đã xuất hiện những liên kết giữa Fintech và công ty chứng khoán/quản lý quỹ như DNSE với Momo, ZaloPay; Momo liên kết Chứng khoán CV, SSIAM - Digi Invest…
ThS. Đoàn Ngọc Khanh nhấn mạnh, với sự phát triển của các ứng dụng công nghệ, điện thoại thông minh, quá trình xã hội hóa đầu tư chứng khoán có thể được đẩy nhanh hơn đến những người dân ở vùng sâu vùng xa không có điều kiện tiếp xúc vật lý.
“Những cá nhân này ban đầu có thể chưa đầu tư nhiều hoặc thậm chí sẽ không mua cổ phiếu, song việc ‘training’ và giáo dục kiến thức sẽ giúp họ tránh việc bị mất tiền không đáng có khi xuất hiện ngày càng nhiều những vụ lừa đảo trên TTCK (điển hình là dựng App giả dạng công ty chứng khoán – PV)”, bà Khanh nói.
Bà Khanh kỳ vọng với sự tham gia của Fintech và các đơn vị khác, chứng khoán Việt Nam không chỉ đạt mục tiêu 11 triệu tài khoản vào năm 2030, mà xa hơn nữa Việt Nam có thể đạt được mục tiêu tài chính toàn diện khi mọi người dân, đặc biệt nhóm thu nhập thấp, yếu thế có thể tiếp cận và sử dụng các sản phẩm, dịch vụ tài chính một cách an toàn, thuận tiện, với chi phí hợp lý.
Tổ chức Hội thảo Nâng cao nhận thức nhà đầu tư hướng tới nâng hạng thị trường chứng khoán
Song song với nỗ lực nâng hạng thị trường chứng khoán, nâng cao nhận thức nhà đầu tư cũng là một nhiệm vụ quan trọng mà các cơ quan quản lý đang tập trung triển khai nhằm phát triển bền vững thị trường chứng khoán Việt Nam.
Tại Quyết định số 1726/QĐ-TTg ngày 29/12/2023 phê duyệt Chiến lược phát triển thị trường chứng khoán đến năm 2030, Chính phủ yêu cầu phát triển và đa dạng hóa cơ sở nhà đầu tư, cải thiện chất lượng cầu đầu tư nhằm hướng tới cầu đầu tư bền vững; nâng cao chất lượng nhà đầu tư cá nhân gắn với đào tạo, phổ cập kiến thức và thông tin tuyên truyền; xây dựng chiến lược đào tạo tổng thể cho nhà đầu tư, xác định mục tiêu, đối tượng và lộ trình phù hợp theo từng giai đoạn phát triển của thị trường chứng khoán.
Nhằm góp phần cùng cơ quan quản lý nhà nước và các thành viên thị trường thực hiện hiệu quả các nhiệm vụ trên, ngày 17/7 tại Hà Nội, Tạp chí Nhà đầu tư tổ chức Hội thảo với chủ đề: “Nâng cao nhận thức nhà đầu tư hướng tới nâng hạng thị trường chứng khoán”.
Hội thảo có sự tham dự của lãnh đạo các Ban, Bộ, ngành trung ương, chuyên gia kinh tế - tài chính, lãnh đạo các ngân hàng thương mại, công ty chứng khoán, quỹ đầu tư, tổ chức quốc tế, cơ sở đào tạo, cùng các nhà đầu tư, doanh nghiệp trong và ngoài nước.