CỔNG THÔNG TIN VÀ ĐẦU TƯ QUỐC TẾ

Nhãn chín rụng, chủ vườn rơi nước mắt

Invest Global 11:14 27/07/2021

Nhãn ngoài vườn no trái, chín mọng nhưng các chủ vườn ngồi nhìn rưng rưng nước mắt do nhãn không bán được, giá tụt thảm hại.

Tình hình vận chuyển, tiêu thụ trái cây của bà con vùng ĐBSCL những ngày gần đây đã được tháo gỡ phần nào khó khăn. Song hiện vẫn còn một số mặt hàng tồn đọng, rớt giá sâu, căng thẳng nhất là trái nhãn.

Nông dân trồng nhãn lo lắng vì đến mùa thu hoạch nhưng không có thương lái đến thu mua. Ảnh: CTV.

Kêu bán không ai mua

Đang mùa thu hoạch nhãn ở ĐBSCL, nhưng các nhà vườn không bán được nhãn. Ông Lê Văn Suốt, Giám đốc HTX Thái Thanh ở xã Thới Hưng, huyện Cờ Đỏ (TP Cần Thơ), buồn rầu cho biết: Từ khi các nhà vườn lập vườn nhãn cho tới khi nhãn cho trái bán, chưa bao giờ việc tiêu thụ trái nhãn lâm vào tình cảnh khó khăn như hiện nay.

Đầu ra không có, tiêu thụ rất khó. Nhất là từ khi hai chợ đầu mối lớn Thủ Đức và Bình Điền tại TP. HCM tạm ngưng hoạt động. Hiện mùa đang chín rộ, nhưng việc tiêu thụ qua kênh chợ truyền thống, siêu thị hay bán lẻ trong vùng số lượng không nhiều, xe tải vận chuyển cũng khó khăn hơn.

15 hộ thành viên của HTX Thái Thanh hiện có trên 85 ha nhãn Ido đang chín oằn nhánh, chờ hái. Thế nhưng dẫu có tìm nhân công hái nhãn cũng không ra trong lúc này. Người làm vườn từ các xã, phường lân cận chẳng gọi được một ai, vì sợ dịch bệnh và phải thực hiện chỉ thị giãn cách.

Tiếc của làm sao khi năm nay nhãn Ido trúng mùa 10 tấn/ha, cao hơn mấy năm trước khoảng 2 tấn/ha. Nay tới độ thu hoạch không hái kịp, trái hư rơi rụng, xót xa. Cách đây 2 tuần, giá nhãn Ido thương lái về vườn thu mua 20.000 đ/kg. Còn nay giá rớt thảm, chỉ còn 5.000 đ/kg.

Đi về xã Tân Thạnh, huyện Thới Lai (Cần Thơ), các nhà vườn trồng giống nhãn mới là thanh nhãn vốn đang “hot” trên thị trường ĐBSCL mấy năm qua, nhưng hiện thời thanh nhãn cũng lao đao.

Ông Đại Giao, Giám đốc HTX Thuận Phát (xã Tân Thạnh, huyện Thới Lai) than thở não lòng: Tuy năng suất không sánh bằng nhãn Ido nhưng thanh nhãn là giống trái ngon. HTX có 25 ha, trong đó 17 ha đang kỳ cho trái. Hai năm trước thanh nhãn có giá lên tới 90.000 - 95.000 đ/kg, vào vụ giá thấp cũng 70.000 đ/kg. HTX có ký hợp đồng trồng nhãn theo tiêu chuẩn GlobalGAP, chỉ dùng phân hữu cơ và không xịt thuốc trừ sâu, hiện giá thành đã cỡ 40.000 đ/kg.

Nông dân trồng nhãn tại TP Cần Thơ lo lắng vì tới ngày thu hoạch mà không có thương lái đến hỏi mua. Ảnh: LHV.

Trước khi thành phố Cần Thơ thực hiện Chỉ thị 15, 16 của Thủ tướng, thanh nhãn Thuận Phát có hợp đồng bán cho hệ thống siêu thị Bách Hóa Xanh. Nhưng rồi phải tạm ngưng từ 14/7 đến nay.
"Chúng tôi gọi bán qua thương lái nhưng cũng chưa thấy ai trả lời. Có lẽ thị trường vào mùa dịch Covid-19 lúc này người dân tránh dịch cần rau xanh hơn", ông Đại Giao buồn bã nói. 

 

Giá tụt thảm hại

Tại HTX Ðồng Tâm, ở xã Định Môn (huyện Thới Lai) có 200 ha nhãn Ido. Thời gian qua, việc tiêu thụ nhãn cũng hết sức chật vật. 

Khi mới thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16, HTX tồn đọng hơn 100 tấn nhãn chín treo trên cây vẫn chưa có thương lái đến thu mua. Rất may là những ngày vừa qua, chính quyền địa phương đã tạo điều kiện cho giao thương nông sản thuận lợi hơn. Đến nay, HTX đã tiêu thụ hơn 50% nhãn bị tồn đọng và dự kiến vài ngày nữa sẽ tiêu thụ dứt điểm số nhãn còn lại.

Ông Nguyễn Văn Triều, Phó Giám đốc HTX nông nghiệp Ðồng Tâm cho biết: HTX hiện có 56 xã viên trồng nhãn Ido, trong đó có 24 ha trồng nhãn theo tiêu chuẩn VietGAP.

Trước tình hình khó khăn như hiện nay, Ban Giám đốc HTX kêu gọi mỗi thành viên trong HTX dùng mạng xã hội zalo, Facebook… để đẩy mạnh quảng bá, thu hút thêm nhiều người biết đến nhằm tìm được nhiều doanh nghiệp đến thu mua nhãn. Hiện nay, nhãn Ido bán cho thương lái giá đã nhích nhẹ lên mức 8.000 đồng/kg, tăng hơn 2.000 đồng/kg so với 5 ngày trước đó.

Giá nhãn xuồng hiện chỉ còn 10.000, giảm hơn 15.000 đ/kg so với cùng kỳ năm trước. Ảnh: LHV.

Từ tháng 7 ở Sóc Trăng vào mùa thu hoạch nhãn. Ông Nguyễn Thành Phước, Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và BVTV tỉnh Sóc Trăng cho hay: Sau những ngày đầu thực hiện Chỉ thị 16, trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng có phần bối rối, chệch choạc khâu xe tải vận chuyển hàng nông sản từ vườn ra chợ, do phải thực hiện kiểm soát dịch bệnh Covid-19.

Mặt khác, do sức mua giảm, một số mặt hàng rau củ, quả, trái cây của nông dân khó tiêu thụ khiến giá giảm mạnh. So với cùng kỳ năm trước, trái cây giảm trung bình từ 2.000 - 11.500 đ/kg, rau màu giảm từ 3.000 - 13.000 đ/kg, nhất là hành tím giảm 13.000 đ/kg, ớt giảm 10.000 đ/kg...

Tuy vậy đến thời điểm này, tình hình trái cây của bà con vận chuyển, tiêu thụ được tháo gỡ phần nào khó khăn. Song hiện vẫn còn một vài mặt hàng tồn đọng, rớt giá sâu mà vẫn chưa hồi phục được. Căng thẳng nhất hiện thời vẫn là bà con chủ vườn nhãn.

Hiện nay, nhãn xuồng cơm vàng đang thu hoạch, nhưng một số huyện nhãn vẫn không có thương lái, doanh nghiệp thu mua. Giá nhãn xuồng giảm chỉ còn 10.000, giảm hơn 15.000 đ/kg so với cùng kỳ năm trước.

"Diện tích trồng nhãn của tỉnh Sóc Trăng trên 3.100 ha, sản lượng dự kiến thu từ tháng 7 đến 12 khoảng 25.000 tấn.

Bà con đang mang nỗi lo cánh cánh nhãn rơi rụng vì khó tiêu thụ. Cao điểm trong tháng 7 và tháng 8 nhãn xuồng vào mùa chín rộ.

Tình thế hiện thời, bà con chủ vườn nhãn vẫn biết trong thời gian giãn cách, rau xanh là cần thiết hơn nên lo chuyện tiêu thụ nhãn vô cùng khó khăn.

Trong khi đó tại các huyện có vùng trồng nhãn hiện có 37 vựa, cơ sở, đại lý thu mua cây ăn trái nhưng hiện chỉ còn chưa tới 15 cơ sở hoạt động thu mua và mua với số lượng rất ít". 

(Ông Nguyễn Thành Phước, Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và BVTV tỉnh Sóc Trăng). 

Ý kiến chuyên gia