CỔNG THÔNG TIN VÀ ĐẦU TƯ QUỐC TẾ
Theo thông tin từ Vinatex, xuất khẩu dệt may của Việt Nam trong tháng 4/2025 đạt 3,64 tỷ USD, tăng 15% so với cùng kỳ. Lũy kế 4 tháng đầu năm 2025, kim ngạch xuất khẩu đạt 13,9 tỷ USD tăng 11% so với cùng kỳ.
Chủ tịch HĐQT Vinatex Lê Tiến Trường cho rằng, từ nay tới 10/7, có thể Mỹ sẽ có các chính sách về thuế đối ứng tạm thời cho Việt Nam và còn phải chờ kết quả đàm phán của Bộ Công thương và Chính phủ.
Một yếu tố tích cực là tồn kho của Mỹ đang ở mức thấp, do đó các đơn hàng trong quý 3/2025 có thể vẫn tốt, nhưng quý 4/2025 có thể bị giảm khoảng 10% do nhu cầu tiêu dùng của Mỹ giảm. Ngoài ra, các chính sách đàm phán thuế quan hiện nay đang được triển khai theo nhóm mặt hàng, do đó có thể có cơ hội đối với mặt hàng dệt may của Việt Nam.
Phó Chánh VP HĐQT Vinatex Hoàng Mạnh Cầm nêu ra các lợi thế cho Việt Nam. Tồn kho thực tế tại Mỹ đang ở mức rất thấp, nhiều nhãn hàng chỉ đủ dùng cho 6-8 tuần tới, khan hiếm hàng cho mùa tựu trường và lễ hội cuối năm, thiếu hụt mạnh ở dòng hàng sweaters (áo ấm) từ Trung Quốc.
Các yếu tố khác có lợi cho Việt Nam có liên quan đến các nước cạnh tranh. Pakistan xảy ra bất ổn chính trị với Ấn Độ, trong khi đó Bangladesh gặp tình trạng về khủng hoảng năng lượng, nhiều nhà máy sợi phải đóng cửa do thiếu điện, đồng thời chính quyền của nước này cũng chưa có dấu hiệu xúc tiến đàm phán với Mỹ về thuế đối ứng.
Về thách thức, ông Cầm cho rằng các chính sách về thuế quan của Mỹ vẫn còn nhiều bất định; sức tiêu thụ tại Hàn Quốc và Trung Quốc vẫn yếu, nhu cầu giảm chưa thể phục hồi ngay; giá điện tăng từ 10/5/2025 cũng ảnh hưởng tới chi phí sản xuất cho các doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp sợi.
Cụ thể, xuất khẩu qua thị trường Trung Quốc có xu hướng giảm do thị trường này chủ yếu nhập khẩu các mặt hàng sợi để sản xuất vải. Việc căng thẳng giữa Mỹ – Trung ảnh hưởng tới các doanh n ghiệp dệt vải của quốc gia này dẫn tới nhu cầu nhập khẩu sợi bị giảm”.
Để vượt qua giai đoạn khó khăn, Chủ tịch HĐQT Vinatex Lê Tiến Trường yêu cầu các doanh nghiệp trong hệ thống của Vinatex cần nghiên cứu, sử dụng các nguồn nguyên phụ liệu trong nước khi xuất khẩu sang Mỹ. Ngoài ra, khi tình hình đơn hàng còn thuận lợi, các doanh nghiệp cần tối ưu hóa lợi nhuận, phấn đấu hoàn thành 2/3 kế hoạch lợi nhuận trong năm 2025 ngay trong 6 tháng đầu năm.
Một số doanh nghiệp chia sẻ đã nhận kín đơn hàng, bao gồm Đức Giang đang duy trì ổn định đến hết tháng 7 và hiện đang tiếp tục nhận thêm đơn hàng cho tháng 8 và tháng 9; Dệt May Miền Nam nhận đủ đơn hàng để sản xuất đến hết tháng 8; Dệt May Huế lấp đầy các đơn hàng tháng 7; May Hưng Yên đã có kế hoạch sản xuất liên tục đến khoảng trung tuần tháng 8; Dệt May Hà Nội (Hanoisimex) đã chốt xong đơn hàng tháng 7, tháng 8; May 10 đã kín đơn hàng đến hết tháng 7.
Trong năm 2024, Vinatex đạt lợi nhuận 835 tỷ đồng, tăng 55,1% so với cùng kỳ, trong khi doanh thu đạt 18.368,5 tỷ đồng, tăng 4,3%.
Cho năm 2025, Vinatex đặt mục tiêu lãi 910 tỷ đồng, tăng 9%, trong khi doanh thu giảm nhẹ 0,3% về 18,315 tỷ đồng.
Các yếu tố chính ảnh hưởng tới ngành dệt may là chính sách thuế quan của Mỹ với tâm điểm là thương chiến Mỹ-Trung Quốc, xung đột tại Trung Đông, xung đột Nga-Ukraine, thời tiết cực đoan ảnh hưởng tới chuỗi cung ứng toàn cầu.
Tại Việt Nam, các yếu tố có thể gây ra nhiều thách thức là giá điện tăng 4,8% từ 10/5, lương bình quân được dự báo tăng 6%, lao động khó tuyể dụng, tỷ giá tăng 3-3,5%.