CỔNG THÔNG TIN VÀ ĐẦU TƯ QUỐC TẾ

Những tác động trái chiều lên lãi suất cuối năm

Invest Global 09:07 16/12/2021

Nền kinh tế đang trên đà tăng tốc trước thời điểm cán đích năm 2021, cũng như đón bắt thị trường giai đoạn giáp Tết Nhâm Dần đặt ra một số dự đoán về nhu cầu vay vốn có thể tăng lên gây sức ép tăng lãi suất.

(TBTCO) - Nền kinh tế đang trên đà tăng tốc trước thời điểm cán đích năm 2021, cũng như đón bắt thị trường giai đoạn giáp Tết Nhâm Dần đặt ra một số dự đoán về nhu cầu vay vốn có thể tăng lên gây sức ép tăng lãi suất. Ở trạng thái ngược lại, Ngân hàng Nhà nước vẫn có chủ trương khuyến khích các ngân hàng tiếp tục giảm lãi suất để hỗ trợ doanh nghiệp.

Chủ trương giữ lãi suất thấp

Những thông điệp của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam gần đây cho thấy, cơ quan này vẫn tiếp tục giữ quan điểm duy trì lãi suất cho vay thấp để hỗ trợ doanh nghiệp vay vốn thúc đẩy kinh doanh. Một số giải pháp chung của ngành Ngân hàng là tăng khả năng tiếp cận vốn cho người dân. Các tổ chức tín dụng vẫn mở rộng mạng lưới, đa dạng sản phẩm dịch vụ, giảm lãi suất, đơn giản hóa thủ tục cho vay…

Những tác động trái chiều lên lãi suất cuối năm

Ông Đào Minh Tú, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước cho biết, quan điểm của ngành Ngân hàng là vẫn tiếp tục chỉ đạo các ngân hàng thương mại tiết giảm chi phí hoạt động, quan tâm dành nguồn lực để giảm lãi suất cho vay, tạo điều kiện cho người dân, doanh nghiệp được vay vốn với lãi suất hợp lý. Ngoài ra, các ngân hàng cũng được định hướng đẩy mạnh ứng dụng công nghệ trong hoạt động ngân hàng; chú trọng xây dựng mô hình hoạt động, sản phẩm dịch vụ ngân hàng thân thiện, dễ sử dụng, dễ tiếp cận với đại đa số người dân.

Một trong những động thái điều hành khác hướng tới việc giảm lãi suất là việc Thủ tướng Chính phủ vừa có quyết định việc giảm lãi suất cho vay các chương trình tín dụng chính sách tại Ngân hàng Chính sách xã hội Việt Nam. Cụ thể, mức giảm lãi suất là 10% so với lãi suất cho vay các chương trình tín dụng chính sách. Ngân hàng Chính sách xã hội tăng cường các biện pháp cân đối chi phí hoạt động để thực hiện việc giảm lãi suất cho vay trong phạm vi kế hoạch vốn cấp bù chênh lệch lãi suất và phí quản lý được giao năm 2021.

Ngoài ra, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước cũng vừa có Quyết định số 1956/QĐ-NHNN về mức lãi suất của các ngân hàng thương mại áp dụng trong năm 2022 đối với dư nợ của các khoản cho vay hỗ trợ nhà ở từ nguồn vốn tái cấp vốn của Ngân hàng Nhà nước. Theo đó, lãi suất áp dụng cho năm 2022 vẫn giữ nguyên như năm 2021, ở mức 4,8%/năm.

Manh nha áp lực tăng lãi suất

Những động thái trên cho thấy, quan điểm điều hành của Ngân hàng Nhà nước vẫn muốn hướng cho mặt bằng lãi suất cho vay xuống thấp, hoặc ít nhất là không tăng trong thời gian tới. Tuy nhiên, thực tế thị trường cũng lại phát đi một số tín hiệu cho thấy áp lực tăng lãi suất có thể xuất hiện trong thời gian tới.

Một số chuyên gia cho rằng, giai đoạn cuối năm thường là thời điểm bùng nổ nhu cầu vay vốn phục vụ sản xuất kinh doanh nên một số ngân hàng cần gia tăng huy động vốn để đáp ứng nhu cầu vay của khách hàng. Ngoài ra, việc Chính phủ yêu cầu thanh tra hoạt động phát hành trái phiếu doanh nghiệp cũng có thể khiến doanh nghiệp dè dặt hơn với kênh trái phiếu và phải tìm đến kênh tín dụng trực tiếp. Đây là những yếu tố có thể làm gia tăng nhu cầu tín dụng và ít nhiều tạo áp lực làm tăng lãi suất theo quy luật cung cầu của thị trường.

Trao đổi với phóng viên TBTCVN, ông Nguyễn Duy Thành - Trưởng phòng Phân tích, Công ty chứng khoán Pinetree cho biết, lãi suất cuối năm có thể sẽ tăng nhẹ vì giai đoạn cuối năm nhu cầu tiêu dùng cao, hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp đều đang phục hồi tốt do việc giãn cách xã hội không còn. “Có thể thấy, tăng trưởng tín dụng toàn nền kinh tế trong riêng tháng 11 tăng 1,38%; lũy kế 11 tháng đã đạt hơn 10,1%. Mức tăng trưởng tín dụng của riêng tháng 11 đã cao hơn hẳn các tháng trước, khi trong giai đoạn từ tháng 8 đến tháng 10, tăng trưởng tín dụng chỉ là 1,27%”, ông Thành nói.

Nhu cầu vốn của các ngân hàng một phần còn có thể quan sát qua động thái tăng lãi suất huy động của một số ngân hàng trong thời gian gần đây. Chẳng hạn, Ngân hàng Dầu khí toàn cầu (GPBank) đã có sự điều hành lãi suất đầu vào với mức tăng khoảng 0,5% tại một số kỳ hạn. Hiện nay, mức lãi suất cao nhất của GPBank ghi nhận tại thời hạn 13 tháng với 6,8%/năm. Tuy nhiên, GPBank vẫn để lãi suất thấp hơn ở cả các kỳ hạn dài, lãi suất các kỳ hạn từ 15 đến 36 tháng chỉ là 6,7%.

Eximbank cũng là một ngân hàng mới có sự điều chỉnh lãi suất tăng từ khoảng 0,1 đến 0,3% tùy kỳ hạn. Hiện nay, Eximbank công bố mức lãi suất kỳ hạn 12 tháng 5,7%/năm và mức 5%/năm cho kỳ hạn 6 tháng.

Theo một số nhà phân tích, việc tăng lãi suất huy động nếu lan rộng có thể sẽ tạo áp lực lớn lên lãi suất đầu ra do các ngân hàng sẽ phải cân đối chi phí hợp lý và đảm bảo lợi nhuận theo cam kết với các cổ đông. Tuy nhiên, áp lực này sẽ chỉ xuất hiện nếu động thái tăng lãi suất đầu vào tiếp tục lan rộng, nhưng thực tế hiện nay chưa có dấu hiệu cho thấy có sự lan rộng thành làn sóng tăng lãi suất huy động mà nó chỉ là động thái đơn lẻ tại một số ngân hàng.

Dự báo tăng trưởng tín dụng cả năm 2021 có thể đạt 13%

Theo dự báo của Công ty Chứng khoán SSI, tăng trưởng tín dụng trong năm 2021 sẽ đạt khoảng 13% và phù hợp với động thái nâng trần tín dụng tại một số ngân hàng thương mại gần đây từ Ngân hàng Nhà nước.

Tín dụng tiếp tục ghi nhận mức tăng tương đối mạnh trong những ngày cuối tháng 11. Chỉ trong 1 tuần cuối tháng 11, các ngân hàng thương mại đã cho vay thêm khoảng 61 nghìn tỷ đồng, gần tương đương với mức cấp tín dụng trong tháng 10 và là tín hiệu tích cực cho thấy sự phục hồi của nền kinh tế sau khi nới lỏng giãn cách.