CỔNG THÔNG TIN VÀ ĐẦU TƯ QUỐC TẾ

Ninh Thuận: Xây dựng Khu du lịch quốc gia Ninh Chữ trở thành “dải biển xanh huyền diệu”

Invest Global 09:25 24/05/2024

(Xây dựng) – Ngày 23/5, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Tường Văn đã chủ trì Hội nghị thẩm định Đồ án Quy hoạch chung xây dựng Khu du lịch quốc gia Ninh

(Xây dựng) – Ngày 23/5, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Tường Văn đã chủ trì Hội nghị thẩm định Đồ án Quy hoạch chung xây dựng Khu du lịch quốc gia Ninh Chữ, tỉnh Ninh Thuận đến năm 2045.

Ninh Thuận: Xây dựng Khu du lịch quốc gia Ninh Chữ trở thành “dải biển xanh huyền diệu” Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Tường Văn chủ trì Hội nghị (Ảnh: Dịch Phong).

Ninh Chữ trở thành Khu du lịch quốc gia vào năm 2045

Theo nội dung của Đồ án, tổng diện tích nghiên cứu, ranh giới lập quy hoạch trên đất liền khoảng 10.200ha. Các khu vực khai thác hoạt động du lịch, dịch vụ trên biển khoảng 2.000ha.

Phạm vi ranh giới lập Quy hoạch chung xây dựng Khu du lịch quốc gia Ninh Chữ là dải không gian ven biển tỉnh Ninh Thuận, bao gồm một phần ranh giới thành phố Phan Rang – Tháp Chàm và huyện Thuận Bắc, Thuận Nam, Ninh Hải, Ninh Phước.

Về mục tiêu, việc lập quy hoạch nhằm cụ thể hoá các định hướng chiến lược của Quy hoạch tỉnh Ninh Thuận thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2040, đồng thời nghiên cứu đề xuất các giải pháp quy hoạch chung cho Khu du lịch quốc gia Ninh Chữ đến năm 2045.

Trên cơ sở đó, tỉnh Ninh Thuận sẽ khai thác các giá trị và tiềm năng tổng thể để phát triển du lịch và kinh tế - xã hội. Theo đó, Khu du lịch quốc gia Ninh Chữ sẽ trở thành một trong các vùng du lịch trọng điểm quốc gia, là điểm đến hấp dẫn, khác biệt, có sức cạnh tranh cao trong khu vực, cả nước và quốc tế.

Bên cạnh đó, Đồ án quy hoạch chung xây dựng Khu du lịch quốc gia Ninh Chữ cũng là cơ sở để lập quy hoạch phân khu xây dựng, quy hoạch chi tiết xây dựng các khu vực và lập dự án đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật khung trong khu du lịch quốc gia.

Quy hoạch này sẽ giúp đáp ứng các hoạt động phát triển kinh tế vùng ven biển; Đáp ứng yêu cầu kết nối với không gian đô thị, du lịch trong vùng tỉnh Ninh Thuận và tác động của các dự án phát triển ngành; Phát triển khu du lịch đáp ứng yêu cầu về thích ứng biến đổi khí hậu; Tuân thủ yêu cầu quản lý quy hoạch, quản lý không gian kiến trúc, cảnh quan dải ven biển Ninh Thuận.

Quy hoạch cần đảm bảo nguyên tắc phát triển Khu du lịch quốc gia Ninh Chữ gắn với đảm bảo an ninh, quốc phòng; trọng tâm là ổn định an ninh chính trị, an sinh xã hội, nâng cao đời sống vật chất – tinh thần cho người dân, giữ gìn bản sắc văn hóa đặc trưng của các dân tộc, đảm bảo môi trường sinh thái, bảo tồn đa dạng sinh học.

Đến năm 2045, Khu du lịch Ninh Chữ sẽ trở thành Khu du lịch quốc gia, thu hút khách du lịch, nhà đầu tư, dân cư và nhân lực chất lượng cao. Các ngành kinh tế biển đóng góp trên 60% GRDP (tổng sản phẩm trên địa bàn) của vùng. Đồ án quy hoạch dự báo, đến năm 2025, khu du lịch sẽ có quy mô dân số khoảng 243.000 người, đón khoảng 6 triệu lượt khách. Đến năm 2045, quy mô dân số khoảng 299.800 người, đón khoảng 10 triệu lượt khách.

Về tính chất, Khu du lịch Ninh Chữ sẽ là khu du lịch quốc gia, có vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, đặc biệt là phát triển ngành Du lịch cho tỉnh Ninh Thuận nói riêng và khu vực Nam Trung bộ nói chung.

Ninh Thuận: Xây dựng Khu du lịch quốc gia Ninh Chữ trở thành “dải biển xanh huyền diệu” Phó Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Thuận Lê Huyền phát biểu tại Hội nghị. (Ảnh: Dịch Phong).

5 trụ cột, 8 phân khu

Theo phân tích của đơn vị tư vấn, Khu du lịch Ninh Chữ là một khu du lịch vô cùng độc đáo và đặc biệt, rất khó gặp ở bất kỳ nơi nào khác tại Việt Nam. Chiến lược phát triển của khu du lịch sẽ dựa trên 5 trụ cột chính, bao gồm: Kinh tế biển xanh, nét đẹp của văn hóa địa phương, cảnh quan tự nhiên, khu nghỉ dưỡng đẳng cấp, công nghệ xanh thông minh (năng lượng xanh từ gió và mặt trời). Đó sẽ là cơ sở để xây dựng Khu du lịch Ninh Chữ trở thành “dải biển xanh huyền diệu”.

Cấu trúc không gian khu du lịch dựa trên trục xương sống ven biển, tuyến đường chia tách giữa các khu du lịch và Khu bảo tồn quốc gia Núi Chúa, các tuyến giao thông nhánh kết nối các khu du lịch, các đô thị và khu vực công cộng.

Tổng thể toàn dãy ven biển Ninh Chữ được phân bổ thành 8 phân khu theo tính chất đặc trưng từng khu vực. Phân khu 1 là khu nghỉ dưỡng cao cấp từ Bình Tiên đến Bãi Thùng có diện tích 438,72ha; dân số khoảng 6.965 người (2045). Phân khu này có định hướng phát triển thành một khu vực du lịch, nghỉ dưỡng cao cấp ở phía Bắc, đồng thời phát triển hệ thống hạ tầng thương mại dịch vụ đồng bộ, xuyên suốt.

Phân khu 2 là vịnh Vĩnh Hy và khu bảo tồn Núi Chúa có diện tích 1.129,80ha; dân số khoảng 12.443 người (năm 2045). Khu vực này có định hướng phát triển theo chủ đề biển cả, hải sản và những hình ảnh sinh hoạt gần gũi, giản dị; Khai thác các hoạt động du lịch cộng đồng (làng bích họa, homestay, trải nghiệm làng chài...); Cung đường leo núi, khám phá hệ thực vật hoang sơ.

Phân khu 3 là khu vực bảo tồn sinh thái cảnh quan tự nhiên và vườn nho Thái An có diện tích 1.118,44ha; dân số khoảng 7.182 người (năm 2045). Khu vực này có định hướng phát triển bền vững du lịch nông nghiệp, du lịch sinh thái; Khoanh vùng và bảo vệ khu rùa đẻ, đề xuất bảo tồn loài rùa biển.

Phân khu 4 là khu du lịch trải nghiệm kết hợp thể thao và Khu đô thị Thanh Hải có diện tích: 1.958,07ha; dân số khoảng 56.502 người (năm 2045). Khu vực này sẽ phát triển đô thị Thanh Hải theo định hướng chương trình phát triển đô thị của tỉnh, kết hợp với du lịch trải nghiệm (khu ruộng muối, khu san hô, khu lướt sóng diều…).

Phân khu 5 là khu dải ven biển thành phố Phan Rang – Tháp Chàm và Đầm Nại có diện tích 2.900,31ha, dân số khoảng 127.973 người (năm 2045). Khu vự này sẽ ưu tiên phát triển loại hình du lịch khám phá, du lịch văn hóa, sinh thái, nghỉ dưỡng.

Phân khu 6 là khu vực Nam sông Dinh có diện tích1.321,38ha; dân số khoảng 42.681 người (năm 2045). Khu vực này sẽ phát triển đô thị Sơn Hải theo định hướng Chương trình phát triển đô thị của tỉnh, đồng thời tiếp tục phát triển các hoạt động nuôi trồng, nhân giống thủy hải sản, khai thác du lịch tại các khu vực có cảnh quan độc đáo như cánh đồng điện gió, cánh đồng rong biển.

Phân khu 7 là khu vực đồi cát Mũi Dinh có diện tích 972,22ha; Dân số khoảng 44.353 người (năm 2045). Khu vực này có định hướng phát triển cụm tổ hợp du lịch dịch vụ gắn với đồi cát. Phân khu 8 là khu vực đường ven biển phía Nam Ninh Thuận có diện tích: 361,35ha; Dân số khoảng 1.701 người (năm 2045). Khu vực này sẽ bảo tồn và phát triển tuyến đường cảnh quan ven biển, hạn chế xây dựng mới.

Bổ sung căn cứ pháp lý, xác định đúng tính chất của khu du lịch

Đóng góp ý kiến cho Đồ án Quy hoạch chung xây dựng Khu du lịch quốc gia Ninh Chữ, các thành viên Hội đồng thẩm định nhận xét, Đồ án có chất lượng tốt, hồ sơ đầy đủ, nội dung bám sát Nhiệm vụ đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, đảm bảo trình tự thủ tục và các quy định pháp luật, có tiếp thu ý kiến đóng góp của các Bộ, ngành.

Ninh Thuận: Xây dựng Khu du lịch quốc gia Ninh Chữ trở thành “dải biển xanh huyền diệu” Toàn cảnh Hội nghị thẩm định Đồ án Quy hoạch chung xây dựng Khu du lịch quốc gia Ninh Chữ, tỉnh Ninh Thuận đến năm 2045 (Ảnh: Dịch Phong).

Hội đồng thẩm định nhất trí Đồ án quy hoạch đủ điều kiện trình Thủ tướng Chính phủ xem xét phê duyệt, sau khi tiếp thu ý kiến đóng góp của các Bộ, ngành. Trong đó, Vụ Quy hoạch – Kiến trúc (Bộ Xây dựng) cho rằng, Quy hoạch chung xây dựng khu du lịch quốc gia Ninh Chữ cần bổ sung tính liên kết với Quy hoạch vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải miền Trung thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Quy hoạch cũng phải làm rõ hiện trạng sử dụng đất và dự báo quy mô sử dụng đất cho giai đoạn 2035 – 2045, rà soát lại phạm vi nghiên cứu và lập quy hoạch, bổ sung nội dung khai thác mặt biển để phát triển khu du lịch, bổ sung tính chất an ninh – quốc phòng, xem lại dự báo lượng khách du lịch phù hợp với quy mô cơ sở lưu trú…

Hai chuyên gia phản biện Đỗ Tú Lan và Trần Anh Tuấn lưu ý về các nội dung như xem lại dự báo về quy mô dân số và khách du lịch, đề xuất các chỉ tiêu có tính đặc thù, làm rõ về không gian du lịch cộng đồng, làm rõ về kết nối giao thông và phát triển giao thông công cộng, bổ sung quy hoạch quản lý nước thải, bổ sung cập nhật hiện trạng đến năm 2022…

Bộ Tài chính đề nghị bổ sung nội dung tăng cường bảo vệ môi trường, làm rõ tổng mức đầu tư và phân kỳ các dự án ưu tiên đầu tư, rà soát nguồn lực thực hiện quy hoạch.

Bộ Công an lưu ý, quy hoạch cần bổ sung quy hoạch và hiện trạng sử dụng đất an ninh, đảm bảo hài hòa lợi ích cho các dân tộc thiểu số trên địa bàn; không phát triển du lịch tới các đảo Bình Ba, Bình Hưng vì lý do an ninh – quốc phòng…

Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đề nghị cơ quan lập quy hoạch và đơn vị tư vấn phải xác định đúng đối tượng quy hoạch, đánh kỹ các tài nguyên du lịch tự nhiên, từ đó xây dựng được các sản phẩm du lịch đặc thù, làm rõ quan điểm và tính chất phát triển của khu du lịch.

Thay mặt chính quyền địa phương, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Thuận Lê Huyền đã tiếp thu ý kiến đóng góp của Hội đồng thẩm định và cam kết sẽ chỉ đạo cơ quan lập quy hoạch nghiêm túc tiếp thu, hoàn thiện Đồ án.

Ninh Thuận: Xây dựng Khu du lịch quốc gia Ninh Chữ trở thành “dải biển xanh huyền diệu” Vịnh Vĩnh Hy - Ninh Thuận nhìn từ trên cao (Ảnh: Nguyễn Văn Quang).

Kết luận Hội nghị, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Tường Văn đánh giá Đồ án Quy hoạch chung xây dựng Khu du lịch quốc gia Ninh Chữ đã bám sát nội dung của Nhiệm vụ quy hoạch được phê duyệt, đảm bảo phạm vi, ranh giới và quy mô lập quy hoạch. Đồ án cũng phát hiện được các đặc thù, đặc trưng của khu du lịch để xác định rõ tính chất và chiến lược phát triển của khu du lịch.

Mặc dù vậy, Thứ trưởng vẫn yêu cầu cơ quan lập quy hoạch phải nghiêm túc rà soát, tiếp thu ý kiến góp ý của các Bộ, ngành. Đồ án phải rà soát kỹ căn cứ pháp lý, đặc biệt là Quy hoạch tổng thể phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 và các quy hoạch vùng, quy hoạch tỉnh.

Đồ án cũng phải đánh giá kỹ hiện trạng tài nguyên du lịch, hạ tầng giao thông, cấp thoát nước, điện…; Rà soát danh mục các dự án ưu tiên đầu tư; Xác định rõ tính chất của hệ thống đô thị; Bổ sung tính chất an ninh – quốc phòng; Rà soát chỉ tiêu sử dụng đất đai, từ đó bố trí quỹ đất hợp lý.

Ngoài ra, Thứ trưởng cũng lưu ý các nội dung về khai thác không gian mặt biển, định hướng phát triển không gian, tổ chức không gian các phân khu… Thứ trưởng yêu cầu cơ quan lập quy hoạch sớm tiếp thu các ý kiến để hoàn thiện hồ sơ, dự thảo Quyết định trình Thủ tướng Chính phủ xem xét phê duyệt.

Thông tin Doanh nghiệp