CỔNG THÔNG TIN VÀ ĐẦU TƯ QUỐC TẾ

Nỗi lo chăn nuôi nội ngày càng lép vế so với FDI

Invest Global 08:23 31/10/2022

Thời gian gần đây, nhiều doanh nghiệp trong nước đã đầu tư xây dựng nhà máy, phát triển các chuỗi liên kết trong ngành chăn nuôi, tuy nhiên so với khối ngoại thì vẫn còn khiêm tốn, nếu không muốn nói là lép vế. Các doanh nghiệp FDI với tiềm lực mạnh đang dần chiếm lĩnh thị phần cả trong nước và xuất khẩu.

Vừa qua, thị trường thịt heo được “hâm nóng” bởi sản phẩm như “heo ăn chuối” của Hoàng Anh Gia Lai, “heo ăn chay” của BaF lần lượt đưa ra thị trường. Để đo được hiệu quả của các sản phẩm trên thì chắc cần phải chờ thêm thời gian, nhưng một điều chắc chắn giá của “heo ăn chuối”, “heo ăn chay” đang bán cao hơn so với các sản phẩm cùng loại.

'Sức hút' của thịt heo nội

Cụ thể, sản phẩm thịt heo ăn chuối của Hoàng Anh Gia Lai dao động từ 91.000 - 230.000 đồng/kg, xương khoảng 55.000 - 121.500 đồng/kg. Trong khi đó, về chi phí, ông Đoàn Nguyên Đức, Chủ tịch Hoàng Anh Gia Lai từng cho biết khoảng 200.000 tấn chuối không đảm bảo tiêu chuẩn xuất khẩu của doanh nghiệp sẽ được sấy khô, nghiền thành bột và phối trộn với đạm thực vật làm thức ăn cho heo. Việc này giúp chi phí nuôi heo của Hoàng Anh Gia Lai chỉ khoảng 38.000 đồng/kg.

-4247-1666949007.jpg

Ngành chăn nuôi vẫn đang phụ thuộc khá lớn vào khu vực FDI.

Còn theo ông Trương Sỹ Bá, Chủ tịch BaF, giá thành sản xuất thức ăn chăn nuôi của doanh nghiệp có tăng vài %, song nhờ tối ưu công nghệ và quản trị, giá thành không chênh lệch nhiều so với thức ăn hỗn hợp.

Bên cạnh đó, doanh nghiệp này có thể tận dụng một phần phụ phẩm từ Công ty CP Tập đoàn Tân Long (doanh nghiệp chuyên về xuất khẩu gạo do ông Trương Sỹ Bá làm chủ) giúp giảm giá thành sản xuất. Trong khi đó, giá bán của thịt heo ăn chay sẽ cao hơn 5-10% so với ngoài chợ nhưng cạnh tranh trực tiếp được với các sạp hàng.

Vì vậy, ông Dương Tất Thắng, Cục trưởng Cục Chăn nuôi, cho rằng ngành chăn nuôi còn nhiều dư địa phát triển bởi có thị trường tiêu thụ lớn với hơn 100 triệu dân, lại gần với thị trường Trung Quốc, nhưng để đạt tầm khu vực và thế giới thì còn nhiều hạn chế. Thời gian qua, nhiều doanh nghiệp đầu tư vào chăn nuôi, từ khoa học công nghệ, giống, thức ăn chăn nuôi đến xử lý môi trường, tuy nhiên các khó khăn lớn nhất vẫn còn, nhất là nút thắt cung - cầu làm hạn chế sự phát triển của ngành.

Theo ông Thắng, yêu cầu xây dựng ngành chăn nuôi cần chú trọng chất lượng giá trị đáp ứng nhu cầu ăn ngon, ăn sạch ngày càng cao. Việc này đòi hỏi cần xây dựng chuỗi giá trị ngành hàng chăn nuôi chất lượng, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, vệ sinh môi trường, kinh tế tuần hoàn theo hướng sinh thái xanh, bền vững theo chuỗi.

Thời gian vừa qua, nhiều doanh nghiệp trong nước đã đầu tư vào ngành chăn nuôi, tuy vậy nếu so sánh thì khối nội vẫn còn khiêm tốn so với các "ông lớn" ngoại. Theo Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến, ngành chăn nuôi nước ta còn gặp những thách thức về dịch bệnh truyền nhiễm, biến đổi khí hậu và thiên tai, biến động thị trường nguyên liệu thức ăn chăn nuôi, biến động thị trường sản phẩm… Đặc biệt là sự chênh lệch giữa doanh nghiệp có vốn FDI và doanh nghiệp trong nước.

Thực tế, những doanh nghiệp FDI như De Heus, C.P, Greenfeed, Japfa, New Hope... đã và đang có những dự án đầu tư với số lượng vốn rất lớn vào hoạt động sản xuất, chế biến sản phẩm chăn nuôi. Đặc biệt, C.P đang nắm giữ thị phần khá lớn trong ngành chăn nuôi, khi xuất bán mỗi năm hơn 5 triệu con heo thịt, hơn 200 triệu quả trứng và hơn 80.000 tấn gà thịt, chiếm 19,5% tổng sản lượng heo thịt và 4% tổng sản lượng thịt gà của Việt Nam.

Cần tăng cường kết nối, hợp tác

So với tổng đàn heo cả nước khoảng 26,17 triệu con, ước tính cứ 5 con heo bán ra thị trường có 1 con heo của C.P. Với 16 nhà máy thức ăn chăn nuôi hiện đại đã được C.P đầu tư tại Việt Nam, sản lượng thức ăn chăn nuôi của C.P cũng chiếm 25% tổng sản lượng thức ăn chăn nuôi tại Việt Nam.

Năm 2020-2022 là giai đoạn khó khăn đối với ngành chăn nuôi Việt Nam, nhưng cũng chính là giai đoạn đặc biệt thăng hoa với ngành ở lĩnh vực thu hút đầu tư FDI, với mức đầu tư lớn chưa từng có trong ngành. Báo cáo của Tổng cục Thống kê cho thấy, ngân sách đầu tư từ khối FDI hàng năm lên tới gần 4 tỷ USD. Nhóm này cũng là động lực xuất siêu chính của toàn ngành nông nghiệp, trong khi khối nội lại đang trong cảnh nhập siêu.

Hay với ngành gia cầm, ông Nguyễn Thanh Sơn, Chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi gia cầm bày tỏ thời gian qua, Hiệp hội đã rất tích cực thúc đẩy giao thương, bàn với doanh nghiệp phát triển thị trường trong và ngoài nước; tham gia xây dựng thương hiệu và danh tiếng ngành hàng, như gà Minh Dư, Cao Khanh, trứng San Hà, trứng Omega của Dabaco, trứng gà Ba Huân…

Tuy nhiên, trước yêu cầu xây dựng chuỗi giá trị ngành hàng thịt heo, thịt bò, thịt gia cầm, trứng, sữa…, ông Sơn cũng bày tỏ băn khoăn không biết vai trò ngành hàng đứng ở đâu?

"Chúng ta cần xác định ngành hàng nào là chủ lực trong 10-20 năm tới. Vai trò các chủ thể tham gia như thế nào (doanh nghiệp, nông dân, chủ trang trại, HTX...), kèm với đó là xác định được quy mô sản xuất, tiêu thụ ở đâu? Hiện nay, các doanh nghiệp vừa và nhỏ rất lo ngại khi ngày càng lép vế so với doanh nghiệp ngoại. Các doanh nghiệp FDI với tiềm lực mạnh đang dần chiếm lĩnh thị phần cả trong nước và xuất khẩu", ông Sơn thẳng thắn nói.

Do đó, Chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi gia cầm kiến nghị Bộ NN&PTNT cần tạo cơ chế thuận lợi cho các hiệp hội ngành hàng, doanh nghiệp phát triển tương xứng. Khi chưa có luật về hiệp hội ngành hàng, đề nghị Bộ ban hành quy chế, cơ chế làm việc với các hiệp hội trong lĩnh vực nông nghiệp.

Hàng quý, Bộ và các đơn vị họp với hiệp hội ngành hàng để đánh giá kết quả sản xuất kinh doanh, có số liệu chính xác, qua đó lắng nghe kiến nghị của cộng đồng doanh nghiệp. Giải quyết các thủ tục hành chính nhanh gọn hơn; quan tâm, quyết liệt hơn nữa để doanh nghiệp nội đủ sức cạnh tranh với doanh nghiệp FDI...

Trước kiến nghị của doanh nghiệp, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến nhấn mạnh cần tạo lập hệ sinh thái giữa cơ quan quản lý và hiệp hội nhằm cùng nhau xây dựng chuỗi giá trị ngành chăn nuôi. Đồng thời, ông Tiến đề nghị các doanh nghiệp sản xuất cùng nhóm mặt hàng, các doanh nghiệp thuộc cùng chuỗi giá trị tăng cường kết nối, hợp tác, thực hiện bằng được mục tiêu đề ra trong chiến lược phát triển ngành.

Nhật Linh

Doanh nghiệp - Doanh nhân