CỔNG THÔNG TIN VÀ ĐẦU TƯ QUỐC TẾ

Phát triển sản phẩm từ quất: Hướng đi mới cho nông sản vùng cao

Invest Global 09:09 14/07/2025

Chuyển đổi từ trồng lúa sang trồng và chế biến sâu quất giúp nâng giá trị nông sản, tạo sinh kế ổn định, mở rộng thị trường tiêu thụ bền vững.

Tạo giá trị gia tăng từ chế biến sâu

Tại xã Bảo Thắng (tỉnh Lào Cai), nhiều diện tích đất nông nghiệp trước đây canh tác lúa kém hiệu quả, do địa hình cao và thiếu nước, đã được người dân mạnh dạn chuyển đổi sang trồng cây quất lấy quả. Mô hình mới bước đầu cho thấy hiệu quả kinh tế rõ rệt, mở ra hướng đi bền vững cho vùng đất vốn nhiều khó khăn về điều kiện canh tác.

Cây quất phù hợp với thổ nhưỡng, ít sâu bệnh, dễ chăm sóc và đặc biệt cho giá trị thu hoạch cao hơn hẳn so với lúa. Mỗi ha quất mang lại nguồn thu gấp 2 - 3 lần so với trồng lúa truyền thống. Đây là yếu tố quan trọng thúc đẩy nhiều hộ dân mở rộng diện tích trồng, hình thành vùng trồng tập trung ngay trên đất ruộng và đất vườn kém hiệu quả trước đó.

Mô hình trồng và chế biến quất cũng góp phần giải quyết bài toán việc làm tại chỗ cho người dân địa phương. Ảnh: Kim Thoa

Mô hình trồng và chế biến quất cũng góp phần giải quyết bài toán việc làm tại chỗ cho người dân địa phương. Ảnh: Kim Thoa

Thay vì chỉ dừng lại ở việc bán quả tươi cho thương lái như trước, người dân địa phương hiện đã chủ động nghiên cứu chế biến sâu các sản phẩm từ quả quất. Từ nguyên liệu sẵn có, nhiều sản phẩm được sản xuất như siro quất gừng mật ong, ô mai quất, nước chấm quất sả ớt… Những sản phẩm này không chỉ gia tăng giá trị mà còn giúp kéo dài thời gian bảo quản, mở rộng biên độ thị trường và thích nghi tốt hơn với nhu cầu tiêu dùng hiện đại.

Quy trình chế biến được thực hiện theo hướng thủ công kết hợp công nghệ đơn giản, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm. Đặc biệt, phần lớn sản phẩm không sử dụng phụ gia hay chất bảo quản, giữ nguyên hương vị tự nhiên và màu sắc nguyên bản của quả quất, nhờ đó được thị trường đón nhận tích cực.

Thị trường tiêu thụ rộng mở, nhu cầu tăng cao

Các sản phẩm chế biến từ quất không chỉ phục vụ thị trường nội tỉnh mà còn dần tiếp cận các tỉnh thành khác thông qua hội chợ nông sản, kết nối cung cầu, cửa hàng đặc sản và kênh tiêu thụ online. Nhu cầu đối với thực phẩm thiên nhiên, sản phẩm thủ công, không hóa chất đang gia tăng nhanh chóng, tạo điều kiện thuận lợi cho các dòng sản phẩm này thâm nhập sâu vào thị trường tiêu dùng.

Bên cạnh đó, thị trường quất tươi cũng có nhiều tiềm năng. Với sản lượng trung bình từ 30 - 40 tấn mỗi năm, quất tươi được tiêu thụ chủ yếu qua các thương lái và chợ đầu mối, phục vụ cả mục đích ăn uống, chế biến và làm cảnh. Việc phát triển thị trường theo hướng đa kênh vừa bán tươi, vừa chế biến sâu giúp người trồng linh hoạt hơn trong tiêu thụ và hạn chế phụ thuộc vào thương lái.

Mô hình trồng và chế biến quất cũng góp phần giải quyết bài toán việc làm tại chỗ cho người dân địa phương. Tại các vùng chuyên canh quất, thường xuyên có từ 5 - 7 lao động làm việc ổn định, vào vụ cao điểm có thể lên đến hơn 10 người/vườn. Thu nhập bình quân mỗi người đạt từ 9 - 10 triệu đồng/tháng mức đáng kể trong bối cảnh nông thôn hiện nay.

Người lao động chủ yếu tham gia vào các công đoạn như làm cỏ, thu hái, sơ chế và đóng gói sản phẩm. Việc ứng dụng canh tác theo hướng hữu cơ không phun thuốc, sử dụng phân sinh học, chăm sóc thủ công vừa tạo công ăn việc làm thường xuyên, vừa giúp sản phẩm giữ được chất lượng tự nhiên, thân thiện với môi trường.

Chính quyền địa phương hiện đang xây dựng kế hoạch nhân rộng diện tích trồng quất và hỗ trợ người dân trong quá trình sản xuất - chế biến - tiêu thụ. Việc liên kết các hộ sản xuất để hình thành tổ hợp tác, hợp tác xã hoặc chuỗi liên kết giá trị là mục tiêu then chốt nhằm đảm bảo nguồn cung ổn định, tăng cường sức cạnh tranh và tạo điều kiện mở rộng thị trường bền vững.

Đồng thời, địa phương cũng đặt mục tiêu đẩy mạnh xúc tiến thương mại, quảng bá sản phẩm từ quất thông qua các hội chợ chuyên ngành, kênh phân phối hiện đại và nền tảng thương mại điện tử. Việc nâng cấp bao bì, cải tiến mẫu mã và đầu tư vào xây dựng thương hiệu đang được khuyến khích nhằm nâng tầm giá trị cho dòng sản phẩm nông nghiệp đặc trưng vùng cao.

Từ một loại cây ăn quả thông dụng, cây quất đang từng bước trở thành tâm điểm trong chiến lược phát triển nông nghiệp hàng hóa tại xã Bảo Thắng. Nhờ sự chuyển hướng sang chế biến sâu, liên kết thị trường và đầu tư vào chất lượng sản phẩm, cây quất không chỉ giúp tăng thu nhập cho người dân mà còn mở ra con đường phát triển kinh tế nông thôn bền vững, gắn với nhu cầu tiêu dùng hiện đại và hướng tới các thị trường lớn trong tương lai.