CỔNG THÔNG TIN VÀ ĐẦU TƯ QUỐC TẾ

Phương thức điện tử tạo bước cải cách đột phá cho ngành Hải quan

Invest Global 09:28 31/05/2023

Bằng nhiều nỗ lực, cho đến nay, 100% thủ tục hải quan cơ bản đã được tự động hóa; 100% cục hải quan, chi cục hải quan thực hiện thủ tục hải quan điện tử với 99,65% doanh nghiệp tham gia. Nhờ đó, tạo hiệu ứng kép trong việc nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước về hải quan, đồng thời tạo thuận lợi cho doanh nghiệp xuất nhập khẩu trong việc hoàn thành thủ tục hải quan.

(TBTCO) - Bằng nhiều nỗ lực, cho đến nay, 100% thủ tục hải quan cơ bản đã được tự động hóa; 100% cục hải quan, chi cục hải quan thực hiện thủ tục hải quan điện tử với 99,65% doanh nghiệp tham gia. Nhờ đó, tạo hiệu ứng kép trong việc nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước về hải quan, đồng thời tạo thuận lợi cho doanh nghiệp xuất nhập khẩu trong việc hoàn thành thủ tục hải quan.

Phương thức điện tử tạo bước cải cách đột phá cho ngành Hải quan Cán bộ Cục Hải quan Bình Dương hỗ trợ doanh nghiệp thực hiện thủ tục nhập khẩu. Ảnh: PHI VŨ

Thay đổi căn bản phương thức quản lý

Những năm qua, lưu lượng hàng hóa và số lượng tờ khai xuất nhập khẩu tăng rất mạnh. Từ năm 2011 - 2022, số lượng tờ khai xuất nhập khẩu tăng gấp 314% (từ 4,63 triệu tờ khai lên 14,55 triệu tờ khai). Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu tăng gấp 358,5% (203,7 tỷ USD lên 730,28 tỷ USD). Qua đó, số thu ngân sách của ngành Hải quan cũng tăng, gấp 201,5% (từ 217 nghìn tỷ đồng lên 437 nghìn tỷ đồng).

Để đáp ứng được tốc độ gia tăng này trong khi biên chế hầu như không tăng, ngành Hải quan đã không ngừng nỗ lực, tập trung và tranh thủ các nguồn lực vào công tác cải cách hiện đại hóa quy trình nghiệp vụ hải quan, ứng dụng công nghệ thông tin và đổi mới phương thức quản lý, làm giảm thời gian và chi phí thực hiện thủ tục hải quan, tạo thuận lợi cho hoạt động thương mại quốc tế, góp phần quan trọng nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về hải quan.

Nổi bật trong đó chính là việc thủ tục hải quan căn bản đã chuyển đổi từ phương thức thủ công sang phương thức điện tử, phù hợp với chuẩn mực và thông lệ quốc tế. Điều đó thể hiện trên các phương diện như loại bỏ các yêu cầu cung cấp thông tin, chứng từ trùng lắp, chồng chéo; phân định rõ thủ tục và các chế độ quản lý hải quan trên cơ sở khuyến nghị và chuẩn mực của Công ước Kyoto sửa đổi; hài hòa hóa các thủ tục và chế độ hải quan có chung nội dung, bản chất về một thủ tục, chế độ quản lý chuẩn mực trên cơ sở khuyến nghị của Công ước Kyoto sửa đổi.

Đồng thời, 100% các quy trình thủ tục hải quan cơ bản đã được tự động hóa từ khâu khai báo thông tin trước khi hàng hóa đến cửa khẩu

(E- Manifest), thanh toán thuế điện tử (e-Payments); cấp Giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa, giấy phép xuất nhập khẩu thực hiện qua Cơ chế một cửa quốc gia và Cơ chế một cửa ASEAN (e-C/O, e-Permits), giám sát tự động (VASSCM). Về cơ bản, các quy trình điện tử đã bao phủ toàn bộ các hoạt động nghiệp vụ của ngành Hải quan, từ khi phương tiện vận tải hàng hóa đến cửa khẩu, đến khi hàng hóa đưa vào khu vực kho bãi cảng, trong suốt quá trình lưu giữ đến khi thông quan, đưa ra khỏi khu vực giám sát.

Ông Âu Anh Tuấn - Cục trưởng Cục Giám sát quản lý về hải quan (Tổng cục Hải quan) cho biết, Hệ thống thông quan điện tử cho phép doanh nghiệp thực hiện thủ tục hải quan, thủ tục thuế 24/7, mọi lúc mọi nơi và hướng tới hải quan phi giấy tờ. Đến thời điểm hiện tại, 100% thủ tục hải quan đã thực hiện điện tử, chiếm 99% kim ngạch xuất nhập khẩu. 65% số lượng tờ khai được hệ thống hải quan phân luồng xanh với thời gian thông quan chỉ 1-3 giây, 30% luồng vàng. Như vậy, theo ông Tuấn, việc thực hiện thủ tục của trên 95% tổng số tờ khai xuất nhập khẩu đã không còn sự tiếp xúc, làm việc trực tiếp giữa doanh nghiệp và công chức hải quan.

Tiết kiệm thời gian, chi phí cho doanh nghiệp

Việc triển khai thủ tục hải quan điện tử đã tạo ra bước cải cách đột phá, thay đổi toàn diện phương thức khai, nộp hồ sơ hải quan từ thủ công sang điện tử, việc xử lý phản hồi của cơ quan hải quan cho doanh nghiệp cũng thực hiện thông qua hệ thống điện tử, tạo thuận lợi lớn cho hoạt động xuất nhập khẩu, giảm thiểu chứng từ, giấy tờ và đơn giản hóa hồ sơ hải quan trong các khâu, các bước thực hiện thủ tục hải quan, giảm bớt sự tiếp xúc giữa công chức hải quan và doanh nghiệp, hạn chế các phiền hà, tiêu cực, sách nhiễu, giảm thời gian và chi phí cho doanh nghiệp.

Theo bà Nguyễn Thị Việt Hoa - Giám đốc mua hàng, Công ty CP Tân Vĩnh Cửu (Đồng Nai), doanh nghiệp đã đầu tư tại Đồng Nai được 18 năm, chuyên nhập khẩu gỗ hợp pháp và chế biến, xuất khẩu tới thị trường châu Âu. Vì vậy, phải xử lý rất nhiều thủ tục về xuất nhập khẩu. “Trước đây, công việc này tiêu tốn không ít thời gian của doanh nghiệp. Thông quan lâu thì phải mất chi phí lưu container, lưu bãi ngoài cảng. Điều đó ảnh hưởng trực tiếp đến giá vốn, giá đầu ra của nguồn nguyên liệu. Vấn đề nữa là đối với gỗ, nếu thời gian lưu ngoài cảng lâu thì chất lượng sẽ giảm sút, khi đó giá đầu ra cũng sẽ bị giảm. Hiện tại, thông quan rất nhanh, thủ tục rất thuận lợi, tạo điều kiện cho doanh nghiệp kinh doanh sản xuất tốt” - bà Hoa chia sẻ.

Có cùng đánh giá, ông Nguyễn Thế Hoạt - Phụ trách xuất nhập khẩu Công ty TNHH Yazaki Hải Phòng cho hay, thông quan xuất nhập khẩu theo phương pháp thủ công như ngày trước sẽ khiến doanh nghiệp phải chờ nhiều giờ đồng hồ cho 1 bộ hồ sơ. Song, hiện nay, với lô hàng luồng xanh, chỉ mất mấy giây là có thể thông quan xong. Thời gian thông quan của Việt Nam đối với các tờ khai luồng xanh hoàn toàn có thể cạnh tranh với các nước tiên tiến.

Đối với công tác quản lý nhà nước về hải quan, có thể nói, việc thực hiện thủ tục hải quan điện tử thông qua VNACCS/VCIS đã mang lại hiệu quả to lớn, giúp nâng cao năng lực quản lý nhà nước về hải quan; áp dụng phương pháp quản lý hải quan tiên tiến và hiện đại vào điều kiện cụ thể của Việt Nam, góp phần quan trọng vào việc hiện đại hóa công tác quản lý hải quan, thu nộp thuế, giảm thiểu tình trạng cưỡng chế thuế không chính xác, giảm thời gian thông quan của doanh nghiệp.

Đẩy mạnh cải cách để bắt nhịp những thách thức từ thế giới

Theo ông Đậu Anh Tuấn - Phó Tổng Thư ký kiêm Trưởng Ban Pháp chế, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, hiện nay, xuất nhập khẩu cũng như nền kinh tế đang phải đối mặt với những thách thức rất lớn từ thế giới. Trong bối cảnh đó, các cải cách của Việt Nam cần phải đẩy mạnh hơn nữa, đặc biệt là các cải cách về thông quan hàng hóa xuất nhập khẩu./.