CỔNG THÔNG TIN VÀ ĐẦU TƯ QUỐC TẾ

Quán quân Startup Việt 2022 lên Shark Tank gọi vốn, kết cục ra về tay trắng: Mức định giá 4,5 triệu USD bị các Shark chê quá cao!

Invest Global 10:21 24/10/2023

Năm ngoái, vượt qua 330 đối thủ, startup học tiếng Anh eJOY đã lên ngôi vô địch cuộc thi Startup Việt 2022. Năm nay, trong tập 4 chương trình Shark Tank Việt Nam, Startup đã "trắng tay" khi rời khỏi bể cá mập.

Nghỉ việc tại ngân hàng Đức, chị Bùi Thị Hoàng Điệp (hay gọi là Điệp Bùi) cùng chồng vốn là một kỹ sư công nghệ tại VNG khởi nghiệp với eJOY, một công cụ học tiếng Anh và kiến thức.

Chị Điệp Bùi cho biết, eJOY hiện là công cụ duy nhất trong kho ứng dụng của Chrome có thể tích hợp vào các website video và các website Tech để có thể dịch video và tra từ ngay trên video giúp tiết kiệm thời gian và tăng hiệu quả cho người học. eJPOY sử dụng AI dịch từ "voice" sang "text", sau đó giải thích ngữ nghĩa của từ.

Năm 2022, eJOY đã vượt qua 330 đối thủ và lên ngôi vô địch cuộc thi Startup Việt 2022, sự kiện thường niên tổ chức từ năm 2016 nhằm tìm kiếm các dự án khởi nghiệp tiềm năng tại Việt Nam.

Quán quân Startup Việt 2022 lên Shark Tank gọi vốn, kết cục ra về tay trắng: Mức định giá 4,5 triệu USD bị các Shark chê quá cao! - Ảnh 1.

CEO Bùi Thị Hoàng Điệp của eJOY

Thành lập từ năm 2019, eJOY đã có 1,5 triệu người dùng, 800.000 người dùng thường xuyên hàng tháng, 20.000 trả phí. Mô hình thu phí hàng tháng, quý, năm, với mức từ 70.000 đ/tháng cho đến 1,7 triệu đồng/năm.

Doanh thu eJOY vào khoảng 15.000 USD/tháng, trong đó chi phí cho việc thanh toán chiếm dưới 10%. Doanh nghiệp cho biết, chiến lược của họ là để nhiều tính năng miễn phí để thu hút người dùng, giảm chi phí quảng cáo.

"Thậm chí bọn em ngắt quảng cáo đi vẫn có doanh thu", CEO Điệp Bùi chia sẻ, đồng thời cũng cho biết doanh thu đã bù đắp được chi phí.

Sau Covid, eJOY đã chuyển hướng, không chỉ học tiếng Anh, eJOY còn chú trọng đến bổ sung kiến thức để phát triển bản thân cho những người đi làm.

Về mặt cơ cấu sở hữu, eJOY đã có 2 quỹ đầu tư nắm 8,9% cổ phần. Tham gia Shark Tank lần này, eJOY kêu gọi 100.000 USD cho 2,2% cổ phần . Mức định giá này được các Shark cho rằng quá cao, 4,5 triệu USD, trong khi doanh thu rất hạn chế.

Quán quân Startup Việt 2022 lên Shark Tank gọi vốn, kết cục ra về tay trắng: Mức định giá 4,5 triệu USD bị các Shark chê quá cao! - Ảnh 2.

Quan tâm tới eJOY vì đang đầu tư một chuỗi các trường quốc tế và cần một mảnh ghép công nghệ online cho hệ sinh thái giáo dục của mình, nên Shark Louis đặt khá nhiều câu hỏi:

Shark Louis: Điểm khác biệt của sản phẩm là gì?

Startup: eJOY cho phép người học tiếng Anh để phát triển các kiến thức. Chẳng hạn học về khái niệm khởi nghiệp, sẽ có những game và tình huống để hiểu được nghĩa của từ đấy.

Shark Louis: Công nghệ này những người khác làm cũng được, đây có phải rào cản?

Startup: eJOY phát triển thuật toán giúp người học ôn lại những kiến thức đã học và đo lường độ thành thạo của người học.

Shark Louis : Em lên chương trình như Shark Tank mà kêu gọi 2,2% thì các Shark sẽ băn khoăn tại sao em kêu vốn thấp thế. Một là em không tôn trọng các Shark, hai là em chỉ lên đây để quảng cáo! Kêu gọi vốn quá thấp thì chúng tôi không ảnh hưởng gì được công ty.

Startup: Nếu em kêu gọi số tiền quá lớn thì không có cơ hội đàm phán với các Shark.

Quán quân Startup Việt 2022 lên Shark Tank gọi vốn, kết cục ra về tay trắng: Mức định giá 4,5 triệu USD bị các Shark chê quá cao! - Ảnh 3.

Cuối cùng, có 3 Shark từ chối, vì các lý do:

- Shark Hùng Anh: Định giá quá cao, dữ liệu không phải từ nội lực, phụ thuộc vào bên thứ ba.

- Shark Bình: Khả năng kiếm tiền đủ lớn với Shark Bình không hấp dẫn, không đúng lĩnh vực quan tâm của Shark.

- Shark Hưng: Không thấy được sự hấp dẫn của sản phẩm.

"Tôi rất lo ngại về những gì là duy nhất. Không ai muốn đi hoặc không ai muốn lao vào nên bạn mới là duy nhất, những gì là duy nhất nguy hiểm lắm. Tôi không đầu tư ", Shark Hưng chốt.

Có 2 Shark đưa ra lời đề nghị:

- Shark Louis đưa ra offer 300.000 USD cho 36% cổ phần, với điều kiện có kiểm toán các số liệu bởi Big4, chi phí cưa đôi;

- Shark Tuệ Lâm đề nghị 100.000 USD cho 5% với điều kiện doanh số đạt được 45.000 USD/tháng.

Startup sau đó đã đàm phán với Shark Louis đề nghị 200.000 USD cho 2% cổ phần. Do chênh lệch định giá của 2 bên quá lớn nên cuối cùng đã không có deal nào được chốt.

Tin tức khởi nghiệp