CỔNG THÔNG TIN VÀ ĐẦU TƯ QUỐC TẾ

Samsung mong Việt Nam xây dựng chế độ 'sản xuất không gián đoạn'

Invest Global 09:19 29/09/2021

Bày tỏ niềm tin vào môi trường đầu tư kinh doanh của Việt Nam, song Tổng giám đốc tổ hợp Samsung Việt Nam Choi Joo Ho mong muốn Việt Nam xây dựng chế độ bảo đảm “sản xuất không gián đoạn” trong bất cứ hoàn cảnh nào, và cho đây là điều rất cấp thiết.

Đó là thông tin được đưa ra tại cuộc tọa đàm trực tuyến với chủ đề "COVID-19 và FDI: Tác động và triển vọng” diễn ra chiều ngày 27/9. 

Về lâu dài, Việt Nam vẫn là điểm đầu tư hấp dẫn đối với các nhà đầu tư nước ngoài. 

Theo Thứ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Thị Bích Ngọc, cả nước có 34.141 dự án FDI còn hiệu lực với tổng vốn đăng ký 403,19 tỷ USD; vốn thực hiện ước đạt 245,14 tỷ USD. Khu vực này phát triển nhanh và có hiệu quả, trở thành một bộ phận quan trọng của nền kinh tế, đóng góp tích cực vào sự tăng trưởng của ngân sách, tăng giá trị kim ngạch xuất khẩu, tạo việc làm và nâng cao thu nhập của người lao động. 

Qua khảo sát, có 67% doanh nghiệp (DN) châu Âu đánh giá tích cực về triển vọng môi trường kinh doanh Việt Nam. DN Nhật Bản bày tỏ sự lạc quan vào khả năng kinh tế Việt Nam phục hồi sớm trong năm 2021, trong đó 47% có kế hoạch mở rộng sản xuất kinh doanh tại Việt Nam.

DN Hàn Quốc đều có kế hoạch đầu tư mới tại Việt Nam. Phần lớn DN Mỹ đánh giá cao nỗ lực của Chính phủ trong việc ứng phó với dịch bệnh, tin tưởng Việt Nam sẽ sớm khống chế dịch bệnh.

Những tín hiệu tích cực này đã cho thấy sự lạc quan, tin tưởng về khả năng phục hồi phát triển kinh tế-xã hội mạnh mẽ của Việt Nam thời gian tới. Đồng thời, khẳng định Việt Nam vẫn sẽ là điểm đến đầu tư an toàn, hấp dẫn và tiềm năng đối với các nhà đầu tư.

"Chúng ta cần tiếp tục hoàn thiện hành lang pháp lý để tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động của các DN trong khu công nghiệp, khu kinh tế thông qua nâng cao hiệu lực, hiệu quả của mô hình một cửa tại chỗ gắn với vai trò các ban quản lý các khu công nghiệp, khu kinh tế", Thứ trưởng Bộ KH&ĐT nhấn mạnh.

Dưới góc độ nhà đầu tư, ông Binu Jacob, Tổng giám đốc Nestlé Việt Nam bày tỏ tin tưởng vào tương lai của Việt Nam với vai trò là trung tâm sản xuất toàn cầu và khu vực, và cam kết tiếp tục mở rộng các hoạt động đầu tư bền vững tại Việt Nam. 

Ông Binu Jacob chia sẻ những khuyến nghị giúp Chính phủ thành công với các mục tiêu kép và làm tăng trưởng thu hút đầu tư FDI trong giai đoạn tái phục hồi nền kinh tế sau đại dịch.

“Chúng tôi ủng hộ định hướng chính sách chiến lược của Chính phủ là thích ứng với dịch bệnh một cách an toàn, tái mở cửa nền kinh tế”, ông Binu Jacob nhấn mạnh vắc xin là yếu tố then chốt để cho phép tái mở cửa an toàn và phục hồi kinh tế.

Trong khi đó, Tổng giám đốc tổ hợp Samsung Việt Nam Choi Joo Ho đánh giá, gần đây có nhiều ảnh hưởng tiêu cực phát sinh do đại dịch COVID-19, tuy nhiên, về lâu dài, Việt Nam vẫn là điểm đầu tư hấp dẫn đối với các nhà đầu tư nước ngoài. 

Ông Choi Joo Ho cho biết: Trên cơ sở sự tự tin tích luỹ được sau khi khắc phục những khó khăn do đại dịch COVID-19 cùng với sự tin tưởng vào Chính phủ Việt Nam, Samsung Việt Nam đang liên tục mở rộng đầu tư. Cho đến thời điểm hiện tại, Samsung đã giải ngân toàn bộ vốn đầu tư đã được phê duyệt và hằng năm vẫn duy trì đầu tư bổ sung hàng trăm triệu USD.

Trong thời gian tới, Samsung Việt Nam dự kiến tiếp tục đầu tư thiết bị sản xuất cho 6 nhà máy và đa dạng hoá các hạng mục sản xuất như thiết bị 5G hay máy tính xách tay; đồng thời đầu tư nâng cao vị thế kinh doanh tại Việt Nam của công ty thành cứ điểm nghiên cứu và phát triển (R&D) chiến lược thông qua việc xây dựng Trung tâm R&D.

Bày tỏ hoàn toàn ủng hộ chính sách của Chính phủ Việt Nam trong việc theo đuổi mục tiêu kép vừa phòng chống dịch hiệu quả vừa phát triển kinh tế, Tổng giám đốc Choi Joo Ho đề nghị Việt Nam cần liên tục kiểm tra về tính hài hòa giữa 2 mục tiêu  này. 

Bên cạnh đó, xây dựng chế độ bảo đảm “sản xuất không gián đoạn” trong bất cứ hoàn cảnh nào là điều rất cấp thiết. Nghĩa là, dù trong bất cứ hoàn cảnh bất thường nào thì dây chuyền sản xuất của các nhà máy cũng không dừng hoạt động và vẫn vận hành theo đúng phương châm hướng dẫn chuẩn và lộ trình đã được định sẵn.

Ngoài ra, các tỉnh nơi tập trung chủ yếu các khu công nghiệp cần thống nhất được một phương châm chuẩn về phòng dịch để việc lưu thông vận chuyển người và hàng hóa được diễn ra thuận lợi, giảm thiểu thiệt hại trong các tình huống bất thường như dịch bệnh COVID-19. 

Nhật Linh 

Doanh nghiệp - Doanh nhân