CỔNG THÔNG TIN VÀ ĐẦU TƯ QUỐC TẾ

Sản xuất linh kiện ô tô và nghịch lý 'bụt chùa nhà' không thiêng

Invest Global 14:09 04/11/2020

Doanh nghiệp phụ trợ nội rất khó để chen chân vào chuỗi cung ứng linh kiện cho các doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp ô tô tại Việt Nam. Trong khi đó lại có thể xuất khẩu sang Nhật, Mỹ... với số lượng đơn đặt hàng lớn. Vì sao lại có nghịch lý như vậy?

Theo các chuyên gia, một chiếc xe có khoảng 300.000 linh kiện sản xuất, nếu chỉ cần nhập khẩu một nửa linh kiện thì giá thành xe đội lên rất cao. (Ảnh minh hoạ: Int)

Với cương vị là người trong cuộc, đại diện Công ty cổ phần ECO Việt Nam, đơn vị chuyên sản xuất linh kiện cơ khí chỉ ra tình trạng giá thành 1 nắp bình xăng ở Thái Lan chỉ khoảng 0,8 USD, nhưng cùng mẫu mã và nguyên liệu này mà sản xuất ở VN thì giá thành khoảng 1-1,6 USD. Điều này dẫn đến DN khó cạnh tranh ngay trên chính "sân nhà".

Nắp bình xăng sản xuất ở Việt Nam cao gấp 2 lần Thái Lan

Nhận định về câu chuyện này, ông Lương Đức Toàn, Phó trưởng phòng Công nghiệp Chế biến chế tạo, Cục Công nghiệp (Bộ Công Thương) chỉ ra 3 nguyên nhân chính đó là thị trường sản xuất ô tô của VN còn khiêm tốn. Hết năm 2019 mới bán được 400 nghìn xe, so với các nước trong khu vực như Thái Lan thì họ tiêu thụ trên 1 triệu xe. Trong khi đó, theo tính toán của DN để tăng tỷ lệ nội địa hoá thì mỗi năm 1 DN phải bán được 500-600 nghìn xe.

Nguyên nhân thứ 2 là vật liệu cơ bản sản xuất cho linh kiện như thép chế tạo, hạt nhựa… phải nhập khẩu đã làm đội giá thành sản phẩm, khó cạnh tranh với sản phẩm ngoại khiến DN không mặn mà.

Ngoài ra, năng lực của ngành CNHT còn hạn chế chưa đáp ứng được nhu cầu DN sản xuất lắp ráp ô tô. Đặc biệt, chưa có DN đầu tàu dẫn dắt chuỗi cung ứng đi theo.

Tuy nhiên, theo ông Quang, nếu chỉ nhìn dung lượng sản xuất xe trong nước thì chưa đủ mà cần phải cố gắng đưa VN trở thành 1 mắt xích trong chuỗi cung ứng toàn cầu.

 “Các DN lắp ráp, sản xuất ô tô ở khâu cuối cùng rất muốn nhận được phụ tùng sản xuất trong nước, tuy nhiên khi đi tìm nhà cung ứng họ muốn có sẵn rồi, nhưng hầu hết các DN chỉ sản xuất theo đơn đặt hàng do thiếu về vốn. Đây là sự mâu thuẫn. Vì vậy cần chính sách hỗ trợ và kết nối các DN với nhau”, ông Quang nói.

Đại diện Công ty cổ phần ECO Việt Nam cho biết hiện nay có nhiều nguyên vật liệu Việt Nam sản xuất được nhưng giá thành cao hơn so với sản phẩm nhập khẩu. Kể cả nhập khẩu nguyên liệu được giá rẻ nhưng khi về VN phải đóng các loại thuế, phí… khiến giá thành đội lên rất cao, chiếm từ 8-10% tổng chi phí nguyên vật liệu.

Liên kết để phát triển ngành công nghiệp ô tô

Đồng tình, ông Nguyễn Trung Hiếu, Hiệp hội các doanh nghiệp xuất ô tô Việt Nam (VAMA) cho rằng, chi phí sản xuất ôtô ở Việt Nam có giá xuất xưởng cao hơn 10 - 20% so với xe tương tự được sản xuất ở Thái Lan nên đây là điều các doanh nghiệp sản xuất ôtô trong nước cân nhắc phải đầu tư như thế nào cho hiệu quả giữa việc nhập xe hay sản xuất lắp ráp.

Nguyên nhân chủ yếu khiến giá thành linh kiện ô tô sản xuất trong cao hơn linh kiện nhập khẩu, theo chủ tịch VASI là do sản lượng thấp, nguyên liệu phải nhập ở nước ngoài... Bên cạnh đó, chi phí lãi suất mà doanh nghiệp trong nước đang trả cao gấp 4 - 5 lần so với mức của các doanh nghiệp nước ngoài.

Để khuyến khích ngành công nghiệp ôtô phát triển, ông Quang cho rằng chính sách thuế rất quan trọng và đề nghị chính sách thuế phải có tính ổn định lâu dài nhằm khuyến khích doanh nghiệp xây dựng chiến lược đầu tư bài bản, nếu không các nhà sản xuất linh kiện trong nước chỉ dám đầu tư theo kiểu "ăn xổi".

Bên cạnh đó, chính sách thuế cũng phải khuyến khích doanh nghiệp lựa chọn để sản xuất xuất khẩu phụ tùng, linh kiện và dần trở thành nhà cung cấp trong chuỗi giá trị của ngành ôtô khu vực và thế giới.

Riêng đối với ngành ôtô, có một số loại vật tư, nguyên liệu trong nước chưa sản xuất được, thậm chí không thể sản xuất được do tính chuyên môn hóa cao như vòng bi, một số linh kiện điện tử... Vì vậy, những vật tư này nên được hưởng thuế nhập khẩu 0% hoặc ở mức rất thấp mang tính tượng trưng trong một thời gian dài.

Trong khi đó, đại diện VAMA cho rằng các nhà sản xuất nguyên liệu, phụ tùng ở VN hãy chấp nhận các nhà cung ứng cấp 2, cấp 3, cấp 4, đừng hy vọng ngay lập tức trở thành nhà cung ứng cấp 1.

“Lâu nay các DN VN rất khó khăn trở thành đối tác của nhau. Tuy nhiên, lúc này rất cần liên kết với nhau vì 1 DN khó có thể làm từ A đến Z. Ngoài ra, DN cần mạnh dạn đầu tư để tham gia vào chuỗi cung ứng của các DN sản xuất, lắp ráp ô tô”, vị này cho hay.

Thanh Hoa

Doanh nghiệp - Doanh nhân