CỔNG THÔNG TIN VÀ ĐẦU TƯ QUỐC TẾ

Sản xuất nông nghiệp bền vững: Khoa học và công nghệ phải là 'binh chủng' quan trọng

Invest Global 09:54 06/05/2025

Bộ Nông nghiệp và Môi trường xác định để xuất nông nghiệp bền vững, thì khoa học và công nghệ phải là “binh chủng” quan trọng.

"Đại hội" khoa học công nghệ ngành Nông nghiệp và môi trường

Trong 2 ngày 9-10/5, Bộ NN&MT phối hợp UBND tỉnh Bắc Ninh tổ chức Hội nghị triển khai kế hoạch thực hiện Nghị quyết 57-NQ/TW của Bộ Chính trị về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia ngành NN&MT tại tỉnh Bắc Ninh.

Tại cuộc họp báo thông tin về Hội nghị, Thứ trưởng Bộ NN&MT Phùng Đức Tiến cho biết, Hội nghị sẽ cụ thể hóa những định hướng lớn trong phát triển nông nghiệp bền vững, hiện đại gắn với bảo vệ môi trường và thích ứng biến đổi khí hậu, đảm bảo phù hợp với mục tiêu tăng trưởng xanh, cũng như cam kết phát thải ròng bằng "0" vào năm 2050.

"Đây sẽ là hội nghị quan trọng nhằm quán triệt tinh thần đổi mới, đặt nền tảng cho việc xây dựng hệ thống chính sách và chương trình hành động trong toàn ngành. Qua đó, thống nhất nhận thức và trách nhiệm trong quá trình triển khai…", Thứ trưởng Tiến nhấn mạnh.

Thứ trưởng Bộ NN&MT Phùng Đức Tiến chủ trì họp báo. Ảnh: TN&MT

Đồng thời cho biết, việc tổ chức họp báo cũng như Hội nghị sắp tới thể hiện quyết tâm của Bộ NN&MT trong việc thúc đẩy quá trình chuyển đổi xanh, nâng cao hiệu quả quản lý tài nguyên và phát triển nông nghiệp theo hướng sinh thái.

Trong khuôn khổ Hội nghị, các bên liên quan cùng trao đổi, đề xuất giải pháp phù hợp, đảm bảo thực thi Nghị quyết 57-NQ/TW của Bộ Chính trị về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia một cách đồng bộ, hiệu quả và sát với thực tiễn.

Thông tin thêm về Hội nghị, TS. Nguyễn Văn Long, Vụ trưởng Vụ Khoa học và Công nghệ (Bộ NN&MT) cho biết, dự kiến có 450-500 đại biểu tham dự trực tiếp.

Theo chương trình, ngày 9/5 Bộ Nông nghiệp và Môi trường sẽ thiết lập 26 gian hàng trưng bày các sản phẩm khoa học công nghệ tiêu biểu.

Ngày 10/5, buổi sáng, Hội nghị sẽ họp phiên toàn thể tại hội trường; buổi chiều sẽ diễn ra 4 phiên họp chuyên đề nhằm đánh giá thực trạng và giải pháp thúc đẩy phát triển KHCN, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số ngành NN&MT, nhất là việc trao đổi, thảo luận về một số định hướng, nhiệm vụ, giải pháp then chốt để tạo đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia của Ngành.

TS. Nguyễn Văn Long, Vụ trưởng Vụ Khoa học và Công nghệ. Ảnh: TN&MT

Vụ trưởng Nguyễn Văn Long khẳng định: Phiên họp toàn thể chính là "Đại hội khoa học công nghệ đầu tiên" của Bộ NN&MT.

"Hội nghị nhằm quán triệt, thể hiện rõ tinh thần chỉ đạo thông qua các văn bản hành chính, đồng thời báo cáo kết quả và vướng mắc, tồn tại trong thời gian vừa qua để kịp thời đề ra giải pháp, biến chủ trương thành hành động. Bên cạnh đó, các đơn vị thuộc Bộ sẽ được phân công rõ trách nhiệm để triển khai Quyết định 503/QĐ-BNNMT của Bộ NN&MT. Bộ NN&MT cũng sẽ xem xét về việc kí thỏa thuận hợp tác để hỗ trợ các doanh nghiệp tiên phong triển khai khoa học công nghệ trên thực tế", ông Long cho biết.

Đầu tư cho khoa học công nghệ: Cần đồng bộ và hiệu quả

Chia sẻ về việc phát triển khoa học công nghệ của ngành NN&MT, Thứ trưởng Bộ NN&MT Phùng Đức Tiến chỉ ra 15 điểm nghẽn cần tháo gỡ. Trong đó nhấn mạnh câu chuyện đầu tư cho khoa học công nghệ.

Thứ trưởng cho rằng hiện vẫn còn tồn tại tư duy "bao cấp", triệt tiêu động lực sáng tạo, do đó, cần có cơ chế đột phá để giải phóng tư duy này, hướng tới việc làm giàu từ khoa học công nghệ.

Theo Thứ trưởng, cần tháo gỡ khó khăn trong "ba tự chủ" (tự chủ nhiệm vụ, tự chủ tài chính và tự chủ tổ chức) nhằm nâng cao tính chủ động, linh hoạt cho các đơn vị nghiên cứu.

Lần đầu tiên Bộ NN&MT tổ chức "đại hội" khoa học công nghệ. Ảnh: NN&MT

Chỉ ra thực trạng hiện có nhiều trang thiết bị được đầu tư nhưng không đồng bộ, tần suất sử dụng thấp, dẫn đến khấu hao chậm và lãng phí. Thứ trưởng đề nghị cần rà soát, quy hoạch đầu tư theo hướng đồng bộ và hiệu quả.

Đặc biệt cần hình thành và đầu tư cho các nhóm nghiên cứu xuất sắc, hoạt động đa ngành, đa lĩnh vực, tập trung vào những lĩnh vực chủ lực của ngành.

Ngoài ra các chương trình khoa học và công nghệ cần được đầu tư tập trung, đồng bộ, tránh đầu tư dàn trải gây lãng phí. Trong đó, những chương trình nghiên cứu có giá trị thực tiễn lớn, tạo ra chuyển biến mạnh mẽ trong sản xuất cần được ưu tiên về cơ chế và nguồn lực.

Chia sẻ thêm về câu chuyện đầu tư cho khoa học công nghệ, Vụ trưởng Vụ Khoa học và công nghệ Vũ Văn Long cho biết, Bộ trưởng và các Thứ trưởng đã chỉ đạo tất cả các đơn vị trực thuộc rà soát để có cơ sở báo cáo các cấp có thẩm quyền, đưa ra nội dung đầu tư trọng tâm trọng điểm để có cơ sở đổi mới sáng tạo, đưa khoa học công nghệ của ngành vươn tầm thế giới.

Trong đó, rà soát tất cả các quy trình nội bộ, xây dựng hệ thống dịch vụ công xuyên suốt, hướng tới mục tiêu năm 2030, toàn bộ thủ tục hành chính sẽ được xử lý trên không gian mạng (toàn trình).

Khẳng định, trong các văn kiện nền tảng như Hiến pháp hay Cương lĩnh chính trị, khoa học công nghệ được xác định là trụ cột, là động lực then chốt cho sự phát triển bền vững và khẳng định vị thế quốc gia, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến lưu ý: "Trong Hội nghị này, khoa học và công nghệ phải được xem là 'binh chủng' quan trọng"!

Hiện nay, Bộ NN&MT đang quản lý 1.832 TCVN và 175 QCVN (lĩnh vực nông nghiệp có 1.464 TCVN và 103 QCVN; lĩnh môi trường có 368 TCVN và 72 QCVN); trong đó, từ năm 2021-2024, Bộ đã ban hành mới 475 TCVN và 57 QCVN; đồng thời, đã rà soát, cắt giảm 149 QCVN theo tinh thần chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.