CỔNG THÔNG TIN VÀ ĐẦU TƯ QUỐC TẾ

'Sắp có khung giá điện cho các dự án năng lượng tái tạo chuyển tiếp'

Invest Global 14:39 18/11/2022

Trao đổi tại Toạ đàm Thúc đẩy thị trường năng lượng tái tạo, ông Phạm Nguyên Hùng, Phó Cục trưởng Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo, Bộ Công Thương cho biết, cuối tháng 11 Bộ Công Thương sẽ ban hành khung giá điện cho khoảng 4.000 MW điện năng lượng tái tạo chuyển tiếp.

Empty Ông Phạm Nguyên Hùng, Phó Cục trưởng Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo, Bộ Công Thương. Ảnh: Trọng Hiếu.

Sáng 18/11 tại Hà Nội, Tạp chí Nhà đầu tư/ Tạp chí điện tử Nhadautu.vn tổ chức Toạ đàm "Thúc đẩy thị trường năng lượng tái tạo".

Phát biểu tại Toạ đàm, ông Phạm Nguyên Hùng, Phó Cục trưởng Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo, Bộ Công Thương cho biết năm 2019, 2020 và 2021, sản lượng điện phát từ nguồn điện năng lượng tái tạo (NLTT) đạt tương ứng 5,242 tỷ kWh, 10,994 tỷ kWh và gần 30 tỷ kWh đã góp phần giảm đáng kể điện chạy dầu giá cao. Nếu so sánh số liệu nguồn điện dầu thực tế được huy động với dự báo của EVN thì điện chạy dầu đã giảm 2,17 tỷ kWh năm 2019 và giảm 4,2 tỷ kWh năm 2020 (tiết kiệm khoảng 10.850 – 21.000 tỷ đồng).

Việc phát triển NLTT đã bổ sung kịp thời nguồn điện trong bối cảnh các nhà máy nhiệt điện than chậm tiếp độ, các nguồn điện NLTT phân tán cung cấp hiệu quả cho phụ tải điện tại chỗ, giảm tổn thất truyền tải, giúp khai thác có hiệu quả các vùng đất khô cằn, hiệu quả sản xuất nông nghiệp thấp; nâng cao nhận thức của người dân đối với các nguồn điện năng lượng tái tạo, huy động nguồn vốn trực tiếp từ người dân tham gia đầu tư điện mặt trời mái nhà; bổ sung nguồn ngân sách đáng kể cho các địa phương có tiềm năng; huy động nguồn lao động sẵn có tại địa phương.

Một số nguyên tắc cơ bản phát triển năng lượng là đảm bảo đáp ứng đủ điện cho phát triển kinh tế - xã hội; Bám sát các Nghị quyết của Đại hội Đảng lần thứ XIII, các Nghị quyết, Chương trình hành động, chỉ đạo của lãnh đạo các cấp đối với việc phát triển ngành điện xanh, bền vững; Xây dựng ngành điện độc lập, tự chủ, gắn với hội nhập quốc tế; Đảm bảo các mục tiêu cam kết của Thủ tướng Chính phủ tại Hội nghị COP26 về trung hòa carbon vào năm 2050; Kế thừa các nội dung còn phù hợp của Quy hoạch điện VII điều chỉnh; Phân tích, dự báo sát tình hình trong nước, ngoài nước tác động tới phát triển ngành năng lượng, ngành điện trong thời gian tới.

Giảm tối đa các nhà máy nhiệt điện than với mục tiêu giảm tối đa phát thải khí CO2. Không phát triển thêm nhà máy nhiệt điện than mới sau 2030. Xem xét chuyển đổi một số nguồn điện sử dụng nhiên liệu than sang LNG; Khuyến khích phát triển nguồn điện gió ngoài khơi, các loại hình thủy điện tích năng, điện sinh khối, pin lưu trữ, … Nghiên cứu khả năng phát triển điện hạt nhân.

Về nguyên tắc phát triển nguồn điện NLTT của Chính phủ, ông Hùng cho biết: Đẩy mạnh phát triển các nguồn điện sinh khối, thủy điện tích năng, điện mặt trời; khuyến khích phát triển điện gió (đặc biệt là điện gió ngoài khơi); Khuyến khích phát triển các dự án điện sử dụng NLTT cấp trực tiếp (tiêu thụ tại chỗ) cho các cơ sở sản xuất (đặc biệt là phục vụ sản xuất hydrogen, amoniac xanh, …); Đảm bảo tối đa cân bằng nội vùng, miền. Khuyến khích tối đa khả năng phát triển nguồn NLTT trong hệ thống điện, giảm triệt để phát thải khí CO2 so với các phương án đã trình trước đây. Ước tính lượng phát thải khí CO2 đạt đỉnh 239 triệu tấn năm 2035, 115 triệu tấn năm 2045 và ước đạt 30 triệu tấn năm 2050, đảm bảo cam kết của Việt Nam tại Hội nghị COP26.

Về thách thức phát triển NLTT thời gian tới, Phó Cục trưởng Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo nhấn manh vai trò của nguồn vốn đầu tư để thực hiện lớn.

Ước tính giai đoạn 2021-2030, tổng nhu cầu vốn đầu tư để thực hiện chương trình phát triển điện lực khoảng 104,7-142,2 tỷ USD. Tỉ lệ dự phòng thô của hệ thống khá cao do các nguồn điện chạy nền không còn được phát triển và thay vào đó là các nguồn điện gió có thời gian vận hành thấp hơn, dẫn tới tăng chi phí đầu tư nguồn điện. Cần đầu tư thêm lưới truyền tải liên miền và lưới siêu cao áp ven biển. Một số công nghệ chưa thương mại hóa (công nghệ sử dụng hydrogen, amoniac xanh). Giai đoạn 2021-2030, tổng diện tích đất dành cho các công trình điện khoảng 103 nghìn ha trong đó: thủy điện và thủy điện nhỏ khoảng 55 nghìn ha, điện gió trên bờ khoảng 5.400 ha.

Về thông tin nhà đầu tư rất quan tâm là cơ chế giá cho các dự án NLTT chuyển tiếp, ông Phạm Nguyên Hùng cho biết, cuối tháng 11 Bộ Công Thương sẽ ban hành khung giá điện cho các dự án điện năng lượng tái tạo chuyển tiếp.

Trước đó, ngày 3/10/2022, Bộ Công Thương đã ban hành Thông tư 15 về nguyên tắc xây dựng khung giá cho các dự án điện mặt trời, điện gió chuyển tiếp. Dự kiến từ ngày 25-30 tháng 11/2022, Bộ Công Thương sẽ thẩm định xong khung giá cho các dự án điện mặt trời, điện gió chuyển tiếp. Trên cơ sở khung giá, EVN đàm phán với các chủ đầu tư. Hiện có khoảng 4.000 MW đối tượng chuyển tiếp điện gió và điện mặt trời.

Theo nội dung Thông tư số 15/2022/TT-BCT ngày 3/10/2022 (thông tư 15) quy định phương pháp xây dựng khung giá phát điện của nhà máy điện mặt trời, điện gió chuyển tiếp, trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày thông tư có hiệu lực (từ 25/11/2022), chủ đầu tư các nhà máy điện mặt trời mặt đất, nhà máy điện mặt trời nổi đã ký hợp đồng mua bán điện trước ngày 1/1/2021 và các nhà máy điện gió trong đất liền, nhà máy điện gió trên biển đã ký hợp đồng mua bán điện trước ngày 1/11/2021 có trách nhiệm cung cấp báo cáo nghiên cứu khả thi hoặc thiết kế kỹ thuật cho EVN. Trong thời hạn 45 ngày từ ngày thông tư 15 có hiệu lực, EVN có trách nhiệm tổng hợp, xây dựng khung giá phát điện của nhà máy điện mặt trời mặt đất, điện mặt trời nổi, điện gió trong đất liền, điện gió trên biển gửi Cục Điều tiết Điện lực (Bộ Công Thương) thẩm định.

Ông Hùng lưu ý, Thông tư 15 chỉ áp dụng cho các dự án điện NLTT chuyển tiếp, còn đối với các dự án NLTT mới, Bộ Công thương đã đề xuất và đề nghị Thủ tướng Chính phủ chấp thuận cơ chế đàm phán giá điện và hợp đồng mua bán điện theo từng thời điểm.

Trong tờ trình 7194/TTr-BCT ngày 11/11/2022, Bộ Công Thương đề xuất điều kiện được tiếp tục triển khai và đưa vào vận hành thương mại là các dự án điện mặt trời chuyển tiếp phải tuyệt đối tuân thủ quy định của pháp luật về đầu tư, đất đai, xây dựng..., giá điện thực hiện theo quy định.

Về  vấn đề vì sao từ nay đến năm 2030 không phát triển thêm điện mặt trời, ông Hùng cho hay theo dự thảo Quy hoạch điện VIII bản mới nhất sẽ bổ sung 726 MW điện mặt trời tập trung, trong đó hơn 400 MW đã xong rồi, 300 MW đang làm dở; còn hơn 1.600 MW đã có quy hoạch nhưng chưa đầu tư có thể bị loại bỏ tại quy hoạch mới. Quy hoạch VII điều chỉnh cho thấy, các dự án điện mặt trời tập trung (có thể bị loại bỏ trong Quy hoạch điện VIII) có vị trí phụ tải thấp nên để phát triển tiếp phải đầu tư lớn lưới điện, trong khi ổn định hệ thống đã đạt giới hạn. Còn sau 2030 điều kiện truyền tải, lưới điện đầu tư đã tốt hơn nên có điều kiện để phát triển thêm điện mặt trời mà không cần đầu tư quá lớn.

Khung pháp lý