CỔNG THÔNG TIN VÀ ĐẦU TƯ QUỐC TẾ

Sau đại dịch, doanh nghiệp vẫn muốn tiếp tục cải thiện môi trường kinh doanh

Invest Global 10:39 27/05/2020

Cộng đồng doanh nghiệp sẽ "bứt phá" mạnh mẽ sau đại dịch Covid-19 khi thủ tục tiếp tục được đơn giản hoá, cắt giảm và rút ngắn thời gian cấp phép, xét duyệt hồ sơ...

 Giai đoạn 2020-2025, mục tiêu đặt ra là cắt giảm đơn giản hóa ít nhất 20% số quy định và cắt giảm ít nhất 20% chi phí tuân thủ (Ảnh: Internet)

Chiều 26/5, tại Hội nghị “Hiến kế cải cách cơ chế, chính sách, thủ tục hành chính giúp doanh nghiệp khôi phục sản xuất, kinh doanh sau dịch bệnh Covid-19”, 90% doanh nghiệp đánh giá cao các hỗ trợ của Chính phủ cũng như bộ, ngành, địa phương. Đồng thời cho rằng nỗ lực cải cách thủ tục hành chính hơn nữa sẽ giúp các hỗ trợ này thêm hiệu quả.

Cải cách mạnh mẽ thủ tục hành chính

Hiện nay, Việt Nam đơn giản hóa 3893/6191 điều kiện kinh doanh, cắt giảm 6776/9926 danh mục hàng hóa kiểm tra chuyên ngành và 30/120 thủ tục hành chính kiểm tra chuyên ngành. Tổng chi phí xã hội tiết kiệm ước tính khoảng 18 triệu ngày công/năm, tương đương hơn 6.300 tỷ đồng/năm.

Cùng với đó, các bộ ngành đã có phương án xử lý 1.501 mặt hàng chồng chéo về thẩm quyền.

Đặc biệt, Cổng dịch vụ công quốc gia sau 5 tháng hoạt động đã tích hợp, cung cấp 408 dịch vụ công trực tuyến, có hơn 39 triệu lượt truy cập, tiếp nhận gần 6.000 phản ánh, kiến nghị của người dân, doanh nghiệp…

Dẫu vậy, các doanh nghiệp vẫn cho rằng còn nhiều rào cản về thủ tục hành chính. Và trong bối cảnh vừa trải qua "cơn thập tử nhất sinh" bởi dịch Covid-19, những rào cản còn sót lại sẽ khiến doanh nghiệp khó vực dậy.

Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thuỷ sản Việt Nam (VASEP), các bộ, ngành cần tiếp tục các hoạt động cải thiện môi trường kinh doanh và tăng cường các dịch vụ công trực tuyến để giảm bớt các gánh nặng tuân thủ, tiết giảm thời gian, chi phí làm thủ tục cho doanh nghiệp.

Cụ thể, cần sớm tháo gỡ khó khăn và sửa đổi bãi bỏ quy định in mã số mã vạch nước ngoài lên bao bì hàng hóa xuất khẩu, cải thiện công tác kiểm soát nhập khẩu nguyên liệu thủy sản theo nguyên tắc quản lý rủi ro, sửa đổi quy định chỉ tiêu phospho trong quy chuẩn nước thải để phù hợp với đặc thù ngành hàng và công nghệ xử lý hiện có…

Ngoài ra, các doanh nghiệp thủy sản cũng đề nghị cần có chính sách hỗ trợ doanh nghiệp chuẩn bị điều kiện hạ tầng để đón nhận các dự án đầu tư mới do sự chuyển dịch sản xuất từ Trung Quốc sang Việt Nam.

Về dài hạn, đại diện VASEP kiến nghị Chính phủ và các bộ cần tạo điều kiện và hỗ trợ cho doanh nghiệp thủy sản thực hiện phát triển thị trường, nghiên cứu và phát triển (R&D) trong bối cảnh EVFTA sắp có hiệu lực; ưu tiên hàng đầu việc phát triển nguồn giống trong ngành thủy sản…

Cũng nêu lên những đề xuất từ phía doanh nghiệp, ông Nguyễn Kim Hùng, Chủ tịch HĐQT Kim Nam Group, Phó Viện trưởng Viện Khoa học quản trị doanh nghiệp nhỏ và vừa (SISME) cho rằng, cần xây dựng hệ sinh thái số cho cộng đồng doanh nghiệp, tăng cường truyền thông, đào tạo tư duy chuyển đổi số.

Ngoài ra, Chính phủ cần ban hành cơ chế thử nghiệm cho các lĩnh vực công nghệ tài chính, thanh toán số… Xây dựng bộ luật riêng cho các hộ kinh doanh cá thể, có tính thúc đẩy hộ kinh doanh chuyển đổi thành doanh nghiệp…

Các bộ, ngành còn thiếu liên kết

Không chỉ có các doanh nghiệp trong nước, cộng đồng doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài cũng đánh giá nhiều thủ tục hành chính của Việt Nam còn rườm rà, thời gian chờ đợi quá lâu. Đặc biệt là vấn đề cấp phép kinh doanh và đầu tư có sự quản lý của bộ, ngành vẫn còn thiếu liên kết, gây nên sự rất chậm trễ, ảnh hưởng đến doanh nghiệp.

Ông Fred Burke, đại diện của Hiệp hội Thương mại Mỹ tại Việt Nam (AmCham) cho biết, Việt Nam đã hết thời gian phong toả do dịch bệnh, các cơ quan chức năng đã trở lại chế độ làm việc bình thường, tuy nhiên các thủ tục hành chính tại một số nơi vẫn còn rất nhiều thách thức.

Chẳng hạn, khi dịch bệnh, một số công ty thành viên của AmCham hết thời hạn giấy phép nhập khẩu hàng hoá, nhưng đến nay gần một tháng sau khi lệnh cách ly xã hội được gỡ bỏ, các doanh nghiệp chưa xin được giấy phép, ảnh hưởng nghiêm trọng đến hoạt động kinh doanh.

"Các cơ quan chức năng của Việt Nam cùng chịu trách nhiệm về các khâu khác nhau trong các thủ tục cấp phép, điều này khiến quy trình cấp phép tại Việt Nam rất lâu bởi họ không có phương thức trao đổi thông tin với nhau", ông Fred Burke nói.

Nhìn chung, các doanh nghiệp đều mong muốn có sự cải thiện mạnh mẽ hơn nữa về thủ tục hành chính. Ông Nguyễn Văn Thân, Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam cho rằng, những giải pháp cải cách thủ tục hành chính vượt trội sẽ cải thiện rõ rệt môi trường đầu tư kinh doanh cho doanh nghiệp.

Bởi theo khảo sát của Bộ KH&ĐT, tính đến tháng 4/2020, đã có 2,9% doanh nghiệp chính thức nhận được hỗ trợ, tuy nhiên có đến 65% doanh nghiệp đã nắm được thông về chính sách nhưng chưa biết đầu mối để tiếp cận. Nguyên nhân một phần là do công tác tuyên truyền chưa được hiệu quả, một phần khác là do các thông tư, nghị định chưa chi tiết hóa được các quy trình, thủ tục tiếp cận chính sách hỗ trợ, dẫn đến doanh nghiệp và người dân còn lúng túng.

Bộ trưởng  - Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng cho biết, dự kiến tháng 6 tới sẽ khai trương hệ thống thông tin báo cáo Chính phủ hướng tới hoàn thiện, ban hành hệ thống thông tin báo cáo quốc gia.

"Chính phủ cũng xác định sẽ thông qua và triển khai thực hiện Chương trình cắt giảm, đơn giản hóa quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh giai đoạn 2020 - 2025, với mục tiêu cắt giảm đơn giản hóa ít nhất 20% số quy định và cắt giảm ít nhất 20% chi phí tuân thủ. Cùng đó, thúc đẩy việc thực hiện thủ tục hành chính trên môi trường điện tử và cung cấp dịch vụ công trực tuyến hỗ trợ các đối tượng khó khăn do dịch Covid-19 trên Cổng dịch vụ công quốc gia", ông Dũng nói.

Huyền Anh

Doanh nghiệp - Doanh nhân