CỔNG THÔNG TIN VÀ ĐẦU TƯ QUỐC TẾ

Sớm tháo 'nút thắt histamine' để nước mắm truyền thống rộng đường xuất khẩu

Invest Global 08:26 08/03/2022

Nước mắm truyền thống của Việt Nam vẫn đang phải "ngụp lặn" trên thị trường vì vướng quy định về hàm lượng histamine trong tiêu chuẩn về nước mắm của Ủy ban Tiêu chuẩn thực phẩm quốc tế - Codex nhiều năm nay. Chính vì vậy, dù được đánh giá cao về chất lượng nhưng quy định này dường như đang làm hẹp đường xuất khẩu của nước mắm truyền thống.

Tại điều 6, tiêu chuẩn nước mắm của Codex có quy định: “Sản phẩm không được có hàm lượng histamine lớn hơn 40mg/100g nước mắm trong mọi đơn vị mẫu được phân tích” nhằm tránh tình trạng ngộ độc. Theo các chuyên gia, quy định này đã trói chặt các doanh nghiệp sản xuất nước mắm truyền thống Việt Nam.

Bao năm luẩn quẩn sân nhà

TS Trần Thị Dung, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Nước mắm truyền thống Việt Nam, cho biết cần có sự nghiên cứu, đánh giá về hàm lượng histamine trong nước mắm truyền thống Việt Nam ngay để phá bỏ quy định mà tiêu chuẩn Codex đang quy chụp lên các doanh nghiệp sản xuất nước mắm truyền thống trong nước bao năm nay.

Theo đó, quy định của Codex là hàng rào kỹ thuật làm nước mắm truyền thống ở Việt Nam những năm qua rất khó có thể xuất khẩu được. Bởi lẽ, nước mắm truyền thống được sản xuất theo phương thức ủ chượp, thậm chí bằng phương pháp chưng cất và cô đặc nên cho ra các loại nước mắm có độ đạm cao từ 10-40 độ, thậm chí là có thể tạo ra loại nước mắm tới 60 độ đạm.

Điều này đồng nghĩa với việc nước mắm truyền thống Việt Nam luôn có hàm lượng histamine ở mức cao, từ 700mg-1.200mg/lít. Ngược lại, chỉ tiêu về histamine thấp, không vượt quá 40mg/100g nước mắm theo quy định của Codex thì chỉ có nước mắm công nghiệp, tức là nước mắm pha loãng mới đáp ứng được.

nuoc-mam-truyen-thong-7011-1646671489.jp

Nước mắm ủ theo phương pháp truyền thống có độ đạm cao, tương đương với hàm lượng histamine cao hơn.

Chính vì quy định chưa phù hợp thực tiễn này mà thời gian qua, chỉ có một số loại nước mắm truyền thống của Việt Nam được xuất khẩu sang một số nước. Và theo bà Dung, đây chỉ là một số loại nước mắm thấp đạm chứ chưa phải là loại nước mắm truyền thống ngon nhất. Trong khi các nước trên thế giới đều đòi hỏi nghiêm ngặt các quy định về hàm lượng histamine trước khi nhập khẩu.

Ông Lê Trần Phú Đức, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Công ty CP Nước mắm Phan Thiết, cho biết cần có ngay và luôn những nghiên cứu khoa học, đàm phán với Codex để nới chỉ tiêu hàm lượng histamine trong nước mắm truyền thống. Tuy nhiên, ông Đức cho biết các đề xuất nghiên cứu, đánh giá về histamine trong nước mắm truyền thống dù đã được chuyên gia, nhà khoa học, hiệp hội và doanh nghiệp đưa ra cách đây nhiều năm nhưng đến nay các cơ quan chức năng vẫn chưa quan tâm. "Điều này khiến nước mắm truyền thống chỉ luẩn quẩn trong sân nhà, trong khi đây là một ngành có thế mạnh và mang tính đặc trưng của Việt Nam", ông Đức nói.

Bà Trần Thị Dung cũng cho biết, những quy định trên đã không bảo vệ lợi ích và không tạo được sự cạnh tranh cho ngành sản xuất nước mắm truyền thống của nước nhà trong bao nhiêu năm qua.

Bằng chứng là một trong những nước sản xuất nước mắm nhiều và cạnh tranh trực tiếp với nước mắm Việt Nam là Thái Lan nhưng hầu hết nước mắm của nước này là nước mắm công nghiệp, pha loãng nên độ đạm dù ở mức cao nhất cũng không vượt quá mức 40mg/100g nước mắm.

“Với ngưỡng quy định không vượt quá 40mg/100g của Codex, nước mắm Thái Lan thoải mái xuất khẩu, còn nước mắm truyền thống độ đạm của Việt Nam chỉ dừng chủ yếu thị trường nội địa. Hoặc nếu muốn xuất khẩu thì đành phải tìm cách pha loãng hoặc xuất loại thấp đạm, giảm nồng độ histamine, nhưng như vậy thì đâu còn gọi là nước mắm nguyên chất truyền thống đặc trưng của Việt Nam”, bà Dung nói.

Mở rộng đường xuất khẩu

Theo Hiệp hội nước mắm truyền thống Việt Nam, hiện Việt Nam có rất nhiều thương hiệu nước mắm truyền thống nổi tiếng đã được xuất khẩu tới trên 50 thị trường nước ngoài, kim ngạch mỗi năm khoảng 20 triệu USD, tuy nhiên đó chủ yếu là nước mắm có độ đạm thấp.

Còn thị trường trong nước, mỗi năm tiêu thụ khoảng 250 triệu lít nước mắm, trong đó khoảng 30% là nước mắm truyền thống. Có thể thấy, ngoài tiêu thụ nội địa, để khẳng định được thương hiệu và giúp các doanh nghiệp sản xuất nước mắm phát triển bền vững, đẩy mạnh xuất khẩu là điều hết sức quan trọng. Muốn vậy, phải tháo bỏ được giới hạn quy định về histamine.

Ông Vũ Thế Thành, chuyên gia an toàn vệ sinh thực phẩm- Ủy viên Ban Vận động thành lập Hiệp hội Nước mắm truyền thống Việt Nam, cho biết các nước trên thế giới có quy định rất khắt khe về an toàn vệ sinh thực phẩm. Tuy nhiên, vẫn có những trường hợp mà pháp luật cũng phải xem xét hoặc có quy định riêng đẻ bảo đảm chất lượng cho một sản phẩm nào đó.

nuoc-mam-truyen-thong-2-155196-3605-7735

Quy định về hàm lượng histamine hiện nay không bảo vệ lợi ích và không tạo được sự cạnh tranh cho ngành sản xuất nước mắm truyền thống.

Chẳng hạn, ở Mỹ đã có dự luật cho phép một doanh nghiệp của người Mỹ gốc Việt bán bánh chưng ở nhiệt độ thường chứ không nhất thiết phải bảo quản trong tủ lạnh để hạn chế tình trạng gạo trong bánh chưng bị sống lại. Hiện nhiều quốc gia ở châu Á, như Trung Quốc cũng đã tận dụng dự luật này để có thể xuất khẩu một số loại bánh mà không nhất thiết phải bảo quản lạnh.

Hay ở một số nước châu Âu và châu Mỹ, rất nổi tiếng với sản phẩm truyền thống là pho mát thối. Sản phẩm này càng ủ lâu thì càng ngon, càng đắt, và đi cùng với đó là càng phát sinh nhiều histamine, có thể lên tới 1.000-2.000 ppm. Tuy nhiên, ngành chức năng ở đây lại tôn trọng sản phẩm này và chỉ đưa khuyến cáo những người tiêu dùng nào nếu nhạy cảm với histamine thì nên tránh sử dụng.

Theo ông Thành, các ngành chức năng ở nhiều nước hiểu rằng, không thể áp dụng các biện pháp phòng ngừa rủi ro của quy trình sản xuất công nghiệp vào quy trình sản xuất thủ công vì mỗi điều kiện khác nhau thì chất lượng sản phẩm cũng hoàn toàn khác nhau. Chính vì vậy, để phát triển sản phẩm nước mắm truyền thống, cần tôn trọng quy trình sản xuất cụ thể tại các địa phương, miễn là vẫn theo sát chuẩn mức an toàn ở mức cao nhất có thể.

Bà Trần Thị Dung cũng cho biết, giá trị truyền thống vẫn được đánh giá cao trong các sản phẩm dù xuất khẩu đi đâu. Nhất là đối với những sản phẩm cung cấp cho các đối tượng là Việt Kiều thì giá trị này càng có ý nghĩa và thúc đẩy tiêu thụ hiệu quả. Chính vì vậy, Hiệp hội nước mắm truyền thống Việt Nam mong muốn Nhà nước, các Bộ ngành liên quan nhanh chóng vào cuộc giúp đỡ để khiếu nại về việc tăng hàm lượng histamine trong nước mắm lên, để bạn bè quốc tế được thưởng thức nước mắm truyền thống Việt Nam đúng giá trị thật.

Như Yến

Khung pháp lý