CỔNG THÔNG TIN VÀ ĐẦU TƯ QUỐC TẾ

Sốt đất nền Thạch Thất, nhà đầu tư cần cẩn trọng

Invest Global 09:41 26/03/2020

Trước thông tin nhiều khách hàng đổ xô mua đất tại Thạch Thất, giá được đẩy lên khá cao, lãnh đạo Hội Môi giới bất động sản Việt Nam cho rằng các nhà đầu tư nhỏ lẻ cần hết sức bình tĩnh, khi đầu tư phải chờ đợi quy hoạch và các thông tin chính thức, không thể mập mờ ăn may sẽ dẫn đến rủi ro cao, nhẹ thì thua lỗ, nặng thì đất bị thu hồi.

Những ngày qua, sau khi có thông tin Tập đoàn Vingroup có văn bản gửi UBND huyện Thạch Thất (Hà Nội) đề nghị xây dựng 2 khu đô thị trên địa bàn, hàng trăm nhà đầu tư đã đổ xô về khu vực này khiến “cơn sóng” đất bất ngờ được thổi lên làm cho giá đất tăng nhanh theo từng ngày, từng giờ.

Giá tăng chóng mặt

Xã Đồng Trúc đang yên bình, bỗng chốc sôi động với cảnh nhiều môi giới miệt mài "thổi giá" đất và hàng trăm khách hàng đi xem đất, sau thông tin Tập đoàn Vingroup đề nghị huyện Thạch Thất cho phép xây dựng 2 khu đô thị.

Một số người dân ở xã Đồng Trúc cho biết, sau khi có thông tin này, giá đất ở đây tăng lên từng ngày. Tăng giá chóng mặt nhất là khu đất phân lô giãn dân Quan Giai, chỉ trong vài ngày, nhiều lô đất đã tăng giá gấp 2 - 3 lần.

Theo chia sẻ của một người dân xã Đồng Trúc, khu này có vài chục lô đất phân lô diện tích từ khoảng 150 - 250m2, nhưng môi giới và khách tập trung hết ở đây, giới thiệu luôn cả những ô, thửa đất ở những khu vực khác.

Giá cả phổ biến dao động từ 5 triệu đồng/m2 đến vài chục triệu đồng/m2, đa số tăng lên gấp 2, thậm chí gấp 3 lần so với 10 ngày trước.

Đất tại Thạch Thất được phân lô, làm tường rào (Ảnh: TK)

Một số môi giới ở đây tiết lộ, trong hàng trăm người có mặt săn lùng đất, chỉ khoảng 10% là khách đến xem đất. Việc tăng giá, "thổi giá" từng giờ, từng phút tất cả là qua “cò” đất đưa ra, vì thực tế giao dịch thành công không nhiều.

Hình thức giao dịch đều là đặt cọc, viết giấy tay rồi ra phòng công chứng chứng thực giao dịch. Các “cò” đều có quân xanh, quân đỏ, nhìn mặt khách để “hét” giá. Nếu khách mới thì sẽ “hét” một giá khác, còn nếu là cùng là “cò” thì họ lại có chiến thuật khác.

Nhiều chiêu đẩy giá, làm giá được các “cò” sử dụng, như: đất có sổ đỏ chính chủ, diện tích đẹp, vị trí đẹp, nhiều người đã ra giá, nếu không mua nhanh người khác sẽ đặt cọc… Điều đáng chú ý, hầu như đội trung gian thi nhau đẩy giá, chủ yếu người này đặt cọc xong lại bán giấy đặt cọc cho người kia. Còn người đứng ra ôm một đống tiền trả một lúc là không thấy. Cơn sốt đất này đã làm lợi cho “cò” đất, nhiều “cò” cũng đã đút túi vài trăm triệu đồng, có những “cò” đút túi cả tỷ đồng.

Đại diện chính quyền xã Đồng Trúc cho biết, đang theo dõi, nắm bắt tình hình môi giới đẩy giá đất ở trên địa bàn vài ngày gần đây. Đúng là có nhiều người ở huyện Thạch Thất và cả môi giới bất động sản chuyên nghiệp ở nội thành Hà Nội về đua nhau đẩy giá đất. Tuy nhiên, lượng giao dịch thực tế không nhiều như đồn thổi.

Vẫn là chiêu cũ

Trước thông tin “náo loạn” giá đất ở Thạch Thất, ông Nguyễn Quốc Khánh, Chủ tịch Liên minh các sàn giao dịch bất động sản G5, cho biết, để đánh giá giá trị đất của khu vực, theo một nguyên tắc, nếu những vùng đất ở xa trung tâm, chưa có công trình công cộng, công trình thương mại, dịch vụ thì chưa có giá trị.

Việc các “cò” thổi giá đất ăn theo, khiến bất động sản khu vực này sốt nóng là do Tập đoàn Vingoup là chủ đầu tư có uy tín, khi dự án của Tập đoàn này ở đâu hoàn thành, thì giá đất xung quanh đó cũng tăng giá. Hơn nữa, bộ mặt chung của địa phương, đời sống của khu vực đó tốt hơn, khiến nhiều “cò” lợi dụng điểm này để thổi giá đất.

Đánh giá về cơn sốt đất tại Thạch Thất, ông Nguyễn Văn Đính, Phó Chủ tịch Hội Môi giới bất động sản Việt Nam cho rằng, tình trạng này xảy ra giống như Vũng Tàu vừa qua. Tại Bà Rịa - Vũng Tàu, mặc dù tỉnh mới có chấp thuận để Vingroup khảo sát, nghiên cứu phương án đầu tư mà giá bất động sản ở đây đã tăng hàng ngày.

Môi giới và khách hàng nườm nượp kéo về Thạch Thất (Ảnh: TK)

Về những rủi ro khi mua đất nền chưa rõ ràng về pháp lý, quy hoạch, theo ông Đính, từ chủ trương khảo sát nghiên cứu đến lúc thực hiện dự án có thời gian rất dài. Khi chưa có quy hoạch, khách hàng mua đất xung quanh đó, trên thực tế có thể khi dự án thực hiện, ngay quy hoạch của dự án sau này đã trùm vào đất mua. Điều đó cho thấy độ rủi ro là rất lớn, chưa thấy giá trị gia tăng ở đâu, trong khi đó đất có thể bị thu hồi.

Thêm nữa, đổ tiền đầu tư vào đất chưa có quy hoạch quá dài, không biết đến bao giờ mới có cơ hội tăng giá, nếu đất mua không vào quy hoạch thì ở xa khu vực dự án quá cũng không được hưởng từ kỳ vọng tăng giá.

Còn trong trường hợp may mắn mua được đất ở sát dự án cũng cần thực tế đầu tư dài trong nhiều năm, để hoàn chỉnh phải chờ đợi lâu.

“Găm tiền vào đó nếu đầu tư sinh lời thì không ai đầu tư lâu, nếu tính theo giá trị vốn là lỗ, hoặc nếu do quá lâu thì cắt lỗ, mà như thế thị trường sẽ thành hỗn loạn”, Phó Chủ tịch Hội Môi giới bất động sản Việt Nam nói.

Theo ông Đính, về cơ bản, Tập đoàn Vingoup mới có đề xuất nghiên cứu dự án, chưa có gì rõ ràng, thời gian hiện thực còn kéo dài nhiều năm nữa. Việc mua đất ở khu vực này ảnh hưởng đến việc đền bù, giải phóng mặt bằng của dự án, gây hỗn loạn tình hình chung. Nếu tình hình này tiếp diễn, thậm chí chủ đầu tư có thể bỏ cuộc, vì giá đền bù cao, kinh doanh sẽ lỗ.

“Các nhà đầu tư nhỏ lẻ cần hết sức bình tĩnh, khi đầu tư phải chờ đợi quy hoạch và các thông tin chính thức, không thể mập mờ ăn may sẽ dẫn đến rủi ro cao, nhẹ thì thua lỗ, nặng thì bị thu hồi đất. Đầu tư cần sinh lợi lớn, nhưng đất đã bị thổi lên gấp đôi gấp ba thì rủi ro ở mức cực kỳ báo động, do đó các nhà đầu tư nhỏ lẻ không nên tham gia”, Phó Chủ tịch Hội Môi giới bất động sản Việt Nam cảnh báo.

Phạm Minh