CỔNG THÔNG TIN VÀ ĐẦU TƯ QUỐC TẾ
Chị Dương Thị Thúy Hằng – Founder & CEO Bánh tráng phơi sương My My.
Xuất hiện trong tập 15 chương trình Shark Tank Việt Nam mùa 6, chị Dương Thị Thúy Hằng – Founder & CEO Bánh tráng phơi sương My My kêu gọi 2 tỷ đồng đổi lấy 10% cổ phần, nhằm đầu tư thêm máy móc sản xuất và mở rộng diện tích khu phơi sương.
Startup ra đời với mong muốn mang đặc sản bánh tráng phơi sương chất lượng và đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm của Tây Ninh đến khắp mọi miền đất nước, đồng thời vươn ra thị trường quốc tế.
Được thành lập từ năm 2020, Bánh tráng phơi sương My My mất khoảng 1 năm rưỡi để xây dựng và hoàn thiện nhà máy trước khi bán hàng ra thị trường. Sau thời gian đầu bán qua kênh online, hiện nay sản phẩm đã được lên kệ của hệ thống siêu thị Co.opmart. Kế hoạch sắp tới là sẽ tiếp tục đưa thêm vào một số mặt hàng ăn vặt mới.
"Kết quả kinh doanh hiện nay có "ngon" như bánh tráng của em không?", Shark Nguyễn Hòa Bình đặt câu hỏi.
"Giai đoạn này hầu như là em còn đang lỗ", chị Thúy Hằng thẳng thắn nêu vấn đề. Chị thừa nhận kinh nghiệm trước đây của mình không liên quan đến bánh tráng hay chuyên sâu về thực phẩm nên tốn rất nhiều thời gian nghiên cứu, kể cả về bao bì.
Doanh số năm 2022 của Bánh tráng phơi sương My My là 1 – 1,2 tỷ đồng, lợi nhuận khoảng 40-50%. Năm nay, do bán online không hiệu quả nên startup bắt đầu bán qua siêu thị. Tuy nhiên, khi bán qua kênh này thì giai đoạn đầu phải giới thiệu cho khách hàng biết.
Khi Shark Minh Beta hỏi kênh bán online hiện chiếm bao nhiêu phần trăm, chị Thúy Hằng lại thật thà: "Trên Shopee và TikTok bây giờ mọi người bán rất rẻ, em không cạnh tranh nổi nên không chạy nhiều, không quảng cáo luôn, gần như chỉ còn những khách quen đặt". Do vậy, giai đoạn này công ty chủ yếu bán qua kênh siêu thị và cửa hàng tiện lợi.
Về công nghệ sản xuất, nữ CEO cho biết máy móc chiếm một phần, nhưng có những khâu thủ công chị phải giữ lại. Sản phẩm chủ lực của startup hiện nay là đồ ăn vặt, với tầm nhìn chủ yếu tập trung vào bán trực tiếp cho người tiêu dùng. Chị Thúy Hằng cho rằng bánh tráng trong tương lai sẽ cạnh tranh rất mạnh với những mặt hàng snack hiện tại.
"Em nghĩ em là người đầu tiên làm bánh tráng phơi sương mà có ISO", chị tự hào. Nhờ vậy, khi đưa sản phẩm tới các triển lãm, các công ty thương mại cũng tìm đến Bánh tráng phơi sương My My.
Tuy nhiên, chị Thúy Hằng thừa nhận thương hiệu của mình chưa đưa ra được mức giá tốt. Cụ thể, giá sản phẩm đang cao hơn 30-40% so với thị trường.
Sau khi nghe startup trình bày, Shark Lê Hàn Tuệ Lâm nhận định sản phẩm "đang trong giai đoạn vừa đi vừa dò".
"Tôi tin sản phẩm của bạn tốt, nhưng về kinh doanh thì phải tìm cách vận hành tối ưu, đưa ra được mức giá cạnh tranh trên thị trường. Tôi không hình dung được khi đầu tư sẽ giúp được gì, nên sẽ không đầu tư", nữ "cá mập" rút lui.
Theo quan điểm của Shark Phạm Thanh Hưng, những sản phẩm truyền thống muốn khác biệt thì phải có hướng đi khác, cách làm khác, ví dụ như công nghiệp hóa những sản phẩm truyền thống hoặc thủ công hóa những sản phẩm công nghiệp.
"Tôi biết có nhiều người làm bánh tráng bên châu Âu doanh thu tới hàng trăm tỷ, bạn có thể chuyển giao công nghệ làm bánh tráng này cho những Việt kiều ở nước ngoài, hoặc làm ra sản phẩm đủ tiêu chuẩn để xuất khẩu sang những nơi cộng đồng người Việt đang sống như Úc, Mỹ", ông đưa ra lời khuyên, nhưng từ chối đầu tư vì cho rằng startup nên tiếp tục theo mô hình hiện tại rồi tìm đối tác thật lớn giúp bao tiêu sản phẩm.
Shark Minh Beta không đầu tư bởi hiện tại chưa thể nhận định về khả năng thành công và phát triển của doanh nghiệp. Còn khẩu vị đầu tư của Shark Bình thiên về xây dựng các doanh nghiệp thật lớn mạnh, nên cũng từ chối.
"Bạn là người rất thật thà, nãy giờ kể hết những cái khó. Đó là điều đáng trân trọng, giúp tạo lòng tin với các đối tác", Shark Lê Hùng Anh nhận xét.
Dù bày tỏ mong muốn ra deal, nhưng cuối cùng vị "cá mập" đến từ Quảng Nam cũng quyết định từ chối, khiến Bánh tráng phơi sương My My ra về tay trắng.