CỔNG THÔNG TIN VÀ ĐẦU TƯ QUỐC TẾ

Tài trợ khởi nghiệp công nghệ tại Đông Nam Á giảm sút năm thứ ba liên tiếp

Invest Global 11:20 23/01/2025

Theo báo cáo mới nhất từ Tracxn, các công ty khởi nghiệp công nghệ trong khu vực chỉ huy động được 2,84 tỷ USD trong năm vừa qua, giảm 59% so với 7 tỷ USD vào năm 2023 và giảm 80% so với 14,2 tỷ USD vào năm 2022.

Báo cáo Tracxn tổng hợp từ nguồn dữ liệu công khai, do đó sẽ có chênh lệch với nguồn vốn tài trợ thực tế. Theo Tracxn, hệ sinh thái công nghệ tại Đông Nam Á đang chịu tác động từ nền kinh tế toàn cầu, dẫn đến sự suy giảm đáng kể về nguồn vốn tài trợ. 

DÒNG VỐN GIẢM 59% SO VỚI NĂM 2023 

Theo báo cáo, các công ty khởi nghiệp công nghệ trong khu vực trong năm vừa qua chỉ huy động được 2,84 tỷ USD, với 420 vòng gọi vốn, giảm 59% so với 7 tỷ USD vào năm 2023 và giảm 80% so với 14,2 tỷ USD vào năm 2022.

Tổng vốn tài trợ khởi nghiệp tại Đông Nam Á - Nguồn: TracxnTổng vốn tài trợ khởi nghiệp tại Đông Nam Á - Nguồn: Tracxn

Trong đó, các khoản đầu tư ở giai đoạn cuối ghi nhận sụt giảm mạnh nhất, giảm 76,9%, từ 4,1 tỷ USD năm 2023 xuống còn 948 triệu USD vào năm 2024. Nguồn tài trợ hạt giống cũng không tránh khỏi diễn biến chung, chỉ đạt 373 triệu USD trong năm 2024, giảm 52,4% so với con số 783 triệu USD của năm trước. Tài trợ ở giai đoạn đầu đạt 1,5 tỷ USD, giảm 28,6% so với năm 2023. Những con số này cho thấy sự thu hẹp đáng kể ở tất cả các giai đoạn đầu tư.

Riêng trong nửa cuối năm 2024, hệ sinh thái khởi nghiệp Đông Nam Á đã huy động được 1,1 tỷ USD qua 133 giao dịch, giảm 40,59% so với mức 1,8 tỷ USD của nửa đầu năm. Con số này cho thấy mức giảm đáng kể - 57% so với 2,4 tỷ USD được huy động trong nửa cuối năm 2023.

Đáng chú ý, quý 4/2024 đánh dấu mức tài trợ thấp nhất trong vòng 5 năm qua, với chỉ 494,8 triệu USD được huy động qua 62 vòng gọi vốn. Con số này giảm 12,65% so với quý 3/2024 và sụt giảm đáng kể 62,9% so với cùng kỳ năm 2023.

Về tỷ trọng vốn, 67% tổng nguồn vốn tài trợ trong năm vừa qua thuộc về Singapore, tiếp theo là Indonesia và Thái Lan. Theo đó, các công ty khởi nghiệp công nghệ tại Singapore đã huy động đến 1,9 tỷ USD trong năm 2024, vượt xa các khu vực còn lại trong khu vực. 

Bà Neha Singh, đồng sáng lập của Tracxn cho biết: “Mặc dù đầu tư giảm mạnh, các lĩnh vực công nghệ chính như finTech, cleanTech và Blockchain vẫn đi đầu, được thúc đẩy bởi sự phát triển của thị trường và các sáng kiến mạnh mẽ của chính phủ”.

Cũng theo bà Neha Singh, những thách thức sẽ giúp các công ty khởi nghiệp công nghệ Đông Nam Á thích ứng tốt hơn, điều này giúp hệ sinh thái khu vực sẽ vươn lên mạnh mẽ hơn, và trở thành nền tảng cho tăng trưởng cũng như các công nghệ đột phá trong tương lai

FINTECH LÀ LĨNH VỰC DẪN ĐẦU VỀ THU HÚT VỐN ĐẦU TƯ 

Theo báo cáo, fintech tiếp tục giữ vị trí dẫn đầu trong bảng xếp hạng tài trợ, với nguồn vốn huy động đạt 1,4 tỷ USD trong năm 2024. Các ngành công nghiệp mới nổi như cleanTech và Blockchain cũng đang cho thấy tiềm năng hút vốn trong năm tới, nhờ vào chính sách pháp lý ngày càng thuận lợi cùng sự quan tâm ngày càng lớn từ các nhà đầu tư. Điều này dự báo những cơ hội tăng trưởng đáng kể của ngành trong tương lai gần.

Tài trợ khởi nghiệp fintech qua các năm tại Đông Nam Á - Nguồn: TracxnTài trợ khởi nghiệp fintech qua các năm tại Đông Nam Á - Nguồn: Tracxn

Mặc dù tổng số vụ mua lại tại khu vực trong năm 2024 giảm 17%, từ 76 giao dịch năm 2023 xuống còn 63 giao dịch trong năm vừa qua, vẫn còn các thương vụ lớn. Điển hình là việc EQT (công ty đầu tư Thuỵ Điển) mua lại PropertyGuru (công ty công nghệ bất động sản Singapore) trị giá 1,1 tỷ USD và thương vụ mua lại trị giá 154 triệu USD của NTT (công ty công nghệ Nhật Bản) với GHL (công ty công nghệ tài chính Malaysia). 

Năm 2024, toàn khu vực chỉ ghi nhận sự xuất hiện của một kỳ lân mới, đó là công ty công nghệ Blockchain, Polyhedra Network (Singapore). Kết quả này tương tự như năm 2023.

Số lượng chào bán công khai lần đầu (IPO) cũng giảm hơn 50%, từ 13 thương vụ năm 2023 xuống chỉ còn 6 thương vụ trong năm nay.

Trong khi báo cáo đặc biệt nhấn mạnh năm 2025, nguồn vốn sẽ tiếp tục chảy vào các lĩnh vực tăng trưởng cao như fintech, cleantech và Blockchain. Indonesia và Việt Nam là hai thị trường lọt vào top 5 quốc gia hàng đầu thế giới trong việc áp dụng tiền điện tử.

Ngoài ra, Singapore cũng ghi nhận tăng trưởng trong lĩnh vực trí tuệ nhân tạo (AI), với số lượng bằng sáng chế liên quan đến AI tăng 50% trong vòng 5 năm qua. 

Trong năm vừa qua, các chính phủ khu vực đã tích cực ban hành nhiều chiến lược nhằm giảm thiểu thách thức kinh tế đồng thời thúc đẩy hỗ trợ tăng trưởng khởi nghiệp.

Ví dụ, Singapore đã phân bổ 440 triệu SGD (328,5 triệu USD) cho chương trình Startup SG Equity để thúc đẩy đổi mới công nghệ sâu. Malaysia ban hành Tài liệu hành động KL20 để trở thành trung tâm khởi nghiệp toàn cầu vào năm 2030, được hỗ trợ bởi Quỹ Quốc gia trị giá 226 triệu USD.

Hay Việt Nam cũng đưa ra Chiến lược cơ sở hạ tầng kỹ thuật số với mục tiêu phủ sóng mạng 5G trên toàn quốc vào năm 2030.

Tin tức khởi nghiệp