CỔNG THÔNG TIN VÀ ĐẦU TƯ QUỐC TẾ

Tăng cường quản lý chất lượng sản phẩm vật liệu xây dựng

Invest Global 08:44 13/12/2024

Phản ánh về Bộ Xây dựng, nhiều ý kiến cho biết tình trạng buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả, hàng nhái các sản phẩm vật liệu xây dựng diễn ra phổ biến. Điều này không chỉ tác động tiêu cực đến sản xuất, tiêu thụ vật liệu xây dựng chất lượng tốt sản xuất trong nước, mà còn có nguy cơ làm suy giảm chất lượng công trình xây dựng…

Theo thống kê của Bộ Xây dựng, trong giai đoạn 2014 - 2021, ngành vật liệu xây dựng Việt Nam phát triển rất mạnh mẽ, đã xuất khẩu thành công nhiều sản phẩm chủ lực như xi măng, gạch ốp lát, thiết bị vệ sinh, kính xây dựng… sang các thị trường quốc tế. Tuy nhiên, từ năm 2022 đến nay, ngành này gặp nhiều khó khăn trong việc sản xuất và tiêu thụ, do phải đối mặt với sự cạnh tranh không lành mạnh từ các sản phẩm kém chất lượng, hàng giả và hàng nhái, hàng nhập lậu trôi nổi trên thị trường.

Bộ Xây dựng đã nhận được rất nhiều ý kiến từ các hiệp hội, doanh nghiệp vật liệu xây dựng, phản ánh và đề nghị cần có những giải pháp xử lý nghiêm tình trạng trên, đặc biệt là sự lẫn lộn giữa các sản phẩm tốt với sản phẩm kém chất lượng.

Đại diện Công ty cổ phần Bê tông và Xây dựng Vinaconex Xuân Mai, chia sẻ: “Xuân Mai có sản phẩm tấm tường Acotec với dây chuyền sản xuất được nhập khẩu đồng bộ từ Elematic (Phần Lan) năm 2015. Sản phẩm tấm tường đều được hợp chuẩn, hợp quy theo đúng quy định của pháp luật. Sản phẩm có độ chính xác cao, với độ phẳng có thể sơn bả trực tiếp mà không phải trát, rất được ưa chuộng trên thị trường”.

KHI TỐT - XẤU, THẬT - GIẢ LẪN LỘN

Sau sự thành công của Xuân Mai, một số đơn vị cũng đầu tư dây chuyền sản xuất tương tự nhưng không chính hãng, hoặc sản xuất chạy theo số lượng, dẫn đến sản phẩm tạo ra kém chất lượng, không ổn định. Các sản phẩm này khi bán ra thị trường gây nhầm lẫn cho chủ đầu tư và khách hàng, làm ảnh hưởng đến thương hiệu tấm tường Acotec - Xuân Mai. Công ty phải mất rất nhiều thời gian để lấy lại lòng tin của các chủ đầu tư, cũng như phối hợp với đơn vị cung cấp công nghệ, yêu cầu các đơn vị cung cấp sản phẩm tương tự này không được sử dụng thương hiệu tấm tường Acotec.

Tăng cường quản lý chất lượng sản phẩm vật liệu xây dựng - Ảnh 1

Với ngành xi măng cũng tương tự. PGS.TS. Lương Đức Long, Tổng Thư ký Hội Xi măng Việt Nam, nhận định ngành xi măng Việt Nam có một lịch sử lâu dài và đóng vai trò quan trọng, đặc biệt trong giai đoạn hiện nay, khi chúng ta thực hiện công cuộc công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Tuy nhiên, trong 2 năm gần đây, ngành xi măng gặp rất nhiều khó khăn. Cụ thể, trong năm 2023, sản xuất và tiêu thụ xi măng sụt giảm mạnh, 9 tháng đầu năm 2024, tổng lượng tiêu thụ lại tiếp tục giảm so với cùng kỳ 2023. Mặc dù đến tháng 10/2024, tình hình có phần cải thiện, nhưng nhìn tổng thể, 2023 và 2024 đều là hai năm rất khó khăn trong việc tiêu thụ xi măng tại Việt Nam.

Một trong những yếu tố gây khó khăn cho ngành, theo ông Long, chính là vấn đề quản lý chất lượng hàng hóa. “Hiện nay, có nhiều nhà sản xuất không đủ điều kiện về trang thiết bị và nhân lực nhưng vẫn đưa ra thị trường những sản phẩm có tên gọi, nhãn mác gần giống với các sản phẩm chất lượng cao, gây khó khăn cho người tiêu dùng, nhà thầu và nhà đầu tư khi lựa chọn sản phẩm cho công trình, đặc biệt là ở khu vực phía Nam. Điều này gây ra sự cạnh tranh không lành mạnh, làm rối loạn thị trường và ảnh hưởng đến các nhà sản xuất xi măng uy tín, ảnh hưởng xấu đến ngành”, ông Long nhìn nhận.

Khó khăn nữa mà các doanh nghiệp sản xuất, phân phối vật liệu xây dựng trong nước phải đối mặt là việc hàng hóa nhập khẩu giá rẻ, hàng không rõ nguồn gốc trôi nổi trên thị trường, thiếu sự kiểm soát.

Từ năm 2023 đến tháng 6/2024, đã có nhiều dây chuyền sản xuất kính xây dựng phải dừng sản xuất trên 6 tháng. Hầu hết các nhà máy sản xuất gạch ốp lát và sứ vệ sinh cũng phải ngưng sản xuất 2-3 tháng và chỉ hoạt động được khoảng 50-70% công suất. Sản lượng tiêu thụ và doanh thu đều giảm sâu, dẫn đến nguy cơ đình trệ hoạt động sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp, mất việc làm của nhiều người lao động, tác động không tốt đến phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

CHI PHÍ SỬA CHỮA CÓ THỂ LÊN TỚI 15% GIÁ TRỊ CÔNG TRÌNH 

Về thực trạng nêu trên, ông Nguyễn Trần Tuấn Nghĩa, Chủ tịch Hiệp hội Kính và Thủy tinh Việt Nam, phân tích: “Thực trạng ngành kính hiện nay có sự tác động của nhiều yếu tố, một phần là do tình hình kinh tế thế giới và sự trì trệ của thị trường bất động sản Việt Nam. Tuy nhiên, yếu tố quan trọng không thể không nhắc đến là sự tràn lan của các sản phẩm kính không rõ nguồn gốc, không đảm bảo chất lượng vào Việt Nam. Nếu không kiểm soát chất lượng chặt chẽ, sản phẩm kính có thể gây ra những sự cố nghiêm trọng như các vụ kính vỡ trong cơn bão Yagi khiến cả tòa nhà vỡ kính, gây nguy hiểm. Mặc dù chưa có phân tích sâu về nguyên nhân cụ thể của những sự cố này, nhưng tôi tin rằng việc kiểm soát chất lượng kính là hết sức cần thiết”.

Nhiều ý kiến cũng cho rằng các nước nhập khẩu vật liệu xây dựng của Việt Nam áp dụng biện pháp quản lý chất lượng hàng nhập khẩu rất khắt khe, thông qua đánh giá, giám sát trước và trong khi lưu thông sản phẩm hàng hóa. Đối với đánh giá trước khi lưu thông, sẽ áp dụng tại nơi sản xuất và nơi làm thủ tục nhập khẩu. Việc đánh giá tại nơi sản xuất bao gồm đánh giá quá trình sản xuất dựa trên hệ thống kiểm soát chất lượng và các yêu cầu khác như trách nhiệm xã hội, tiêu chuẩn hạ tầng của cơ sở sản xuất. Đồng thời, còn yêu cầu giám sát thông qua thử nghiệm mẫu lấy tại nơi sản xuất.

Trong khi đó, nước ta lại chưa có cơ chế, chính sách, tiêu chuẩn, quy chuẩn rõ ràng để kiểm soát chất lượng sản phẩm vật liệu xây dựng nhập khẩu. “Doanh nghiệp trong nước phải bỏ ra nhiều thời gian và chi phí để đáp ứng các yêu cầu kỹ thuật và hoàn thành thủ tục xin cấp chứng chỉ, chứng nhận phù hợp. Trong khi các nhà sản xuất nước ngoài có hàng hóa nhập khẩu vào Việt Nam lại được áp dụng các yêu cầu kỹ thuật, quy trình, thủ tục đơn giản hơn so với chính họ đang chịu áp dụng tại nước mình”, ông Vũ Quốc Hùng, Tổng thư ký Hội đồng, Hiệp hội Gốm sứ xây dựng Việt Nam, bày tỏ.

Ông Hùng chia sẻ thêm, trong nhiều năm qua, Hiệp hội Gốm sứ xây dựng Việt Nam đã liên tục kiến nghị Chính phủ và các cơ quan quản lý Nhà nước về việc thiết lập hàng rào kỹ thuật, đề nghị thực hiện kiểm tra đầu nguồn đối với các nhà sản xuất gạch ốp lát, sứ vệ sinh nước ngoài có hàng nhập khẩu vào Việt Nam. Ngày 2/7/2024, Hiệp hội cũng đã gửi Công văn số 61/2024-GSXD về việc tăng cường biện pháp quản lý sản phẩm gạch ốp lát, thiết bị vệ sinh nhập khẩu lên Bộ Xây dựng đề nghị Chính phủ tạo sự công bằng pháp lý bằng việc thiết lập chứng nhận về chất lượng sản phẩm gạch ốp lát nhập khẩu vào Việt Nam.

Qua đó giúp ngành sản xuất gạch ốp lát trong nước có sự cạnh tranh công bằng với các sản phẩm nhập khẩu, đảm bảo quản lý chất lượng hàng nhập khẩu vào thị trường Việt Nam như các nước hiện đang yêu cầu cấp chứng nhận cho hàng nhập khẩu; đồng thời, đảm bảo chất lượng công trình xây dựng…

Nhiều người cũng bày tỏ lo ngại về việc các công trình sử dụng sản phẩm nhập khẩu từ nước ngoài nhưng chất lượng kiểm soát chưa tốt, sẽ khó đảm bảo chất lượng công trình theo thời gian, gây thiệt hại cho ngành xây dựng trong nước.

“Các vật liệu chủ lực như xi măng, gạch ốp lát, sứ vệ sinh, kính xây dựng, nếu không được kiểm soát chất lượng có thể gây thiệt hại cho ngành xây dựng. Vật liệu xây dựng chiếm khoảng 60-70% chi phí công trình nên nếu vật liệu không đảm bảo chất lượng, chi phí sửa chữa, thay thế có thể lên tới 50% giá trị vật liệu ban đầu. Với các công trình có tổng giá trị 100 tỷ đồng, chi phí sửa chữa có thể lên tới 40 tỷ đồng, nếu sử dụng vật liệu kém chất lượng”, ông Lê Trung Thành, Vụ trưởng Vụ Vật liệu xây dựng (Bộ Xây dựng), khuyến cáo...

Nội dung đầy đủ của bài viết được đăng tải trên Tạp chí Kinh tế Việt Nam số 50 -2024 phát hành ngày 9/12/2024. Kính mời Quý độc giả tìm đọc tại đây:

https://postenp.phaha.vn/chi-tiet-toa-soan/tap-chi-kinh-te-viet-nam

Tăng cường quản lý chất lượng sản phẩm vật liệu xây dựng - Ảnh 2