CỔNG THÔNG TIN VÀ ĐẦU TƯ QUỐC TẾ

Tăng trưởng 2 con số bền vững: Điều kiện đặc biệt cần giải pháp đặc biệt

Invest Global 09:39 27/05/2025

Trong khi nhiều nền kinh tế trên thế giới đang hạ chỉ tiêu tăng trưởng do tác động của chiến tranh thương mại và chủ nghĩa bảo hộ, Việt Nam giữ vững mục tiêu tăng trưởng 8% trở lên trong năm 2025. Đây là một quyết định đòi hỏi những giải pháp đặc biệt và hành động quyết liệt.

Tuần qua, Quốc hội đã thảo luận về tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội những tháng đầu năm 2025. Phát biểu tại tổ, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho hay, trong bối cảnh khó khăn của thế giới, nhiều quốc gia, khu vực đều dự báo tăng trưởng kinh tế thấp hơn so với năm ngoái hoặc so với dự kiến ban đầu. Trái lại, Việt Nam đặt mục tiêu tăng trưởng GDP cao hơn dự kiến ban đầu, phấn đấu đạt từ 8% trong năm 2025 và hai con số trong những năm tới.

Điều kiện đặc biệt cần giải pháp đặc biệt

“Như vậy, chúng ta đi ngược xu thế thế giới về mục tiêu tăng trưởng, phải làm thế nào để hiệu quả và thành công”, Thủ tướng nhấn mạnh và đặt vấn đề.

Cái khó mà Thủ tướng nhắc đến là tình hình quốc tế diễn biến phức tạp, căng thẳng thương mại gia tăng, chính sách bảo hộ từ các nền kinh tế lớn. Điều này tiềm ẩn rủi ro đối với xuất khẩu và thu hút đầu tư nước ngoài đến Việt Nam.

-9315-1748245169.jpg

Cần chuyển mạnh từ tiền kiểm sang hậu kiểm, tạo điều kiện cho doanh nghiệp tự do gia nhập thị trường.

Khó khăn hiện hữu không chỉ đến từ tình hình quốc tế phức tạp, mà còn từ chính nội tại nền kinh tế, khi giải ngân vốn đầu tư công chưa đạt yêu cầu, sức mua yếu ở một số lĩnh vực; hàng giả, hàng nhái tràn lan khiến niềm tin người tiêu dùng bị ảnh hưởng đáng kể.

Tốc độ tăng trưởng GDP quý I đạt 6,93% là một con số tích cực. Tuy nhiên, theo tính toán, để đạt mục tiêu cả năm, các quý còn lại phải đạt bình quân 8,4% - một thử thách lớn ở bối cảnh hiện nay.

“Trong điều kiện đặc biệt phải có giải pháp đặc biệt”, Thủ tướng chỉ ra.

Người đứng đầu Chính phủ cho biết chúng ta đang tiến hành tích cực 3 đột phá chiến lược về thể chế, hạ tầng và nhân lực. Trong đó, thể chế là điểm nghẽn của điểm nghẽn, đồng thời là đột phá của đột phá, là động lực. Chính phủ quyết tâm trong năm 2025 cơ bản tháo gỡ các điểm nghẽn thể chế, từ đó biến thể chế thành lợi thế cạnh tranh.

Nhận định này đồng nhất với nội dung báo cáo mà Ngân hàng Thế giới (WB) công bố tuần trước mang tên "Việt Nam 2045 - Đột phá: Thể chế cho một tương lai thu nhập cao" với nhận định từ kinh nghiệm quốc tế cho thấy, các quốc gia vượt qua bẫy thu nhập trung bình và vươn lên vị thế thu nhập cao đều nhờ liên tục cải thiện chất lượng thể chế.

Cùng với 3 đột phá chiến lược, Việt Nam đang quyết liệt triển khai bộ tứ trụ cột theo các Nghị quyết của Bộ Chính trị: Nghị quyết 57-NQ/TW về đột phá phát triển khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số; Nghị quyết 59-NQ/TW về hội nhập quốc tế trong tình hình mới; Nghị quyết 66-NQ/TW về đổi mới công tác xây dựng và thực thi pháp luật; Nghị quyết 68-NQ/TW về phát triển kinh tế tư nhân.

Trong đó, Nghị quyết số 66 và Nghị quyết số 68 vừa được thể chế hóa ngay thành Nghị quyết số 197 và Nghị quyết số 198 tại Kỳ họp thứ 9. 

Nhiều ý kiến thống nhất đây là “bước tiến đột phá trong tư duy quản lý và thiết kế thể chế”. Bây giờ khâu triển khai thực hiện cần làm tốt để từ nay tới 6 tháng cuối năm đạt mục tiêu tăng trưởng 8% trở lên. Như đại biểu Nguyễn Như So cảnh báo: “Nếu không hành động cụ thể, rất dễ rơi vào tình trạng lặp lại mục tiêu cũ nhưng không có kết quả mới”.

Làm thế nào để ‘đi ngược chiều gió’?

Đại biểu Nguyễn Như So nhấn mạnh thực hiện một cuộc “đại phẫu thể chế” thực sự, bắt đầu từ việc giao chỉ tiêu cắt giảm thủ tục hành chính cụ thể cho từng bộ, ngành, có cơ chế giám sát và chế tài rõ ràng.

Ông đề xuất thí điểm "cơ chế giấy phép im lặng": Nếu cơ quan nhà nước không phản hồi trong thời hạn xử lý, doanh nghiệp được mặc nhiên triển khai. Cơ chế này có thể áp dụng trước cho các thủ tục có tính chất phê duyệt rõ ràng như đăng ký kinh doanh có điều kiện, cấp phép xây dựng và chứng nhận đầu tư cho dự án qui mô nhỏ... Điều này sẽ thể hiện mạnh mẽ tinh thần chuyển đổi tư duy “cam kết - chịu trách nhiệm” thay cho “xin – cho” vốn đã lỗi thời.

Tương tự, bà Mariam J. Sherman, Giám đốc WB tại Việt Nam, Campuchia và Lào cho rằng Việt Nam cần thực hiện những cải cách quyết liệt hơn nữa - "một cú hích thể chế mang tính đột phá". Theo bà, ‎đầu tư công cần được quản lý hiệu quả hơn. Khung pháp lý và quy định cần được hoàn thiện giúp môi trường kinh doanh minh bạch, ổn định và dễ dự đoán hơn. Quản trị địa phương cũng cần được nâng cao thông qua việc trao quyền tự chủ, tăng trách nhiệm giải trình và phối hợp tốt hơn giữa các tỉnh, thành.

Chính phủ đang chỉ đạo quyết liệt làm mới các động lực tăng trưởng truyền thống gồm đầu tư, xuất khẩu, tiêu dùng với các giải pháp đột phá. Cùng với đó, thúc đẩy các động lực tăng trưởng mới như khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số, kinh tế số, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, kinh tế chia sẻ…

Ông Hoàng Văn Cường, nguyên Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế Quốc dân lưu ý, bên cạnh việc đàm phán thuế đối ứng với Mỹ để tiếp tục giữ vững thị trường xuất khẩu truyền thống thì cũng cần giữ vững thị trường nội địa, bởi nếu không cẩn trọng, sản phẩm hàng hóa các nước sẽ tràn vào, cạnh tranh trực tiếp với hàng Việt Nam.

Chuyên gia nhấn mạnh cần kiểm soát tốt tình trạng hàng giả, hàng nhái, hàng nhập lậu để khuyến khích kinh tế tư nhân trong nước phát triển. Bên cạnh đó, thúc đẩy tiêu dùng trong nước thông qua các chính sách như tiếp tục giảm thuế VAT 2%; hoãn thời gian thi hành một số luật liên quan đến thuế tiêu thụ đặc biệt; thực hiện giãn hoãn các loại thuế, phí…

Có thể thấy, điểm chung trong mọi phân tích đó là “không có phép màu cho tăng trưởng”, chỉ có cải cách thực chất và hành động cụ thể. Đây là thời điểm Việt Nam phải hành động quyết liệt, đồng bộ với tinh thần dám trao quyền, dám chịu trách nhiệm.

-9561-1748245169.jpg

 Ông James Anderson, Chuyên gia trưởng về khu vực công của WB

 Tỷ lệ giải ngân đầu tư công của Việt Nam hiện nay vẫn còn thấp hơn so với mức trung bình 96% ở các nước thu nhập cao. Để cải thiện thực chất, hệ thống đầu tư công cần thay đổi từ gốc, tức các quy trình, thể chế và cơ chế phối hợp giữa các cấp, ngành. Cải cách thủ tục hành chính như Đề án 30, Nghị quyết 19 hay Nghị quyết 68… dù đã có tiến bộ, nhưng sau một thời gian đôi khi có doanh nghiệp gặp vấn đề phức tạp.

-8210-1748245169.jpg

 PGS. TS Trần Đình Thiên, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, thành viên Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng

 Khu vực kinh tế tư nhân được xác định là một động lực quan trọng song thực tế khu vực này vẫn yếu và gặp nhiều rào cản về thể chế, năng lực cạnh tranh và tiếp cận nguồn lực. Đảng, Chính phủ quyết tâm cao, thực hiện cải cách từ trên xuống, chuyển cơ chế từ xin - cho sang chủ động chịu trách nhiệm và trao quyền thực chất cho địa phương. Thể chế cần bảo đảm sự công bằng trong tiếp cận nguồn lực, xóa bỏ phân biệt đối xử giữa doanh nghiệp nhà nước và tư nhân.

-9387-1748245169.jpg

 Ông Đậu Anh Tuấn, Phó Tổng Thư ký, kiêm Trưởng ban Pháp chế Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam

 Cần tiếp tục duy trì đổi mới từ tiền kiểm sang hậu kiểm, để doanh nghiệp tự do gia nhập thị trường. Nếu làm tốt, hệ sinh thái doanh nghiệp có thể nâng lên một bậc mới, năng động hơn, sáng tạo hơn và hiệu quả hơn. Gần đây, đã có sự thay đổi tư duy, bước tiến lớn của hệ thống lập pháp Việt Nam là rút ngắn thời gian xây dựng luật. Trước đây, một bộ luật có thể mất tới hai năm để hoàn thiện, nhưng hiện tại thời gian sẽ phải rút ngắn xuống còn khoảng 6 tháng.

Đỗ Kiều

Môi trường kinh doanh