CỔNG THÔNG TIN VÀ ĐẦU TƯ QUỐC TẾ

Tăng trưởng tín dụng tạo sức bật cho nền kinh tế

Invest Global 14:27 13/12/2021

Với việc triển khai đồng bộ các giải pháp, đến cuối tháng 11/2021, tín dụng toàn nền kinh tế đạt trên 10,18 triệu tỷ đồng, tăng 10,77% so với cuối năm 2020.

tang truong tin dung tao suc bat cho nen kinh te TS. Nguyễn Tuấn Anh

Tính đến cuối tháng 11/2021 tín dụng tăng 10,77%. Liệu tăng trưởng tín dụng có đạt 12% như kế hoạch và NHNN có giải pháp nào để tiếp tục mở rộng tín dụng hỗ trợ nền kinh tế phục hồi tích cực hơn trong giai đoạn tới? Trả lời phỏng vấn Thời báo Ngân hàng, TS. Nguyễn Tuấn Anh - Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế (NHNN) đã chia sẻ nhiều thông tin đáng chú ý về vấn đề này.

Ông có thể cho biết các giải pháp của ngành Ngân hàng trong việc duy trì tăng trưởng tín dụng hỗ trợ nền kinh tế?

Trước tác động tiêu cực của dịch bệnh Covid-19, thời gian qua, bám sát các chỉ đạo của Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, NHNN Việt Nam và hệ thống các TCTD đã chủ động, quyết liệt triển khai hiệu quả nhiều giải pháp nhằm tháo gỡ khó khăn về tín dụng cho sản xuất - kinh doanh, góp phần khôi phục và hỗ trợ tăng trưởng kinh tế.

Về hỗ trợ giảm lãi suất cho vay, NHNN đã liên tiếp ba lần điều chỉnh giảm các mức lãi suất điều hành, trần lãi suất tiền gửi các kỳ hạn dưới 6 tháng, trần lãi suất cho vay ngắn hạn đối với các lĩnh vực ưu tiên (hiện ở mức 4,5%/năm), sẵn sàng hỗ trợ thanh khoản, tạo điều kiện cho TCTD giảm lãi suất cho vay. Song song với đó, NHNN thường xuyên chỉ đạo các TCTD tiết giảm tối đa chi phí hoạt động, dành nguồn lực để giảm lãi suất cho vay hỗ trợ khách hàng.

Kết quả, mặt bằng lãi suất cho vay đã giảm khoảng 1%/năm trong năm 2020 và xu hướng giảm lãi suất này được duy trì trong năm 2021 với mức giảm thêm khoảng 0,77%/năm. Bên cạnh đó, các TCTD đã miễn, giảm, hạ lãi suất cho trên 1,94 triệu khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch với dư nợ hơn 3,81 triệu tỷ đồng. Lũy kế từ ngày 23/01/2020 đến cuối tháng 11/2021, tổng số tiền lãi các TCTD đã miễn, giảm, hạ cho khách hàng khoảng 32.600 tỷ đồng.

Về điều hành tín dụng, trên cơ sở mục tiêu tăng trưởng kinh tế và lạm phát được Quốc hội và Chính phủ đề ra, NHNN xây dựng chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng định hướng cho cả năm, có điều chỉnh phù hợp với diễn biến, tình hình thực tế. Mặt khác, NHNN thường xuyên rà soát, xem xét điều chỉnh chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng đối với từng TCTD trên cơ sở tình hình hoạt động, năng lực tài chính và quản trị, điều hành của TCTD. NHNN luôn định hướng tín dụng tập trung vào lĩnh vực sản xuất kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên theo chủ trương của Chính phủ, kiểm soát chặt chẽ tín dụng đối với lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro.

Với việc triển khai đồng bộ các giải pháp, đến cuối tháng 11/2021, tín dụng toàn nền kinh tế đạt trên 10,18 triệu tỷ đồng, tăng 10,77% so với cuối năm 2020. Tín dụng đối với các ngành kinh tế đều có mức tăng trưởng cao hơn cùng kỳ 2020. Trong đó lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn, công nghiệp hỗ trợ, DN ứng dụng công nghệ cao tăng trưởng cao hơn nhiều tăng trưởng tín dụng chung. Riêng khách hàng bị ảnh hưởng dịch bệnh đã được TCTD cho vay mới lãi suất thấp hơn so với trước dịch với doanh số lũy kế từ 23/1/2020 đến cuối tháng 11/2021 đạt trên 7,1 triệu tỷ đồng cho hơn 1,2 triệu khách hàng.

Có thể nói, không chỉ đi đầu trong kịp thời ban hành các chính sách, NHNN còn thường xuyên rà soát, sửa đổi, bổ sung chính sách phù hợp với thực tế để hỗ trợ cho DN, nền kinh tế hiệu quả hơn. Cụ thể, từ năm 2020 đến nay, NHNN đã ba lần điều chỉnh, gia hạn các mốc thời gian của chính sách cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi, phí, giữ nguyên nhóm nợ tương ứng với sự ra đời của các Thông tư 01/2020/TT-NHNN, sau đó là Thông tư 03/2021/TT-NHNN và mới đây nhất Thông tư 14/2021/TT-NHNN sửa đổi Thông tư 01/2020/TT-NHNN. Cơ chế trên đã tạo điều kiện hơn nữa giúp khách hàng được cơ cấu lại nợ phù hợp với dòng tiền trong bối cảnh diễn biến của dịch bệnh phức tạp, mà không bị chuyển sang nhóm nợ có mức độ rủi ro cao hơn. Mặt khác khuyến khích TCTD cho vay mới để khách hàng duy trì, phục hồi sản xuất - kinh doanh. Đến cuối tháng 11/2021, các TCTD đã cơ cấu lại thời hạn trả nợ cho khoảng 600.000 khách hàng bị ảnh hưởng với dư nợ trên 283.000 tỷ đồng; lũy kế giá trị nợ đã cơ cấu từ 23/1/2020 khoảng 580.000 tỷ đồng.

tang truong tin dung tao suc bat cho nen kinh te Các TCTD cho vay mới lãi suất thấp hơn so với trước dịch với doanh số lũy kế từ 23/1/2020 đến cuối tháng 11/2021 đạt trên 7,1 triệu tỷ đồng cho hơn 1,2 triệu khách hàng

Còn các chính sách, giải pháp hỗ trợ theo chỉ đạo của Quốc hội, Chính phủ, ngành Ngân hàng đã thực hiện ra sao, thưa ông?

Song song với chủ động ban hành cơ chế riêng của Ngành, NHNN cũng kịp thời triển khai các chính sách hỗ trợ cho các đối tượng theo chỉ đạo của Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ. Đó là kịp thời ban hành các Thông tư hướng dẫn và thực hiện tái cấp vốn cho Ngân hàng Chính sách xã hội, lãi suất 0%/năm, không có tài sản bảo đảm để cho người sử dụng lao động vay trả lương ngừng việc và trả lương phục hồi sản xuất theo Nghị quyết, Quyết định của Chính phủ. Đến cuối tháng 11/2021, NHNN đã giải ngân tái cấp vốn cho Ngân hàng Chính sách xã hội để thực hiện giải ngân cho vay trên địa bàn 63 tỉnh, thành phố trên cả nước 976 tỷ đồng đối với 1.765 đơn vị sử dụng lao động.

NHNN cũng sớm ban hành thông tư quy định về tái cấp vốn đối với TCTD sau khi TCTD cho Vietnam Airlines vay và cơ cấu lại thời hạn trả nợ, giữ nguyên nhóm nợ, trích lập dự phòng rủi ro đối với khoản nợ của DN này do ảnh hưởng dịch. Đồng thời chỉ đạo các TCTD tháo gỡ khó khăn cho các hãng hàng không theo chỉ đạo của Chính phủ tại Nghị quyết 105/NQ-CP…

Dịch COVID-19 vẫn diễn biến khá phức tạp. Thời gian tới NHNN có giải pháp điều hành tín dụng nào để hỗ trợ tạo sức bật cho nền kinh tế, thưa ông?

Có thể thấy với quyết tâm cao của Quốc hội, Chính phủ để vừa thích ứng an toàn linh hoạt trong phòng chống dịch bệnh, vừa khôi phục phát triển kinh tế, hoạt động sản xuất kinh doanh của người dân, DN đang dần trở lại nhịp bình thường. Tín dụng đang tăng trưởng tích cực và hoàn toàn có khả năng đạt mục tiêu 12% NHNN đặt ra cho năm nay.

Trong thời gian tới, để hỗ trợ phục hồi và tăng trưởng kinh tế, NHNN sẽ chú trọng triển khai một số giải pháp trọng tâm trong điều hành tín dụng.

Thứ nhất, điều hành tín dụng phù hợp theo hướng mở rộng tín dụng, tập trung vốn cho vay đối với các lĩnh vực ưu tiên, lĩnh vực sản xuất kinh doanh, tiếp tục kiểm soát chặt chẽ tín dụng vào các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro; định hướng cơ cấu tín dụng phù hợp với chuyển dịch nền kinh tế, góp phần thúc đẩy tăng trưởng và phát triển kinh tế bền vững.

Thứ hai, tiếp tục đánh giá thực trạng khó khăn của nền kinh tế, các ngành nghề, loại hình DN… để chỉ đạo các TCTD có chính sách ưu tiên, hỗ trợ và tập trung tín dụng nhằm góp phần khôi phục kinh tế.

Thứ ba, theo dõi, đôn đốc các TCTD triển khai các giải pháp hỗ trợ khách hàng bị ảnh hưởng dịch, tích cực thực hiện cam kết giảm lãi suất cho vay, giảm phí dịch vụ thanh toán; phối hợp với Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội theo dõi, chỉ đạo Ngân hàng Chính sách xã hội tiếp tục đẩy mạnh triển khai cho vay trả lương ngừng việc, trả lương phục hồi sản xuất - kinh doanh.

Thứ tư, chỉ đạo các TCTD tiếp tục tạo điều kiện thuận lợi cho người dân, DN trong việc tiếp cận tín dụng, đáp ứng nhu cầu hợp pháp của người dân, góp phần hạn chế “tín dụng đen”; tăng cường phối hợp với các địa phương đẩy mạnh chương trình kết nối ngân hàng- DN…

Thứ năm, phối hợp các bộ, ngành trong xây dựng và triển khai Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội.

Tuy nhiên, trong bối cảnh áp lực giá cả hàng hóa thế giới, nguyên liệu đầu vào gia tăng, việc điều hành chính sách tiền tệ, tín dụng và hoạt động ngân hàng cũng đang phải đối mặt với nhiều thách thức để vừa tháo gỡ khó khăn cho sản xuất - kinh doanh, hỗ trợ phục hồi kinh tế, vừa kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, đảm bảo an toàn hệ thống TCTD. Chưa kể, khả năng trả nợ của khách hàng suy giảm, việc cơ cấu lại thời hạn trả nợ, giữ nguyên nhóm nợ trong thời gian dài có thể khiến các khoản nợ này tiềm ẩn trở thành nợ xấu trong tương lai, gây áp lực về rủi ro tín dụng cho các TCTD. Vì vậy, bên cạnh các giải pháp, công cụ điều hành chính sách tiền tệ, tín dụng của ngành Ngân hàng, cần đẩy mạnh, phát huy hơn nữa công cụ chính sách tài khóa, hỗ trợ tài chính từ nguồn ngân sách, các chính sách phát triển ngành; sớm hoàn thiện và triển khai đồng bộ các giải pháp thuộc Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội.

Xin cảm ơn ông!