CỔNG THÔNG TIN VÀ ĐẦU TƯ QUỐC TẾ

Tạo điều kiện thuận lợi để doanh nghiệp tham gia vào thị trường carbon

Invest Global 09:15 05/09/2024

Thị trường carbon sắp được triển khai tại Việt Nam sẽ mở ra cơ hội lớn cho các doanh nghiệp trong việc giảm phát thải khí nhà kính và tham gia vào nền kinh tế xanh. Để hiện thực hóa mục tiêu này, cần sự chung tay, chuẩn bị kỹ lưỡng và hợp tác chặt chẽ giữa các bên liên quan mà vai trò chính là cơ quan nhà nước và nỗ lực của doanh nghiệp.

(TBTCO) - Thị trường carbon sắp được triển khai tại Việt Nam sẽ mở ra cơ hội lớn cho các doanh nghiệp trong việc giảm phát thải khí nhà kính và tham gia vào nền kinh tế xanh. Để hiện thực hóa mục tiêu này, cần sự chung tay, chuẩn bị kỹ lưỡng và hợp tác chặt chẽ giữa các bên liên quan mà vai trò chính là cơ quan nhà nước và nỗ lực của doanh nghiệp.

Phát biểu tại toạ đàm “Giải pháp thúc đẩy tham gia thị trường carbon của doanh nghiệp ngành công thương” diễn ra ngày 4/9/2024, ông Hoàng Văn Tâm, Vụ Tiết kiệm năng lượng và Phát triển bền vững (Bộ Công thương) cho biết, phát triển thị trường carbon là giải pháp quan trọng đóng góp vào tiến trình giảm phát thải khí nhà kính quốc gia mà Việt Nam đã cam kết.

Trước đó, thực hiện cam kết về giảm phát thải ròng bằng "0" vào năm 2050, tại hội nghị COP26, Việt Nam đã cập nhật Đóng góp do quốc gia tự quyết định (gọi tắt NDC), cụ thể hóa các cam kết quốc tế về giảm phát thải, trong đó, có giảm phát thải khí nhà kính.

Tạo điều kiện thuận lợi để doanh nghiệp tham gia vào thị trường carbon Tạo điều kiện thuận lợi để doanh nghiệp tham gia vào thị trường carbon. Ảnh: TL minh hoạ

Ngày 2/5/2024, Thủ tướng Chính phủ đã ký ban hành Chỉ thị số 13/CT-TTg về tăng cường công tác quản lý tín chỉ carbon nhằm thực hiện NDC và ngày 14/6/2024, Bộ Công thương đã ban hành Kế hoạch triển khai Chỉ thị. Theo đó, kế hoạch nhằm nâng cao nhận thức, vai trò của các tổ chức và doanh nghiệp ngành Công thương đối với hoạt động mua, bán, trao đổi tín chỉ carbon, thị trường carbon trong thực hiện NDC và mục tiêu giảm phát thải khí nhà kính của Việt Nam.

Ông Hoàng Văn Tâm cho biết thêm, tham gia thị trường carbon còn là cơ hội huy động nguồn vốn của xã hội tham gia vào hoạt động giảm nhẹ phát thải khí nhà kính. Mỗi một tấn CO2 đạt tiêu chuẩn của thị trường được coi là một tín chỉ carbon và được giao dịch trên thị trường.

Hiện, Chính phủ đang gấp rút chuẩn bị để sớm đưa thị trường tín chỉ carbon vào vận hành. Theo đó, từ nay đến 2028, các bộ, ngành, địa phương sẽ chuẩn bị cơ sở pháp lý, điều kiện kỹ thuật và triển khai thí điểm, năm 2029 sẽ vận hành chính thức.

Để phát triển thị trường carbon tại Việt Nam, Bộ Công thương và các cơ quan liên quan đang triển khai nhiều giải pháp. Ví dụ như Bộ Công thương đã ban hành Thông tư số 38/2023/TT-BCT Quy định kỹ thuật đo đạc, báo cáo, thẩm định giảm nhẹ phát thải khí nhà kính và kiểm kê khí nhà kính ngành Công thương.

Khi mà các doanh nghiệp tuân thủ được các quy định về kiểm kê, thẩm định các kết quả giảm nhẹ thì những tín chỉ carbon tạo được ra từ các quá trình đó mà được tuân thủ theo một quy trình nghiêm ngặt thì giá trị của tín chỉ sẽ cao hơn và sẽ có giá trị trong khi giao dịch trên thị trường.

Bộ Công thương đang nâng cao năng lực cho doanh nghiệp để đáp ứng quá trình tham gia thị trường carbon. Các doanh nghiệp sẽ được hỗ trợ về chuẩn bị hàng hóa cho thị trường, bao gồm hạn ngạch phát thải carbon và tín chỉ carbon - 2 loại sản phẩm chủ yếu có thể giao dịch. Bộ Tài chính và Bộ Tài nguyên và môi trường là hai cơ quan chủ trì xây dựng và vận hành thị trường carbon trong thời gian tới.

Theo Bộ Công thương, nhìn chung, sự phối hợp chặt chẽ giữa Chính phủ, các doanh nghiệp và các tổ chức tư vấn, hỗ trợ sẽ thúc đẩy thị trường carbon tại Việt Nam. Với những nỗ lực hiện tại và sự chuẩn bị kỹ lưỡng, thị trường carbon hứa hẹn trở thành một công cụ quan trọng trong việc giảm phát thải khí nhà kính và thúc đẩy sự phát triển bền vững.

Môi trường kinh doanh