CỔNG THÔNG TIN VÀ ĐẦU TƯ QUỐC TẾ
(TBTCO) - Hiện cả nước đã có gần 450 khu công nghiệp, với tổng diện tích đất công nghiệp đạt khoảng 93 nghìn ha, song các doanh nghiệp nhỏ và vừa vẫn ít có cơ hội tiếp cận, giá thuê đất còn cao với khả năng chi trả của doanh nghiệp.
Tại tờ trình trình Chính phủ dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về một số cơ chế, chính sách đặc thù, đặc biệt phát triển kinh tế tư nhân, Bộ Tài chính cho biết, một trong những khó khăn lớn nhất được cộng đồng doanh nghiệp phản ánh trong thời gian qua là việc khó khăn trong tiếp cận đất đai và mặt bằng sản xuất kinh doanh.

Để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc và nâng cao khả năng tiếp cận đất đai của các doanh nghiệp, Bộ Tài chính đề xuất một số chính sách hỗ trợ đặc biệt của Nhà nước, như: Hỗ trợ tiếp cận đất đai, mặt bằng sản xuất kinh doanh tại khu công nghiệp, cụm công nghiệp, vườn ươm công nghệ.
Bộ Tài chính cho biết, tính đến nay cả nước đã có gần 450 khu công nghiệp với tổng diện tích đất công nghiệp đạt khoảng 93 nghìn ha, song các doanh nghiệp nhỏ và vừa vẫn ít có cơ hội tiếp cận, giá thuê đất còn cao với khả năng chi trả của doanh nghiệp.
Nhằm tháo gỡ vấn đề này; đồng thời thực hiện chủ trương nêu tại Nghị quyết số 68-NQ/TW, đẩy mạnh phân cấp, phân quyền cho chính quyền địa phương theo phương châm địa phương quyết, địa phương làm, địa phương chịu trách nhiệm, theo đó Bộ Tài chính đề xuất quy định các chính sách để hỗ trợ các doanh nghiệp nhỏ và vừa, doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo, doanh nghiệp công nghệ cao tiếp cận đất đai và mặt bằng sản xuất kinh doanh như sau:
Các địa phương được sử dụng ngân sách địa phương hỗ trợ chủ đầu tư kinh doanh hạ tầng khu công nghiệp, cụm công nghiệp, vườn ươm công nghệ để các chủ đầu tư này phải cho doanh nghiệp công nghệ cao thuộc khu vực kinh tế tư nhân, doanh nghiệp nhỏ và vừa, doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo thuê lại đất khi có nhu cầu.
Để khai thác hiệu quả các tài sản công là trụ sở, công trình chưa sử dụng, không sử dụng hoặc dôi dư, đặc biệt trong quá trình sắp xếp, tổ chức lại bộ máy chính quyền hai cấp, dự thảo Nghị quyết quy định, đề xuất Nhà nước hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa, doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ, doanh nghiệp đổi mới sáng tạo thuê nhà, đất là tài sản công chưa sử dụng hoặc không sử dụng tại địa phương.
Doanh nghiệp công nghệ cao thuộc khu vực kinh tế tư nhân, doanh nghiệp nhỏ và vừa, doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo được hỗ trợ giảm tối thiểu 30% tiền thuê lại đất trong vòng 5 năm đầu kể từ ngày ký hợp đồng thuê đất với chủ đầu tư kinh doanh hạ tầng khu công nghiệp, cụm công nghiệp, vườn ươm công nghệ. Khoản hỗ trợ tiền thuê đất này được Nhà nước hoàn trả cho chủ đầu tư theo quy định của Chính phủ.
UBND cấp tỉnh căn cứ vào tình hình thực tế, xác định quỹ đất đối với từng khu công nghiệp, cụm công nghiệp đảm bảo bình quân tối thiểu 20 ha/khu, cụm công nghiệp hoặc 5% tổng quỹ đất đã đầu tư kết cấu hạ tầng dành cho doanh nghiệp công nghệ cao thuộc khu vực kinh tế tư nhân, doanh nghiệp nhỏ và vừa, doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo thuê lại.
Cần có chính sách đặc thù, vượt trội để hỗ trợ doanh nghiệp
Để đạt mục tiêu đến năm 2030, cả nước có ít nhất 20 doanh nghiệp lớn tham gia chuỗi giá trị toàn cầu, Bộ Tài chính đề xuất 2 chính sách cho nhóm doanh nghiệp này, bao gồm: Đặt hàng, đấu thầu hạn chế, chỉ định thầu thực hiện dự án trọng điểm, quan trọng quốc gia.
Theo Bộ Tài chính, hiện nay, cơ chế giao, đặt hàng được áp dụng đối với nhiệm vụ khoa học công nghệ theo Nghị quyết số 193/2025/QH15 của Quốc hội về thí điểm cơ chế, chính sách đặc biệt tạo đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia. Văn bản quy phạm pháp luật hiện hành chưa có cơ chế đặt hàng dự án đầu tư.
Cần thí điểm cơ chế, chính sách đặc biệt tạo đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia. Ảnh minh họa: TN
Để đáp ứng được yêu cầu của thực triễn trong tình hình mới, dự thảo Nghị quyết trao quyền cho người có thẩm quyền, chủ đầu tư được lựa chọn áp dụng một trong các hình thức đặt hàng hoặc đấu thầu hạn chế hoặc chỉ định thầu hoặc các hình thức phù hợp khác theo quy định của pháp luật để thực hiện đối với các lĩnh vực chiến lược, các dự án, nhiệm vụ nghiên cứu khoa học trọng điểm, quan trọng quốc gia, đường sắt tốc độ cao, đường sắt đô thị, công nghiệp nền tảng...
Về hỗ trợ hình thành và phát triển doanh nghiệp vừa và lớn, tập đoàn kinh tế tư nhân tầm cỡ khu vực và toàn cầu. Bộ Tài chính cho biết, hiện nay, đã xuất hiện một số doanh nghiệp tư nhân lớn trong một số ngành, lĩnh vực có khả năng dẫn dắt chuỗi giá trị, thúc đẩy các doanh nghiệp nhỏ và vừa cùng lớn mạnh.
Tuy nhiên, Nhà nước chưa có chính sách hỗ trợ tương xứng với vai trò, tiềm năng của các doanh nghiệp này. Các cơ chế, chính sách đặc thù, vượt trội sẽ hỗ trợ các doanh nghiệp này trở thành lực lượng tiên phong, vươn tầm quốc tế.
Theo đó, tại dự thảo Nghị quyết Bộ Tài chính đề xuất, Nhà nước xây dựng chương trình hỗ trợ hình thành và phát triển doanh nghiệp vừa và lớn, tập đoàn kinh tế tư nhân tầm cỡ khu vực và toàn cầu thông qua các chương trình sau: Chương trình phát triển 1.000 doanh nghiệp tiêu biểu, tiên phong trong khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số và chuyển đổi xanh, công nghiệp công nghệ cao, công nghiệp hỗ trợ.