CỔNG THÔNG TIN VÀ ĐẦU TƯ QUỐC TẾ

Tập đoàn Dầu khí Việt Nam có tên gọi mới

Invest Global 09:00 10/04/2025

Theo quyết định của Thủ tướng, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam đổi tên thành Tập đoàn Công nghiệp - Năng lượng Quốc gia Việt Nam (Petrovietnam).

Chiều 9/4, Phó Thủ tướng Bùi Thanh Sơn đã dự lễ công bố quyết định của Thủ tướng đổi tên Tập đoàn Dầu khí Việt Nam thành Tập đoàn Công nghiệp-Năng lượng Quốc gia Việt Nam.

Theo định danh mới, Petrovietnam sẽ phát triển trên ba trụ cột gồm năng lượng - công nghiệp - dịch vụ, trong đó năng lượng vẫn là cốt lõi.

Petrovietnam cho biết, với định danh mới này, họ sẽ không chỉ là một tập đoàn dầu khí, năng lượng truyền thống, mà còn là trung tâm của công nghiệp, dịch vụ và trụ cột năng lượng quốc gia. Cùng với đó, việc chuyển đổi tên gọi sẽ đảm bảo tổ chức, hoạt động của tập đoàn phù hợp với định hướng của Bộ Chính trị, xu hướng chuyển dịch năng lượng và cam kết Net Zero vào năm 2050.

Phó Thủ tướng Bùi Thanh Sơn trao quyết định của Thủ tướng đổi tên Tập đoàn Dầu khí Việt Nam thành Tập đoàn Công nghiệp-Năng lượng Quốc gia Việt Nam. Ảnh: VGP

Cũng tại buổi lễ, Tập đoàn Công nghiệp-Năng lượng Quốc gia Việt Nam và Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Malaysia (Petronas) ký kết gia hạn hợp đồng chia sản phẩm dầu khí (PSC) tại Lô PM3 CAA, kéo dài đến năm 2047.

Dự án dầu khí Lô PM3 CAA trải qua 6 giai đoạn phát triển, đưa vào vận hành 178 giếng phát triển, 2 giàn công nghệ trung tâm (CPP), 2 tàu FSO và trên 10 giàn vệ tinh đầu giếng, cùng hệ thống đường ống dẫn khí PM3 CAA Cà Mau dài 298 km.

Tính đến hết năm 2024, dự án đã khai thác khoảng 250 triệu thùng dầu và 1.600 tỷ bộ khối khí (tương đương 43 tỷ m3), trong đó gần 25 tỷ m3 khí đã được cung cấp cho Việt Nam, góp phần hình thành và phát triển Tổ hợp khí – điện – đạm Cà Mau, đóng góp to lớn vào kinh tế xã hội khu vực Tây Nam Bộ.

Với tổng chi phí đầu tư khoảng 10 tỷ USD, dự án đã tạo ra doanh thu dầu khí lên đến 24,8 tỷ USD, đóng góp đáng kể vào ngân sách nhà nước của cả hai quốc gia.

Việc gia hạn PSC tại Lô PM3 CAA thêm 20 năm, từ 2028 đến 2047 thể hiện sự cam kết của Chính phủ Việt Nam trong việc tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư tiếp tục hoạt động khai thác dầu khí; hướng tới mục tiêu phát thải ròng bằng "0" vào năm 2050 theo cam kết của Việt Nam...

Phát biểu tại buổi lễ, Phó Thủ tướng Bùi Thanh Sơn cho rằng, việc đổi tên tập đoàn thể hiện sự phát triển, lớn mạnh không ngừng của tập đoàn trong suốt 50 năm qua. Theo ông, tập đoàn đã xác định được định hướng phát triển trong thời gian tới là mở rộng và nâng tầm hoạt động, không chỉ là lĩnh vực năng lượng mà còn cả công nghiệp,

Phó Thủ tướng đánh giá cao kế hoạch cũng như cam kết tiếp tục hợp tác khai thác hiệu quả tài nguyên, ứng dụng công nghệ xanh, tiết kiệm năng lượng, giảm phác thải giữa Tập đoàn Công nghiệp-Năng lượng Quốc gia Việt Nam và Tập đoàn Petronas, góp phần hiện thực hoá mục tiêu chung của 2 bên là phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050.

Thông tin Doanh nghiệp