CỔNG THÔNG TIN VÀ ĐẦU TƯ QUỐC TẾ
Nỗ lực đạt tỷ lệ giải ngân cao nhất
Năm 2022 (tính đến hết ngày 31/1/2023), dù giải ngân đầu tư công đạt gần 542 nghìn tỷ đồng, tăng tới 103 nghìn tỷ đồng (tăng 23,5% so với năm 2021) nhưng mới đạt tỷ lệ gần 93,5% kế hoạch đặt ra. Tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc về đôn đốc đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công năm 2023 và thực hiện Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội ngày 21/2/2023, Thủ tướng Phạm Minh Chính xác định, đầu tư công vừa là động lực, vừa là nguồn lực phát triển. Vì vậy phải phấn đấu giải ngân ít nhất 95% theo kế hoạch vốn ngân sách nhà nước năm 2023. Kế hoạch vốn năm 2023 được Quốc hội quyết nghị là gần 711,7 nghìn tỷ đồng. Như vậy năm nay, dù mục tiêu giải ngân cải thiện không lớn về tỷ lệ (chỉ cần tăng thêm ít nhất 1,5% so với 2022) nhưng là rất thách thức khi con số giải ngân tuyệt đối tối thiểu phải đạt khoảng 676 nghìn tỷ đồng, (tức tăng thêm hơn 134 nghìn tỷ đồng).
Thách thức không chỉ về mặt con số khi lượng vốn cần giải ngân tăng mạnh như vậy, mà còn đến từ chính những vướng mắc, khó khăn tồn tại lâu nay mà hầu như bộ, ngành, cơ quan trung ương và địa phương nào cũng gặp phải, cũng như những khó khăn mới, mang tính đặc thù của mỗi địa phương.
Giải ngân vốn đầu tư công là nhiệm vụ chính trị quan trọng hàng đầu của các cấp, các ngành năm 2023Tại hội nghị này, lãnh đạo một số bộ, cơ quan trung ương, tỉnh, thành phố đã thẳng thắn nêu ra những nguyên nhân chính khiến giải ngân khó khăn như vướng mắc liên quan đến vấn đề giải phóng mặt bằng; trách nhiệm trong việc chuẩn bị hồ sơ, đánh giá các tình huống phát sinh, chủ động tháo gỡ còn chậm; công tác phối hợp trong triển khai các dự án chưa tốt; giá vật liệu tăng ảnh hưởng đến tiến độ xây dựng… Những tồn tại, hạn chế được các đại biểu nêu ra tại hội nghị cũng nằm trong số 39 nhóm vấn đề vướng mắc liên quan đến các lĩnh vực đất đai, bảo vệ môi trường, đấu thầu, ngân sách và công sản, xây dựng, tài nguyên và khoáng sản, đầu tư công được chỉ ra tại báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư.
Khó khăn, vướng mắc liên quan đến giải ngân đầu tư công còn rất nhiều, nhưng quan trọng là mục tiêu giải ngân ít nhất 95% kế hoạch vốn như Thủ tướng chỉ đạo có thể đạt được hay không? Câu trả lời là hoàn toàn có thể nếu nhìn vào những việc đã làm (và cam kết) mà các bộ, ngành, địa phương đưa ra tại hội nghị này; môi trường để thực hiện kế hoạch đầu tư công năm 2023 - bên cạnh những khó khăn - có những thuận lợi hơn so với các năm 2021, 2022 (hầu hết các dự án lớn đã hoàn thiện thủ tục, giao đủ vốn; giá cả nguyên vật liệu dù vẫn cao nhưng đã ổn định và kỳ vọng tiếp tục ổn định…) và đặc biệt là các chỉ đạo rất cụ thể quyết liệt của Thủ tướng tại hội nghị.
Tại hội nghị, ông Phan Văn Mãi, Chủ tịch UBND TP. Hồ Chí Minh (một trong những địa phương có tỷ lệ giải ngân dưới mức trung bình cả nước trong năm 2022) nhấn mạnh: trên cơ sở được phân bổ vốn 70.000 tỷ đồng, thành phố đã phân bổ xong 100% vốn Trung ương và đến cuối tháng 3 sẽ phân bổ hết 100% vốn địa phương; cương quyết nửa đầu năm nay công tác mặt bằng phải đảm bảo được cho các dự án… Từ đầu cầu Hà Nội, Chủ tịch UBND thành phố Trần Sỹ Thanh cho biết, từ mức giải ngân chưa được 50% vào tháng 9/2022 lên mức 87,8% (giải ngân được hơn 45.000 tỷ đồng) đến 31/1/2023 cho thấy sự nỗ lực rất lớn của thành phố trong việc tích cực nhận diện tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc. Cho rằng khó khăn về kỹ thuật, quy trình dự án, phân cấp phân quyền... là một trong những vấn đề hiện nay, Chủ tịch Hà Nội đề xuất Chính phủ phân cấp ủy quyền mạnh hơn nữa để đẩy mạnh công tác giải ngân.
Đầu tư có trọng tâm, trọng điểm
Đẩy nhanh tiến độ đầu tư công song, Thủ tướng yêu cầu phải vừa bảo đảm tỷ lệ giải ngân cao, vừa bảo đảm đúng chất lượng, hiệu quả các công trình, dự án. Theo đó, nếu không có giải pháp phù hợp ngay từ ngày đầu, tháng đầu thì giải ngân vốn đầu tư công sẽ chậm, đầu tư công càng kéo dài càng lãng phí, đội vốn, chỉ số ICOR tăng, hiệu quả giảm, ảnh hưởng tới nguồn lực và động lực của sự phát triển. Thủ tướng yêu cầu quán triệt và triển khai thực hiện nghiêm túc, đồng bộ, hiệu quả các Nghị quyết, kết luận, chỉ đạo của Quốc hội, Chính phủ, xác định giải ngân vốn đầu tư công là nhiệm vụ chính trị quan trọng hàng đầu của các cấp, các ngành năm 2023.
Theo đó các bộ, ngành, địa phương cần khẩn trương phân bổ chi tiết toàn bộ kế hoạch đầu tư vốn ngân sách nhà nước năm 2023; tập trung chỉ đạo thực hiện quyết liệt, đồng bộ, hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp đã đề ra tại các Nghị quyết của Chính phủ, Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ, coi đây là nhiệm vụ chính trị trọng tâm; đầu tư có trọng tâm, trọng điểm, không dàn trải. Tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo, phân cấp, phân quyền, cá thể hóa trách nhiệm, bảo đảm sự linh hoạt, chủ động trong điều hành kế hoạch gắn chỉ đạo với kiểm tra, đôn đốc. Bám sát, nhận diện và đánh giá đúng, trúng tình hình; quyết tâm cao, nỗ lực lớn, hành động quyết liệt; tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cả về thể chế, cơ chế, chính sách, trên nguyên tắc cấp nào ban hành, cấp đó phải tháo gỡ, trường hợp vượt quá thẩm quyền, báo cáo cấp trên trực tiếp.
Lập kế hoạch giải ngân chi tiết từng dự án và tuân thủ nghiêm kế hoạch theo từng tháng, quý. Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát hiện trường, đôn đốc các nhà thầu, tư vấn đẩy nhanh tiến độ thi công. Phân công cụ thể lãnh đạo chịu trách nhiệm theo dõi tiến độ thực hiện; bám sát, kịp thời tháo gỡ khó khăn và chịu trách nhiệm về kết quả giải ngân của từng dự án, coi đây là căn cứ đánh giá mức độ hoàn thành công việc được giao trong năm 2023.
Bên cạnh đó, nâng cao hơn nữa tính chủ động phối hợp giữa các bộ, ngành, địa phương, nhất là trong giải quyết các vướng mắc phát sinh. Người đứng đầu bộ, cơ quan Trung ương và Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương trực tiếp lãnh đạo, chỉ đạo kiểm tra, rà soát các dự án, nhất là các dự án khởi công mới; kiểm soát chặt chẽ sự cần thiết, quy mô từng dự án theo đúng quy hoạch, mục tiêu đã được duyệt, bảo đảm hiệu quả đầu tư và kết quả đầu ra của từng dự án. Làm tốt công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, giúp đỡ người dân trên quan điểm bảo đảm tốt nhất có thể, nơi ở mới ít nhất phải bằng hoặc tốt hơn nơi ở cũ.
Về nguyên vật liệu cho các dự án, thực hiện nghiêm theo các nghị quyết, chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ; giao trực tiếp mỏ vật liệu xây dựng thông thường cho ban quản lý dự án, chủ đầu tư, nhà thầu thi công, không để xảy ra việc giao không đúng đối tượng, mua đi bán lại. Kiểm tra, kiểm soát, quản lý chặt chẽ giá vật liệu xây dựng theo quy định. Nhà thầu, nhà đầu tư phải nâng cao tinh thần trách nhiệm, tuân thủ đúng quy định, hợp đồng ký kết, bảo đảm tiến độ, chất lượng.
Chuẩn bị mọi điều kiện tốt nhất để hoàn thành thủ tục và làm tốt công tác chuẩn bị đầu tư, nâng cao tính sẵn sàng, tính khả thi triển khai thực hiện dự án. Thực hiện cơ chế phân công, phối hợp rõ ràng, cụ thể về thẩm quyền, trách nhiệm giữa các cơ quan, đơn vị trong việc hoàn thiện thủ tục đầu tư dự án.
Đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ thông tin về quản lý đầu tư công như theo dõi, giám sát triển khai thực hiện dự án. Theo đó, Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư chia sẻ các thông tin, dữ liệu giải ngân về đầu tư công và thông tin, dữ liệu các dự án đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông trọng điểm quốc gia theo thời gian thực để phục vụ công tác quản lý, chỉ đạo, điều hành. Cùng với đó, đơn giản hóa quy trình kiểm soát chi và hồ sơ; tăng cường công tác hậu kiểm trong giải ngân; hoàn thiện ngay thủ tục thanh toán khi có khối lượng được nghiệm thu, xử lý nghiêm trường hợp không tuân thủ quy trình giải ngân, gây khó khăn cho đơn vị khi làm thủ tục thanh toán.