CỔNG THÔNG TIN VÀ ĐẦU TƯ QUỐC TẾ

Thay đổi tư duy số để 94% doanh nghiệp vượt qua ảnh hưởng tiêu cực của đại dịch

Invest Global 08:52 24/11/2021

Xấp xỉ 94% doanh nghiệp chịu ảnh hưởng tiêu cực của dịch Covid-19, khoảng 71% doanh nghiệp tiếp tục giảm doanh thu so với năm trước, 96% doanh nghiệp gặp các vấn đề liên quan đến tiếp cận khách hàng, mất cân đối dòng tiền, quản lý nhân công hoặc đứt gãy chuỗi cung ứng.

Những con số thống kê này là kết quả từ khảo sát toàn quốc của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) được công bố tại “Diễn đàn Doanh nghiệp 2022: Nhận diện thị trường và phương thức thích ứng” tổ chức ngày 23/11.

b503fc0040778b29d266-3964-1637663814.jpg

Toàn cảnh Diễn đàn Doanh nghiệp 2022: Nhận diện thị trường và phương thức thích ứng” tổ chức ngày 23/11.

Theo VCCI, 91% doanh nghiệp đã phải chấp nhận giảm quy mô lao động trong thời kỳ dịch bệnh diễn biến phức tạp. Chính vì vậy, các doanh nghiệp mong chờ và kỳ vọng sẽ sớm có một chương trình tổng thể phục hồi kinh tế được thiết kế khoa học, có tính khả thi cao, sát hợp với nhu cầu, điều kiện của doanh nghiệp.

TS. Võ Trí Thành, Viện trưởng Viện nghiên cứu Chiến lược Thương hiệu và Cạnh tranh cho biết, tin mừng là Chính phủ vẫn đang tiếp tục hỗ trợ, thậm chí đang tính tới gói hỗ trợ lên tới 10% GDP.

Để giúp cho doanh nghiệp và nền kinh tế vượt qua đại dịch, các chuyên gia tham dự Diễn đàn đều thống nhất quan điểm Nhà nước và doanh nghiệp phải nhanh nhạy, linh hoạt ứng biến trước rất nhiều vấn đề phức tạp xảy ra, thậm chí chưa có tiền lệ. Một trong những chìa khoá vạn năng chính là thay đổi tư duy trong ứng dụng chuyển đổi số.

Điều đó đòi hỏi từ phía Nhà nước phải có phản ứng chính sách nhanh, mang tính chất toàn diện và dự báo dài hạn.

Theo thông lệ, để một Nghị quyết được ban hành cần phải ít nhất 1 năm, nhưng trong bối cảnh hiện nay đã có Nghị quyết ra đời trong vòng 1 tháng như Nghị quyết số 42 về giãn hoãn thuế năm 2020.

Các chuyên gia chỉ ra việc chuyển đổi số trong lĩnh vực hành chính cũng góp phần quan trọng để Nhà nước phản ứng nhanh với việc ban hành chính sách.

Ông Phan Đức Hiếu, Uỷ viên thường trực Uỷ ban Kinh tế của Quốc hội cho rằng thủ tục hành chính truyền thống và ứng dụng công nghệ trong giải quyết thủ tục hành chính hiện nay chưa đáp ứng yêu cầu và đòi hỏi của người dân, doanh nghiệp trong bối cảnh mới. Những rào cản về thủ tục hành chính đang khiến doanh nghiệp không nắm bắt được cơ hội.

Ông Hiếu nêu ví dụ: doanh nghiệp nhập một mặt hàng từ nước ngoài về, tất cả chứng từ là một email vận đơn, nhưng khi vào Việt Nam phải nộp hồ sơ qua mạng, sau đó doanh nghiệp đến tận nơi để nhận giấy phép bằng bản cứng, rồi lại mang ra bưu điện để gửi bản gốc đó cho cơ quan hải quan. Nếu trong quá trình giãn cách thì không thực hiện được.

Vì vậy, ông Hiếu cho rằng, phải thay đổi tư duy trong ứng dụng chuyển đổi số: “Không phải số hoá thủ tục hành chính, mà phải tư duy về số để thiết kế ra thủ tục hành chính”.

Về phía doanh nghiệp, các chuyên gia cũng cho rằng doanh nghiệp cần phải chủ động ứng dụng công nghệ vào sản xuất, kinh doanh, đẩy mạnh chuyển đổi số... để tận dụng được cơ hội nhằm vươn lên mạnh mẽ.

Chia sẻ về quá trình quản trị và sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp mình, ông Phạm Minh Thông, Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc Tập đoàn Phúc Sinh cho hay, nhờ đầu tư vào các phần mềm để quản trị công ty đã giúp doanh nghiệp tiết kiệm chi phí và nhân lực trong thời kỳ đại dịch Covid-19.

Đặc biệt, Phúc Sinh đã chú trọng vào các phần mềm quản trị hệ thống. “Đây là điều vô cùng cần thiết trong hoạt động điều hành. Xây dựng hệ thống là một việc lâu dài và cần kiên nhẫn”, ông Thông nhấn mạnh.

Trong 2 năm qua, doanh số của Phúc Sinh vẫn đạt hơn 200 triệu USD/năm. Hiện tại, công ty có 6 nhà máy và 6.000 trang trại trên khắp cả nước; kết nối với hàng chục đối tác nước ngoài. “Chúng tôi đẩy mạnh phát triển chiều sâu cho các sản phẩm nông nghiệp, nên đã giải quyết được lượng hàng hoá sản xuất ra với số lượng lớn mà không bị ép, bị bán phá giá”, ông Thông cho hay.

“Để có kết quả này, chúng tôi đầu tư vào hệ thống, đào tạo con người, đầu tư vào phần mềm, công nghệ... Với quy mô như vậy, thông thường một DN phải cần đến hàng chục kế toán, nhưng nhờ công nghệ và đào tạo con người, chúng tôi chỉ cần có 4-5 kế toán”, ông Thông nói.

Thanh Hoa

Doanh nghiệp - Doanh nhân